Báo cáo thường niên về quân đội Trung Quốc mới nhất của Lầu Năm Góc lần đầu tiên đề cập vấn đề quốc gia châu Á triển khai AGI cho mục đích do thám.
AGI Trung Quốc hoạt động xa bờ hơn và cũng thường đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nhiều quốc gia khác.
Theo báo cáo, một chiếc Type 815A (lớp Đông Điều) bị phát hiện xuất hiện gần quần đảo Aleutian thuộc bang Alaskavào tháng 7.2017, dường như là để theo dõi vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
THAAD là một trong những hệ thống phòng thủ hiệu quả nhất của Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh phản đối kịch liệt khi nó được triển khai đến Hàn Quốc.
Trong thử nghiệm ngày 11.7.2017, Washington cho tổ hợp THAAD đặt tại đảo Kodiak (Alaska) tiến hành đánh chặn một quả tên lửa được phóng đi từ máy bay vận tải C-17 ở phía bắc Hawaii.
Vụ thử là tín hiệu răn đe gửi đến CHDCND Triều Tiên, nước vài ngày trước đó cho phóng một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa. Trong tổng cộng 14 lần thử, THAAD đạt tỷ lệ thành công 100%.
Ngoài vụ thử trên, Trung Quốc năm ngoái còn đưa một tàu lớp Đông Điều khác đến Biển San Hô (Coral Sea) thực hiện nhiệm vụ theo dõi một cuộc tập trận chung Mỹ - Úc.
Mới đây nhất, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định Trung Quốc, nước không được tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), đưa AGI đến do thám sự kiện này vào tháng 7.2018.
Theo Lầu Năm Góc, cường quốc châu Á vẫn tiếp tục thách thức hoạt động quân sự của nhiều nước bằng AGI vốn được luật pháp quốc tế truyền thống (customary international law) cho phép.
Trung Quốc có ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, cho phép các quốc gia tiến hành một số hoạt động quân sự như triển khai tàu thu thập tin tình báo.
Tuy nhiên, họ lại tự đặt ra một số quy định riêng nhằm hạn chế AGI và tàu khảo sát quân sự nước ngoài hoạt động trong EEZ của mình, trong khi lại đang không ngừng đưa AGI vào EEZ nước khác.
Một số vụ xâm nhập EEZ nước khác mà hải quân Trung Quốc thực hiện bằng tàu khu trục, tàu đổ bộ và tàu tiếp liệu được ghi nhận ở gần Biển Nhật Bản, Biển Bering, Philippines, đảo Java thuộc Indonesia, Djibouti.
Không những vậy, Bắc Kinh còn tiến hành thu thập thông tin bằng đội tàu thương mại cũng như mạng lưới kho bãi hàng hóa thuộc sở hữu của doanh nghiệp quốc doanh.
Tàu Trung Quốc làm “khách không mời” tại EEZ của nhiều nước - Ảnh: Washington Free Beacon
Nhà nghiên cứu Rick Fisher đến từ Trung tâm Chiến lược và Đánh giá quốc tế (IASC) khẳng định Trung Quốc đang mở rộng hoạt động do thám ra phạm vi toàn cầu. Ông lưu ý: “Đội AGI của họ đang phát triển nhanh chóng. Trong vòng 4 năm qua họ đã đóng đến 7 chiếc Type 815/815A, nâng tổng số tàu loại này lên 9”.
Cũng theo nhà nghiên cứu Fisher: “Có thể quân đội Trung Quốc trang bị hệ thống giám sát điện tử cho không chỉ hải quân mà cả tàu cá lẫn tàu thương mại”.
Đặc biệt, Type 815A thường tham gia tập trận với nhiều tàu chiến Trung Quốc khác. Đây là dấu hiệu cho thấy AGI này sở hữu một số vũ khí tấn công tầm xa như tên lửa chống hạm DF-21D và DF-26.
Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, đầu tháng 8 này cảnh báo tàu chiến Trung Quốc đang hiện diện thường xuyên ở Bắc Đại Tây Dương.
Theo Đô đốc Richardson, hải quân Trung Quốc đã đạt khả năng hoạt động trên toàn cầu và là đối thủ cạnh tranh với Mỹ.