Máy bay J-16 sử dụng tên lửa KD-88 tiêu diệt mục tiêu trên biển. Nguồn: Sina.
Truyền thông Trung Quốc ngày 09/8/2021 đăng tải thông tin, Đại đội Đỗ Phụng Thỷ thuộc một Lữ đoàn Không quân Trung Quốc gần đây đã tiến hành thử nghiệm tên lửa không đối đất KD-88 từ máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng.
Theo hình ảnh được công bố, tiêm kích J-16 đã phóng tên lửa KD-88 vào mục tiêu tàu chiến trên biển và đã thành công phá hủy con tàu này.
KD-88 là tên lửa không đối đất thế hệ mới của Trung Quốc, có thể tấn công từ ngoài khu vực phòng thủ (ngoài đường chân trời). Tên lửa này là phiên bản cải tiến của tên lửa không đối hạm YJ-83K.
Nó sử dụng phương pháp dẫn đường hỗn hợp, tầm bắn tối đa tương đương với tên lửa không đối đất AGM-84 SLAM của Mỹ, nhưng KD-88 có sức công phá mạnh hơn.
Tên lửa của Trung Quốc có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất hay tàu thuyền ở các cảng từ ngoài khu vực phòng thủ. Là một tên lửa không đối đất mang ý nghĩa đột phá, KD-88 có hai ưu điểm kỹ thuật nổi bật nhất.
Đầu tiên là khả năng thâm nhập phòng thủ mạnh mẽ. Một mặt, KD-88 có thể bay với tốc độ cận âm trong toàn bộ hành trình bay, do kích thước nhỏ và độ cao lướt trên mặt biển thấp, nên loại tên lửa này có khả năng “ẩn tàng” tín hiệu trong môi trường sóng biển phức tạp.
Mặt khác, KD-88 có một hệ thống lập kế hoạch đường bay, tức là, một số điểm chuyển hướng có thể được thiết lập trước để tên lửa không đi theo quỹ đạo thẳng trong quá trình bay đến mục tiêu sau khi phóng, điều này làm tăng độ khó đánh chặn của đối phương.
Thứ hai là KD-88 là loại tên lửa với nhiều đầu đạn và chế độ dẫn đường hỗn hợp, điều này cho phép tên lửa có thể tấn công chính xác trước các yêu cầu tác chiến khác nhau.
Ngoài dẫn đường bằng radar và dẫn đường bằng tia hồng ngoại, đối với tên lửa không đối đất, dẫn đường bằng truyền hình là một phương pháp dẫn đường không thể thiếu.
Tên lửa KD-88 có thể cho phép binh lính điều khiển vũ khí có thể tạm thời thay đổi mục tiêu trong khi bay thông qua các module liên kết dữ liệu.
Tên lửa không đối đất KD-88 của Trung Quốc. Nguồn: Sina. |
Điều này đồng nghĩa với việc tên lửa có thể tấn công các mục tiêu mới hoặc tiến hành các thao tác trong giai đoạn bay cuối cùng để tránh đánh chặn tên lửa mặt đất của đối phương.
Khi kết thúc chuyến bay của tên lửa, người điều khiển cũng có thể xem hình ảnh do tên lửa quay lại thông qua liên kết dữ liệu, sau đó tự chọn mục tiêu tấn công để đảm bảo hiệu quả của cuộc tấn công.
Bằng cách này, các biện pháp vô hiệu hóa tên lửa như sử dụng bom mồi nhử, khói, mục tiêu giả và các phương tiện khác sẽ mất tác dụng.
Với khả năng thích ứng tuyệt vời, tên lửa KD-88 có thể được trang bị trên các máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba và máy bay chiến đấu cải tiến thế hệ thứ hai của Trung Quốc. Hiện tại, loại máy bay phổ biến nhất được trang bị tên lửa KD-88 là máy bay chiến đấu-ném bom cải tiến JH-7A (Phi Báo).
Tên lửa KD-88 có chiều dài là 5,6 mét, đường kính thân là 0,36 mét, trọng lượng 715 kg, tầm bắn đạt 180 km. KD-88 do Sở 611 chế tạo dựa trên phiên bản tên lửa chống hạm C-802.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng, loại tên lửa này khi được trang bị trên máy bay JH-7A hay máy bay ném bom H-6H/M sẽ hoàn toàn đủ khả năng đe dọa lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, thậm chí căn cứ của Mỹ ở đảo Guam cũng nằm trong phạm vi tấn công của tổ hợp này.
Trước đó, một số thông tin cho rằng, máy bay chiến đấu J-10C cũng đã được trang bị tên lửa KD-88. Đây cũng là lần lộ diện đầu tiên của loại tên lửa này trên J-10C.
Được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và nhiều loại vũ khí đường không tiên tiến, máy bay chiến đấu J-10C có khả năng không chiến tầm trung mạnh mẽ. Sau khi lắp tên lửa KD-88, khả năng tấn công tầm xa của máy bay này sẽ được cải thiện hơn nữa.