Vụ máy bay Trung Quốc “xâm phạm” không phận đặt ra thách thức lớn với Malaysia

Hồng Anh |

Trong hơn 1 thập kỷ qua, Malaysia đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển lực lượng không quân của nước này.

Chiến đấu cơ của Malaysia bay áp sát một máy bay Trung Quốc (màu trắng) hôm 31/5. Ảnh: Reuters.

Chiến đấu cơ của Malaysia bay áp sát một máy bay Trung Quốc (màu trắng) hôm 31/5. Ảnh: Reuters.

Ngày 31/5, phía Malaysia cáo buộc 16 máy bay của Trung Quốc đã bay vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông . Đây được coi là hoạt động “xâm phạm không phận” lớn nhất của không quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) mà Kuala Lumpur ghi nhận.

Có thông tin cho rằng, Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) đã di chuyển các máy bay từ khuy vực Labuan để theo dõi máy bay của Trung Quốc.

Vụ việc đã gây xôn xao dư luận và giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn những hành động như vậy. Điều này đặt ra câu hỏi liệu lực lượng không quân Malaysia đã sẵn sàng chuẩn bị cho những tình huống tương tự trong tương lai hay chưa.

Vấn đề ngân sách quốc phòng

Một nhà nghiên cứu an ninh cho biết, trong hơn 1 thập kỷ qua, Malaysia đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và phát triển lực lượng không quân của nước này. Kinh tế tăng trưởng chậm cùng những vấn đề ưu tiên khác đã khiến ngân sách quốc phòng bị co hẹp đáng kể.

Mặc dù Malaysia đã phân bổ nhiều kinh phí hơn cho ngân sách quốc phòng trong năm 2021, tăng 1,8% so với năm 2020, nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với lĩnh vực kinh tế và tài chính, dự kiến sẽ hạn chế việc chi tiêu quốc phòng của nước này trong tương lai.

Về mặt chiến lược, cuộc xung đột vũ trang Lahad Datu hồi đầu năm 2013 đã khiến Malaysia phải định hướng lại chương trình hiện đại hóa quân đội, ưu tiên chống các lực lượng nổi dậy (COIN), trong đó có việc mua sắm trực thăng hạng nhẹ MD-530G. Ngoài ra, chương trình cũng tập trung vào các hoạt động khác không liên quan đến chiến tranh chẳng hạn như cứu trợ thiên tai và chống cướp biển.

Thách thức đối với không quân Malaysia

Kể từ khi mua 18 tiêm kích Sukhoi-30 MKM vào cuối những năm 2000, đến nay không quân Malaysia vẫn chưa mua thêm bất cứ máy bay chiến đấu nào, trong khi một số máy bay già cỗi như F-5E/F và MiG-29N đã bị loại khỏi biên chế.

Các dự án mua máy bay chiến đấu đa nhiệm (MRCA) và máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) được cho là sẽ giúp lấp đầy khoảng trống này. Tuy nhiên, dự án MRCA đang bị tạm hoãn còn dự án LCA đang tiến triển rất chậm chạp.

Không quân Malaysia đang cố gắng duy trì năng lực bằng cách nâng cấp các máy bay chiến đấu hiện có, chẳng hạn như F/A-18D và Su-30MKM. Dù vậy số lượng máy bay trong biên chế của nước này vẫn đang giảm dần.

Tên lửa đất đối không (SAM) cũng có thể phục vụ nhu cầu phòng không, nhưng các loại tên lửa này ở Malaysia đều là loại tầm ngắn dùng để phòng thủ trên thực địa vì thế khó bao quát các vùng trời rộng lớn như vùng không phận mà máy bay Trung Quốc bay qua.

Vụ việc ngày 31/5 cho thấy hai thách thức mà không quân Malaysia đang phải đối mặt. Trước hết, những máy bay chiến đấu hiện có của Malaysia, trong đó có máy bay huấn luyện phản lực cận âm Hawk, đều đủ khả năng theo dõi các máy bay vận tải Il-76 và Y-20 bay chậm của Trung Quốc một khi chúng “xâm nhập” vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông.

Nhưng nếu hành động của PLAAF diễn ra thường xuyên, giống như những gì mà Nhật Bản đang chứng kiến, thì các chuyến bay bổ sung và giờ bay của RMAF sẽ gia tăng. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng lớn hơn cho việc bảo trì và vận hành máy bay.

Do không quân Malaysia đang gặp phải một số vấn đề về hậu cần nên gánh nặng đó có thể làm suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu. Hơn nữa, Malaysia cần phải duy trì lực lượng phòng không trên toàn bộ lãnh thổ của nước này thay vì chỉ tập trung vào một số bang ở phía Đông, nên thách thức có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Thứ hai, máy bay chiến đấu của Trung Quốc, từ tàu sân bay hoặc các căn cứ trên đất liền có thể tham gia các hoạt động trong tương lai để bảo vệ lực lượng hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác. Do đó Kuala Lumpur cần những máy bay chiến đấu có năng lực tương tự để theo dõi hoặc đánh chặn khí tài của nước ngoài tới gần lãnh thổ nước này.

Trong tình huống đó, nếu chỉ điều động Hawks thì sẽ không đủ khả năng ứng phó và gánh nặng vận hành 8 chiếc F / A-18D cùng 18 chiếc Su-30MKM sẽ ngày càng gia tăng. Ngoài những lo ngại về mặt khí tài, việc làm sao để xử lý những tình huống bất ngờ mà không gây ra các sự cố ngoài ý muốn có thể làm leo thang căng thẳng cũng là một phép thử lớn đối với RMAF.

Tăng cường năng lực đối phó

Do nhu cầu tăng cường khả năng phòng không của Malaysia ngày càng gia tăng, đặc biệt là nhu cầu về năng lực đánh chặn, nên dự án mua sắm 36 máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) được cho là lựa chọn tốt nhất để nâng cao năng lực này. Các máy bay chiến đấu siêu thanh chẳng hạn như FA-50 của Hàn Quốc hay Tejas của Ấn Độ có thể phù hợp hơn so với các máy bay cận âm.

Các chuyên gia cho rằng, Malaysia cũng cần xem xét nối lại dự án MRCA tùy thuộc vào tần suất và cách thức hoạt động của Trung Quốc trong tương lai và sự phục hồi kinh tế của Malaysia sau đại dịch.

Ngoài việc mua sắm máy bay chiến đấu mới, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng chẳng hạn như hệ thống radar và nâng cấp căn cứ không quân ở phía Đông Malaysia cũng đóng một vai trò quan trọng.

Máy bay cảnh báo sớm trên không sẽ giúp Kuala Lumpur nâng cao năng lực giám sát nhưng việc mua chúng chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn so với triển khai các dự án hiện tại.

Vụ việc ngày 31/5 có thể khiến Malaysia nhận thấy sự cần thiết phải tái định hướng chiến lược quốc phòng và chương trình hiện đại hóa quân đội, chuyển từ tập trung đối phó với các nhóm phiến quân trong nước sang chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh thông thường.

Mặc dù nguồn tài chính của Malaysia dành cho ngân sách quốc phòng không dồi dào như những năm 1990, nhưng nước này vẫn có thể nâng cao năng lực không quân của mình thông qua các kế hoạch phù hợp./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại