Trung Quốc: Giới chủ "van nài" công nhân trở lại, lo ngại mất lợi thế quan trọng vào tay láng giềng

Minh Khôi |

Theo chuyên gia, Trung Quốc có thể mất lợi thế truyền thống về nhân công rẻ mà các láng giềng như Bangladesh, Việt Nam và Indonesia đang có ưu thế.

Trung Quốc: Giới chủ van nài công nhân trở lại, lo ngại mất lợi thế quan trọng vào tay láng giềng - Ảnh 1.

Các ông chủ nhà máy tìm công nhân ở Quảng Châu. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc dự báo nền kinh tế sẽ sớm trở lại đúng quỹ đạo sau 3 năm đóng cửa vì áp dụng các lệnh hạn chế phòng Covid-19. Nhưng lo ngại về tốc độ phục hồi vẫn còn bao phủ các trung tâm sản xuất.

Giới chủ trải thảm đỏ, công nhân không muốn trở lại

Tại trung tâm thành phố Quảng Châu, đô thị phía nam, nơi có các chợ bán buôn hàng may mặc lớn nhất Trung Quốc, các chủ nhà máy và nhà tuyển dụng cho biết công nhân không muốn quay lại nhà máy.

Một số ông chủ phải giơ biển quảng cáo tuyển dụng, trong khi những người khác chạy theo những nhân viên tiềm năng, xin cho họ vài phút để nói về các điều kiện và lợi ích.

Tang Ning, một nhà tuyển dụng ở quận Haizhu – nơi đã bị phong tỏa một tháng vào cuối năm ngoái – cho biết cô đã không thể tuyển dụng được một công nhân nào trong tuần.

Xưởng may của Tang có hơn 30 nhân viên trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, nhưng chỉ 10 người trở lại sau kỳ nghỉ.

Cô nói, sự lưỡng lự của công nhân là điều dễ hiểu.

“Hãy tưởng tượng bạn đang ở một siêu đô thị xa nhà mà lương cả đời không mua được nhà, phải ở trong một căn phòng trọ nhỏ và làm việc 12 tiếng một ngày. Mục tiêu duy nhất là kiếm và tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt. Nhưng rồi lệnh phong tỏa đến, bạn không biết mình sẽ không được trả lương trong bao lâu”, Tang cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng Hai.

Việc người lao động nhập cư lưỡng lự quay trở lại các nhà máy đang làm trầm trọng thêm các vấn đề trong thị trường lao động Trung Quốc.

Trước Covid, lực lượng lao động đã bị thu hẹp do dân số già và những người trẻ tuổi ít sẵn sàng làm việc trong các ngành lao động được trả lương thấp.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang LaSalle Inc, cho biết, ngày càng có nhiều lao động nhập cư quyết định ở lại quê nhà sau khi trải qua những bất ổn trong thời kỳ đại dịch.

Trung Quốc: Giới chủ van nài công nhân trở lại, lo ngại mất lợi thế quan trọng vào tay láng giềng - Ảnh 2.

Công nhân một xưởng may ở Quảng Châu. Ảnh: Bloomberg.

Gần 40% người lao động về quê ăn Tết muốn tìm việc làm tại nơi sinh sống, trong đó khoảng 15% tìm được việc, theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi trang web tuyển dụng trực tuyến Zhaopin Ltd.

Cùng với việc tăng lương, một số trung tâm sản xuất đang trải thảm đỏ.

Thành phố Phật Sơn ở trung tâm kinh tế của Quảng Đông đã cử phái đoàn đến tỉnh Quý Châu vào cuối tháng 1 như một phần của chiến dịch tuyển dụng. Một số công ty đã chuyển sang thuê các chuyến bay và tàu hỏa để đưa nhân viên quay về nhà máy, trong khi các quan chức ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang và Phúc Kiến đang cung cấp các khoản trợ cấp bằng tiền mặt để các công ty tiếp tục sản xuất.

Dù vậy, tình trạng thiếu lao động không tác động như nhau đến tất cả các lĩnh vực. Nhà cung cấp của Apple, Tập đoàn Công nghệ Foxconn, cho biết các hoạt động đang trở lại bình thường.

Các nhà máy ở các trung tâm khác như Chiết Giang và Phúc Kiến cũng nói rằng họ không phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng lao động.

Lo ngại Trung Quốc mất lợi thế

Theo Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, mức lương cao hơn để thu hút người lao động có thể sẽ làm tổn hại đến lợi thế chi phí nhân công rẻ từ trước đến nay của Trung Quốc.

“Trung Quốc chắc chắn, trong một khoảng thời gian rất ngắn, sẽ đánh mất cơ hội mà họ có được đối với những ngành sử dụng nhiều lao động,” ông nói, đồng thời chỉ ra những nước như Bangladesh, Việt Nam và Indonesia là những nước có lợi thế .

“Nếu Trung Quốc muốn cạnh tranh, họ phải quan tâm đến lao động nhập cư", Joerg Wuttke nói.

Những người lao động được Bloomberg News phỏng vấn tại trung tâm dệt may của Quảng Châu cho biết nhu cầu cốt lõi của họ là sự ổn định, ngay cả khi mức lương thấp hơn.

Zhang, một lao động nam cho biết những người tìm việc giờ đây không mặn mà tìm kiếm công việc nhiều tiền hơn mà phải đánh đổi bằng thời gian dành cho gia đình.

Zhang đang tìm một công việc với mức lương hàng tháng khoảng 7.000 nhân dân tệ (1.000 USD) đến 8.000 nhân dân tệ, thấp hơn mức anh kiếm được trước đây, vì muốn tìm môi trường làm việc ổn định hơn.

Vicky Wu, người sở hữu một nhà máy may mặc có 60 công nhân, cho biết cô hầu như không kiếm được lợi nhuận vào năm ngoái sau khi chi phí lao động và nguyên vật liệu tăng.

Wu lạc quan một cách thận trọng về năm tới.

Sự trở lại chậm chạp của những người lao động nhập cư cho thấy triển vọng kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn.

Niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở gần mức thấp kỷ lục, với doanh số bán hàng hóa như ô tô tiếp tục sụt giảm và lĩnh vực nhà ở vẫn là lực cản lớn.

Trong khi các ngành như ăn uống và du lịch phục hồi trong dịp Tết Nguyên đán, chi tiêu vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.

Trở lại những con phố nhỏ ở Haizhu, Tang hồi hộp chờ đợi ai đó muốn nghe lời đề nghị của cô: 9 nhân dân tệ cho mỗi chiếc quần, nghĩa là có thể kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng.

Nếu Tang tiếp tục không tuyển được người, nhà máy sẽ xem xét tăng lương, nhưng mức tăng sẽ bị hạn chế do lợi nhuận đã quá thấp.

Xuất thân từ tỉnh Tứ Xuyên, cô đã làm việc ở Quảng Châu hơn một thập kỷ và coi thành phố này là quê hương của gia đình cô, chồng và đứa con 5 tuổi. Tang biết rằng cảm giác này khó được chia sẻ bởi những người đồng nghiệp khác. Đối với họ, đại dịch đã phơi bày những khó khăn vất vả khi phải xa quê hương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại