Trong bài bình luận đậm chất tự mãn hồi cuối tháng 9, trang Quân sự của Sina (Trung Quốc) tuyên bố hơn 40 năm sau khi "hỗ trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ", Bắc Kinh một lần nữa đang xoay chiều cục diện chiến lược Mỹ-Trung ở châu Á-Thái Bình Dương.
Chuyên gia TQ: 2 vạn lính Mỹ "chôn thây đáy biển"
Sina tuyên bố, quân lực Trung Quốc hiện nay trên thực tế đã áp đảo Mỹ và Nhật Bản. Trong các chiến dịch tuần tra biển Đông của mình, quân đội Mỹ đã được trải nghiệm "quyết tâm và ý chí dám chiến đấu của Trung Quốc".
Hai nhóm tàu sân bay của Mỹ, USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan, với 10 chiến hạm, hơn 200 chiến đấu cơ và hơn 20.000 binh sĩ đã thực hiện các nhiệm vụ khẳng định quyền tự do hàng hải ở biển Đông hồi mùa hè.
Sina dẫn lời Từ Minh Thiên - cựu quân nhân, giáo sư và nhà quan sát Trung Quốc - tuyên bố:
"Ở biển Đông, Mỹ dường như chiếm ưu thế trên biển và trên không. Nhưng sau khi Trung Quốc bồi lấp (các đảo nhân tạo trái phép-PV) hoàn thành thì đó đã trở thành những tàu sân bay không chìm.
Sức tấn công từ các đảo sẽ mạnh mẽ hơn, kết hợp với lực lượng Trung Quốc trên biển và trên không, đặt tàu sân bay của Mỹ vào 'tử địa'.
Nếu không được Trung Quốc 'thả', 20.000 binh sĩ Mỹ có thể đã chôn thây dưới đáy biển".
Máy bay ném bom H-6K (trái) và chiến đấu cơ Su-30 của Trung Quốc bay qua eo Miyako của Nhật để ra Tây Thái Bình Dương hôm 25/9. (Ảnh: CNS / VIA KYODO)
Sức mạnh quân sự Trung Quốc áp đảo?
Theo Sina, so với biển Đông, quân đội Trung Quốc còn nắm ưu thế lớn hơn trước Mỹ và Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Kể từ khi Hạm đội Bắc Dương của Mãn Thanh thua trận trước Nhật Bản trong hải chiến Giáp Ngọ (1894), quyền kiểm soát trên biển Hoàng Hải, rộng hơn là biển Hoa Đông, đã thuộc về Nhật. Và từ sau Thế chiến II đến nay là Mỹ với Hạm đội 7 thường trú tại khu vực.
Mỹ có hơn 100 máy bay chiến đấu tại căn cứ không quân Kadena, trong đó có 14 máy bay F-22 hiện đại. Ngoài ra là tàu sân bay USS Ronald Reagan, hơn 70 tàu chiến và 300 máy bay các loại, thể hiện ưu thế gần như tuyệt đối trước Trung Quốc.
Tuy nhiên, Sina lập luận, với sức mạnh mới từ lực lượng tên lửa của Trung Quốc, quân đội nước này đã "xoay chiều" cục diện và trở nên áp đảo liên minh Mỹ-Nhật.
Hôm 26/9, một ngày sau vụ 40 máy bay Trung Quốc bay qua eo Miyako, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thị sát Tổng bộ lực lượng tên lửa quân đội Trung Quốc, được cho là lời cảnh cáo Washington "đừng manh động vì ưu thế quân sự đã thuộc về Bắc Kinh".
Phân tích trên Sina, Từ Minh Thiên nói rằng lực lượng tên lửa đặt ở vành đai phía Đông Trung Quốc, nhìn ra biển Hoa Đông có khả năng làm "hủy diệt" căn cứ Mỹ ở Okinawa và làm tê liệt sức chiến đấu của Mỹ, sau đó Không quân Trung Quốc "tiêu diệt" lực lượng của Mỹ.
Ông Từ cho rằng, các lực lượng được Mỹ huy động từ căn cứ trên đảo Guam đến châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở thành mục tiêu cho các tên lửa chiến lược có tầm bắn 3.500km.
"Sức mạnh quân sự Trung Quốc về tổng thể không bằng Mỹ, nhưng ở châu Á-Thái Bình Dương thì vượt qua Mỹ," Từ viết.
Khi nổ ra chiến sự, các lực lượng trên biển và trên không của Mỹ ở châu Á sẽ bị hủy diệt toàn bộ. Việc tiếp viện từ Mỹ là bất khả thi - Sina tuyên bố.