Trung Quốc “gây sốc” thế giới bằng vũ khí laser chiến thuật

HƯƠNG GIANG |

Trung Quốc vừa gây chú ý khi mang ra giới thiệu một khẩu súng "AK laser" vào đầu tháng 7 này, thứ vũ khí được quảng bá là có thể đốt cháy mục tiêu nằm ở cách đó cả cây số. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chế tạo súng laser mà thực tế là thứ vũ khí này luôn nằm trong mục tiêu mà đất nước đông dân nhất thế giới kiên trì theo đuổi lâu nay.

Khẩu súng “như được lấy ra từ siêu phẩm Star Wars”

Theo trang tin Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), vũ khí laser mới nhất của Trung Quốc có tên ZKZM-500. Đây là một sản phẩm do công ty ZKZM Laser chế tạo ra. Công ty trên thuộc quyền quản lý của Viện nghiên cứu Quang học và Cơ khí chính xác Tây An, một cơ sở nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học tự nhiên Trung Quốc ở Thiểm Tây.

ZKZM-500 được xếp vào hàng vũ khí "phi sát thương", dù có thể phóng ra một luồng laser năng lượng cao. Luồng laser này vô hình trước mắt người và đủ mạnh để xuyên qua các cửa kính tới mục tiêu. Ngay khi tiếp xúc với da và mô người, nó sẽ lập tức gây ra tình trạng "carbon hóa" - cụm từ mỹ miều để nói tới khả năng thiêu cháy mục tiêu.

Theo SCMP, cách đây 10 năm, những khả năng của ZKZM-500 chỉ có thể tồn tại trong phim viễn tưởng. Tuy nhiên một nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu, người đã đề nghị giấu tên vì tính chất nhạy cảm của công việc, nói rằng vũ khí này có thể "gây cháy xuyên qua nhiều lớp vải chỉ trong nháy mắt".

Nếu vải mà mục tiêu đang mặc là chất liệu dễ cháy, nạn nhân sẽ nhanh chóng biến thành đuốc sống. “Sự đau đớn sẽ nằm ngoài khả năng chịu đựng”, nhà khoa học giấu tên chia sẻ với SCMP.

Về mặt kỹ thuật, ZKZM-500 có cỡ nòng 15mm và nặng chừng 3kg, tức bằng với trọng lượng một khẩu AK-47, vì thế nó mới được đặt cho biệt danh súng AK laser. Khẩu súng này được trang bị một bộ pin sạc lithium giống loại dùng trên điện thoại di động.

Bộ pin cho phép nó bắn được tổng cộng 1.000 phát, với mỗi phát bắn kéo dài không quá 2 giây. Súng có tầm bắn 800 mét. Do đặc điểm gọn nhẹ nên khẩu súng dễ dàng được trang bị cho cá nhân. Ngoài ra người ta cũng có thể gắn nó trên xe, tàu thuyền, máy bay... để phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Trung Quốc “gây sốc” thế giới bằng vũ khí laser chiến thuật - Ảnh 1.

Súng laser PY132A của cảnh sát Trung Quốc.

SCMP nói rằng ZKZM-500 đã kết thúc giai đoạn phát triển thử nghiệm và sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt.

Phóng viên cũng đã liên lạc với một đại diện của ZKZM Laser và được xác nhận rằng công ty đang tìm kiếm một đối tác có giấy phép sản xuất vũ khí hoặc một đối tác trong ngành công nghiệp quốc phòng/an ninh, để bắt đầu sản xuất quy mô lớn vũ khí này. Mỗi khẩu súng thành phẩm sẽ có giá khoảng 100.000 NDT (15.000 USD).

Một tài liệu kỹ thuật có chứa thông tin cơ bản về ZKZM-500 mới được công bố vào tháng trước trên một trang web do chính quyền trung ương Trung Quốc điều hành, để xúc tiến sự hợp tác giữa hai mảng quân sự và thương mại dân sự.

Tài liệu cho biết khả năng ứng dụng của khẩu súng laser mới rất đa dạng. Ví dụ nếu xảy ra một vụ bắt cóc con tin, người ta có thể dùng nó để bắn xuyên qua cửa sổ vào mục tiêu và tạm thời vô hiệu hóa kẻ bắt cóc con tin, trong khi các đơn vị khác tiến vào cứu nạn nhân.

Sức mạnh của khẩu súng mới khiến nó có tiềm năng ứng dụng trong các nhiệm vụ quân sự bí mật. Đơn cử như tia laser đủ mạnh để đốt xuyên qua thùng chứa và khiến nhà kho chứa nhiên liệu hoặc đạn dược tại một sân bay của kẻ thù nổ tung.

Bởi tia laser vô hình và không gây tiếng động nên gần như không ai có thể biết vụ tấn công đã xuất phát từ đâu. Kẻ thù có thể tưởng rằng vụ nổ chỉ là một tai nạn và không hề biết đã bị tấn công.

SCMP cho biết do tiềm năng của vũ khí laser là rất lớn, chắc chắn việc thiết kế và sản xuất khẩu súng mới sẽ được giám sát chặt. Khách hàng duy nhất của khẩu súng này sẽ chỉ là quân đội và cảnh sát Trung Quốc. Lực lượng chống khủng bố nước này có thể sẽ là đơn vị đầu tiên được thử nghiệm tính năng của khẩu súng mới.

Lâu nay vũ khí laser là thứ tưởng như chỉ tồn tại trong các phim khoa học viễn tưởng. Nhưng ngoài thực tế, vũ khí năng lượng đã được thử nghiệm ở Liên Xô từ những năm 1960. 2 thập niên sau, quân đội Mỹ mới bắt đầu khám phá laser như một dạng vũ khí, trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến phòng vệ chiến lược bị nhiều chỉ trích của Tổng thống Ronald Reagan.

Cho tới cách đây chừng một thập niên, vũ khí laser vẫn là một thứ gì đó xa vời. Năm 2009, Mỹ từng có kế hoạch thiết kế một khẩu súng laser cầm tay. Tuy nhiên sản phẩm ra đời được đánh giá hài hước là "chỉ có tác động trên cơ thể những người khỏa thân", bởi luồng laser của súng quá yếu, không thể xuyên qua ngay cả một chiếc áo sơ mi mỏng.

Thời kỳ đầu, do hạn chế về kỹ thuật, người ta phải chiếu tia laser vài lần lên một điểm trên mục tiêu thì mới đủ khả năng gây ra bất kỳ tổn hại nào cho mục tiêu đó. Người ta cũng cần phải đặt súng laser ở một vị trí chuẩn xác so với mục tiêu, để nó có thể hoạt động.

Chưa hết, các thiết bị đời đầu nạp năng lượng cho mỗi phát bắn rất chậm. Chúng có kích thước cồng kềnh, nặng nề và ngốn năng lượng khủng khiếp.

“Bộ sưu tập” của Trung Quốc

Nhưng sau đó, công nghệ laser đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là laser thể rắn. Tháng 7.2010, công ty Raytheon của Mỹ lần đầu đưa hệ thống pháo laser thể rắn chuyên tiêu diệt các mục tiêu tầm gần tới dự Triển lãm hàng không Farnborough.

Công ty đã gây ấn tượng khi dùng hệ thống này để trình diễn khả năng vô hiệu hóa nhiều loại vật mục tiêu khác nhau, gồm máy bay bình thường, máy bay không người lái, rocket và cả tàu nổi. Khi đó pháo của Raytheon sử dụng các chùm tia laser thể rắn có công suất 50kW và được quảng bá là về lý thuyết có thể bắn liên tục mà không lo hết đạn.

Cùng thời điểm, công ty Northrop Grumman đầu tư phát triển Gamma, một vũ khí năng lượng cao dùng laser thể rắn gắn trên máy bay, để tiêu diệt các loại tên lửa diệt hạm, máy bay không người lái của đối phương. Khẩu pháo của Northrop sau đó được gắn lên mũi một chiếc máy bay KC-135 của lực lượng Vệ binh quốc gia và tham gia nhiều thử nghiệm khác nhau.

Hải quân và Lục quân Mỹ cũng đổ tiền nghiên cứu các loại vũ khí laser để bắn hạ tên lửa hoặc tàu chiến đối phương. Trong đó, hệ thống pháo laser mang tên LIPC của Lục quân được quảng bá có thể "giáng đòn sấm sét" thông qua việc bắn chùm tia laser mạnh tới 50 tỉ W vào mục tiêu.

Trung Quốc “gây sốc” thế giới bằng vũ khí laser chiến thuật - Ảnh 2.

Hình ảnh được cho là súng laser ZKZM-500.

Ở phương Tây, công ty quốc phòng Rheinmetall Defence của Đức từng lên mặt báo khi giới thiệu hệ thống pháo laser riêng có thể bắn hạ các mục tiêu trên không, ở cự ly lên tới cả ngàn mét. Giống vũ khí của Raytheon, hệ thống pháo của Rheinmetall dùng laser thể rắn công suất 50kW và radar để bắt bám và tiêu diệt mục tiêu.

Trong quá trình thử nghiệm ở Thụy Sĩ, pháo đã có thể bắn hạ nhiều máy bay không người lái đang lao tới với tốc độ 50 mét/giây, ở cự ly 2km. Tại một cuộc thử nghiệm khác, pháo này đã có thể bắt bám và phá hủy một quả bóng thép di chuyển với tốc độ 50 mét/giây. Quả bóng thép này được thiết kế để mô phỏng một quả đạn cối đang bay tới.

Nhiều thử nghiệm cũng được triển khai để cho thấy tia laser có thể cắt xuyên qua một khối thép có độ dày 15mm ở cự ly xa tới 1.000 mét. Rheinmetall nói rằng đã thử nghiệm hệ thống trong nhiều điều kiện thời tiết, gồm tuyết rơi, trời nắng, mưa.

Điều kiện thời tiết xấu, độ ẩm lớn và các bề mặt có độ phản xạ cao lâu nay đã được xem là những yếu tố gây ảnh hưởng tới hiệu quả của vũ khí laser.

Trung Quốc dĩ nhiên không đứng im trong cuộc đua sản xuất vũ khí năng lượng. Nước này được cho là đã bắt đầu nghiên cứu vũ khí laser từ những năm 1960, trong khuôn khổ chương trình phòng vệ tên lửa thuộc Dự án 640 và tới nay đã có thành tựu về công nghệ laser thể rắn.

Người ta chỉ lờ mờ đoán ra tiềm năng về vũ khí năng lượng của Trung Quốc vào tháng 7.2015, khi Học viện Vật lý kỹ thuật Trung Quốc đem ra trưng bày hệ thống pháo laser Bảo vệ tầm thấp trong khuôn khổ Triển lãm vũ khí Bắc Kinh. Hệ thống pháo gồm một ụ pháo chứa nguồn điện, hệ thống làm mát và máy tính phục vụ khẩu pháo laser nằm ở trên nóc.

Với nguồn cấp điện mạnh 10 kW, góc nâng súng 85 độ và tầm bắn 2km, khẩu pháo này được quảng bá có thể bắn hạ dễ dàng các loại máy bay không người lái hoạt động trong môi trường đô thị đông đúc mà không gây ra thiệt hại phụ đáng kể nào.

Năm 2015, Trung Quốc nâng tầm cuộc chơi khi lập một ngân sách lên tới 2 tỷ NDT để phát triển các thiết bị laser mạnh mẽ nhưng lại gọn nhẹ. Khoản ngân sách lớn chưa có tiền lệ này đã khiến Mỹ và nhiều nước phương Tây lo ngại thực sự.

Ngay sau đó, vào tháng 12.2015, trong khuôn khổ một triển lãm về trang thiết bị của ngành an ninh được tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã khoe ra khẩu súng laser cầm tay PY132. Khẩu súng này được quảng bá là có thể làm mù cảm biến ảnh nhiệt, hồng ngoại hoặc nhìn đêm của đối phương. Nó cũng có thể vô hiệu hóa các loại máy bay không người lái.

Tuy nhiên không có nhiều thông tin về hệ thống này được cung cấp cho báo chí. Người ta chỉ biết rằng súng được trang bị cả ống ngắm để có thể chiếu chùm tia laser năng lượng cao tới mục tiêu một cách chính xác.

Trong lĩnh vực quân sự, quân đội Trung Quốc được cho là đang sở hữu một số mẫu súng laser cầm tay khá mạnh như WJG-202 và BBQ-905. Các vũ khí năng lượng này có khả năng làm mù cảm biến của các máy bay không người lái bay chậm, hoặc phá hỏng cảm biến của xe tăng quân thù.

Và điều quan trọng là trong khi trở nên mạnh mẽ hơn, kích cỡ của các vũ khí laser mới càng lúc càng nhỏ gọn hơn, với ZKZM-500 là bằng chứng cụ thể.

Wang Zhimin, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu Công nghệ và Vật lý Laser thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói rằng những tiến bộ về công nghệ diễn ra trong mấy năm gần đây có nghĩa các nhà khoa học đã có thể nghiên cứu, phát triển các vũ khí laser nhỏ nhẹ nhưng mạnh mẽ hơn nhiều, giống như quá trình tiến hóa của điện thoại di động vậy.

"Đây không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa. Nó đã trở thành một sự thực không thể chối cãi" - ông nói.

Những thách thức mới từ vũ khí laser

Tuy nhiên sự tiến bộ cũng làm tăng khả năng vũ khí laser có thể rơi vào tay tội phạm và khủng bố. Những kẻ này có thể dùng khả năng vượt trội của vũ khí laser để gây hại, ví dụ chúng có thể âm thầm gây ra những vụ cháy mà nạn nhân không hề biết họ bị tấn công.

Nhà nghiên cứu Wang, người không liên quan tới dự án ở Tây An Xian, cảnh báo rằng phổ biến các vũ khí cầm tay như thế này có thể là mối đe dọa với tất cả các quốc gia.

Thực tế thì hiện không có một công ước quốc tế cụ thể nào để quản lý việc phát triển hoặc sử dụng dạng vũ khí laser chiến thuật như ZKZM-500. Công ước của Liên Hợp Quốc về Vũ khí laser có khả năng gây mù, được đề xuất từ những năm 1980 và có sự phê chuẩn của hơn 100 quốc gia, chỉ tập trung vào các thế hệ vũ khí phát triển trước kia.

Nó cũng chỉ ngăn cấm sử dụng các vũ khí laser có thể khiến con người mất thị lực vĩnh viễn. Và như thế, các loại súng laser đời mới có thể nằm ngoài sự quản lý của công ước này.

Gần đây, laser đã gây ra chút căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Đầu tháng 5 vừa qua, Mỹ tuyên bố 2 phi công lái máy bay vận tải C-130 của nước này hoạt động tại căn cứ Camp Lemonnier ở Djibouti đã chịu thương tích nhẹ trong lúc tiến hành hạ cánh, do bị Trung Quốc tấn công bằng tia laser "cấp độ quân sự".

"Đây là những sự cố rất nghiêm trọng", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White nói. "Hoạt động này gây đe dọa thực sự với phi công của chúng ta”.

Sự việc diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà chức trách Mỹ phát cảnh báo các phi công cần cẩn thận khi hoạt động gần căn cứ của Trung Quốc, vốn nằm cách căn cứ Mỹ có vài cây số. Trang tin quốc phòng Jane's Defence Weekly dẫn nguồn tin tình báo nói rằng đã xảy ra nhiều tình huống liên quan tới laser năng lượng cao tại khu vực chỉ cách căn cứ Trung Quốc có 750 mét.

Tuy nhiên giới quan sát hoạt động của quân đội Trung Quốc cho rằng tia laser có thể chỉ được dùng để đuổi những con chim bay gần sân bay nằm trong căn cứ quân sự, hoặc vô hiệu hóa các máy bay không người lái khả nghi, thay vì nhắm tới các phi công nước ngoài.

"Căn cứ của Mỹ và Trung Quốc ở Djibouti nằm khá gần nhau, vì thế bên này có thể khiến bên kia cảm thấy không ổn, nếu họ thiếu một cơ chế liên lạc phù hợp", Zhou Chenming, một nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, nhận xét.

Trở lại với ZKZM, tài liệu trên trang web của chính quyền Trung Quốc nói đây là vũ khí "phi sát thương". Điều này có nghĩa về bề ngoài chúng ít có khả năng giết chết một mục tiêu, không giống các loại vũ khí được chế tạo để phục vụ mục tiêu này như các loại súng, pháo, tên lửa. Về lý thuyết, súng laser quả thật không thể giết chết mục tiêu chỉ sau một phát bắn.

Nhưng nếu ai đó cố tình chiếu laser thật lâu vào mục tiêu, vũ khí này có thể đốt sâu vào cơ thể nạn nhân, cuối cùng là xuyên thủng, giống như cách thức hoạt động hiện nay của các con dao phẫu thuật laser.

Các nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh rằng giới khoa học trong lĩnh vực laser lâu nay vẫn đồng tình với quan điểm đánh giá việc dùng vũ khí laser mạnh để "carbon hóa" hay thiêu cháy một người đang còn sống, là hành vi phi nhân tính.

Nhưng họ lại ủng hộ việc lực lượng chấp pháp có thể dùng vũ khí này để chống lại "các cuộc biểu tình bất hợp pháp", bằng cách đốt cháy băng rôn khẩu hiệu của người biểu tình từ khoảng cách xa.

Lực lượng chấp pháp cũng có thể đốt cháy tóc hoặc quần áo của thủ lĩnh lực lượng biểu tình, qua đó làm ngắt quãng bài phát biểu hoặc bẻ gãy năng lực thuyết phục người khác của nhân vật này.

Nhưng một viên cảnh sát giấu tên ở Bắc Kinh nói rằng anh thích sử dụng các biện pháp quản lý đám đông truyền thống như hơi cay, đạn cao su hay súng điện Taser hơn là vũ khí laser.

"Một tia laser gây bỏng sẽ vĩnh viễn để lại một vết sẹo", viên cảnh sát này nói, cho rằng vũ khí laser có thể gây hoảng loạn trong đám đông, dẫn tới những vụ giẫm đạp chết chóc. Hoặc tệ hơn, nó biến một cuộc tuần hành hòa bình thành một cuộc bạo động.

Vũ khí năng lượng đã được thử nghiệm ở Liên Xô từ những năm 1960. Hai thập niên sau, quân đội Mỹ mới bắt đầu khám phá laser như một dạng vũ khí, trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến phòng vệ chiến lược bị nhiều chỉ trích của Tổng thống Ronald Reagan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại