Trung Quốc có muốn giúp Ukraine chấm dứt xung đột với Nga?

Quang Trung |

Ukraine đang cố gắng duy trì sự hỗ trợ của phương Tây khi cuộc xung đột với Nga sắp bước sang năm thứ 3. Nhà lãnh đạo nước này đã nói rằng, ông muốn Trung Quốc tham gia vào nỗ lực hòa bình tại mảnh đất này.

Việc tăng áp lực lên Bắc Kinh, đồng minh lớn nhất của Nga, dường như là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của Tổng thống Ukraine Zelensky và các đối tác trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Davos vừa kết thúc tại Thụy Sỹ.

Người đứng đầu chính quyền Kiev đã nói rằng, ông rất muốn Trung Quốc tham gia vào kế hoạch hòa bình của Ukraine. Ngoại trưởng Kuleba cho biết, nước này muốn tiếp xúc nhiều hơn với Trung Quốc ở “mọi cấp độ”. Hãng Interfax- Ukraine đưa tin, từ Chánh văn phòng Tổng thống Zelensky cho rằng, Tổng thống Ukraine rất muốn gặp các đại biểu Trung Quốc bên lề cuộc họp.

Nhưng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dường như đã rời Davos mà không gặp ông Zelensky. Trong bài phát biểu dài 25 phút của ông Lý Cường tại đây, hầu như chỉ tập trung việc trấn an về nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái của Bắc Kinh mà không đả động đến việc giải quyết xung đột tại Ukraine.

Trung Quốc có muốn giúp Ukraine chấm dứt xung đột với Nga?- Ảnh 1.

Ukraine hiện đang rất muốn Trung Quốc tham gia vào kế hoạch hòa bình (Ảnh: Reuters)

Các quan chức Trung Quốc năm ngoái đã tăng cường nỗ lực để thể hiện nước này muốn làm trung gian tiềm năng trong việc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, khó có khả năng Bắc Kinh coi thời điểm hiện tại là phù hợp bởi họ có thể tận dụng để tăng cường các mối quan hệ với Nga lên mức chưa từng có.

“Trung Quốc cho rằng họ đã đóng vai trò quan trọng trong việc hướng tới hòa bình. Tuy nhiên, đó chỉ là phiên bản hòa bình của Trung Quốc, không phải là điều ông Zelensky muốn thấy” – bà Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở ở Washington cho biết.

Năm ngoái, sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Tổng thống Zelensky lần đầu, khoảng 14 tháng sau khi xung đột xảy ra, Bắc Kinh đã cử một đặc phái viên tới cả Kiev và Moscow. Đề xuất hòa bình của Bắc Kinh không giống như yêu cầu của Ukraine, đó là kêu gọi ngừng bắn mà Nga không cần rút quân khỏi các khu vực đã sáp nhập.

Các nhà phân tích cho rằng, tại Davos, Trung Quốc đã không thể hiện bất kỳ một nỗ lực nào nhằm chấm dứt chiến tranh. Khi giao tranh bế tắc và không có bước lùi ở bên nào, Trung Đông đang trở thành tâm điểm sự chú ý của toàn cầu.

“Mỹ hiện tại đang bị phân tâm bởi Gaza và các nguồn lực dành cho Ukraine ngày càng hạn chế, mọi việc đã chuyển sang hướng có lợi cho Nga. Thậm chí, có quá ít lý do để Trung Quốc sẽ thúc đẩy một nền hòa bình theo cách mà phương Tây và Ukraine mong muốn” – bà Yun Sun nói.

Trung Quốc muốn tập trung vào xung đột Gaza

Khi Thủ tướng Lý Cường tập trung vào các vấn đề kinh tế tại Davos thì Ngoại trưởng Vương Nghị lại tập trung vào vấn đề Gaza.

Ở Cairo, trong khuôn khổ chuyến thăm theo thông lệ gặp các ngoại trưởng châu Phi, ông Vương Nghị đã đưa ra tuyên bố chung với Liên đoàn Arab kêu gọi “lệnh ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện” ở Gaza để chấm dứt giao tranh kéo dài hơn 3 tháng qua. Ông Vương Nghị cũng lặp lại lập trường của Bắc Kinh về vấn đề này.

Ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc kêu gọi một “hội nghị hòa bình quốc tế có quy mô lớn hơn, có thẩm quyền nhiều hơn và hiệu quả hơn” cũng như có thời gian biểu cụ thể để thực hiện giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.

Việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập cùng với nhà nước Israel là phù hợp với chính sách đối ngoại lâu dài của Bắc Kinh. Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền vào cuối những năm 1980 và từ lâu đã ủng hộ giải pháp hai nhà nước.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, cuộc xung đột tại Gaza cũng mang đến cơ hội cho Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông vận động đưa Trung Quốc trở thành một nhà lãnh đạo quốc tế, có thể thay thế cho Mỹ, đặc biệt là đối với Bán cầu Nam.

Alex Gabeuv, Giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia ở Berlin, cho biết: “Quá nhiều sự thất vọng và tức giận đã chuyển sang cuộc xung đột ở Gaza… và đó là lúc Trung Quốc ghi điểm khi cố gắng khẳng định mình là một lực lượng ngoại giao tốt đẹp”.

“Khi nói đến cuộc chiến ở Gaza, phần lớn các quốc gia Nam bán cầu phản đối mạnh mẽ những gì Israel đang làm. Nó không giống như ở Ukraine, nơi mà hầu hết các quốc gia đang quan sát và chỉ có phương Tây là đoàn kết” ông nói.

Liệu sẽ có một hội nghị hòa bình?

Thụy Sỹ đã đăng cai một hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Tổng thống Ukraine đề nghị. Tuy nhiên, liệu Bắc Kinh có quan tâm tới việc sẽ có bao nhiêu nguyên thủ quốc gia sẵn sàng ngồi vào bàn làm việc với Ukraine và nghe các điều kiện hòa bình của nước này?

Hội nghị mà Thụy Sĩ cho biết họ sẽ tổ chức vào một ngày không được tiết lộ theo yêu cầu của ông Zelensky, dự kiến sẽ thu hút các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về cách chấm dứt xung đột khi nó sắp bước sang năm thứ ba. Tổng thống Zelensky miêu tả sự kiện “nơi mà tất cả các quốc gia tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đều được chào đón tham dự”.

Khi được hỏi liệu lời mời có được gửi tới Bắc Kinh hay không, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi đầu tuần đã từ chối trả lời trực tiếp, nói rằng lập trường của Trung Quốc “tập trung vào việc thúc đẩy các cuộc đàm phán vì hòa bình” và ủng hộ “bất kỳ nỗ lực nào vì hòa bình”.

Các nhà phân tích cho rằng điều đó khó có thể dẫn đến sự tham dự cấp cao tại các cuộc đàm phán mà quan điểm của Ukraine, chứ không phải của Nga, sẽ là điểm khởi đầu.

Cho đến nay, đã có 4 cuộc đàm phán hòa bình quốc tế bí mật được tổ chức nhưng Nga chưa cử đại diện tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào. Trong số ba hội nghị đó, Trung Quốc chỉ tham dự một hội nghị được tổ chức bởi đối tác chiến lược ngày càng thân thiết là Saudi Arabia.

Bắc Kinh coi Moscow là đối tác quan trọng trong việc cân bằng và hai nước đã tiếp tục tăng cường quan hệ về nhiều mặt nhất là an ninh, ngoại giao và kinh tế kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.

“Chỉ cần Nga không chấp nhận bất cứ điều gì tại hội nghị thì Trung Quốc cũng sẽ thuận theo. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm lôi kéo Trung Quốc vào một bối cảnh như vậy sẽ thất bại vì Trung Quốc cũng hiểu rõ ý nghĩa của việc tham gia một hội nghị như vậy” - bà Yun Sun nói.

Quyết thắng trong cuộc đua không gian thế kỷ 21, Mỹ nỗ lực đổ bộ Mặt trăng trước Trung Quốc 1 năm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại