Sứ mệnh trở lại Mặt trăng của Mỹ lại lùi lịch
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), các chuyên gia vũ trụ, quan chức chính phủ và các nhà lập pháp Mỹ hôm 17/1 đã kêu gọi rằng, Mỹ và các đồng minh phải giành chiến thắng trong cuộc đua không gian thế kỷ 21 và dẫn đầu một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở đó trước khi Trung Quốc tạo ra những chuẩn mực của riêng mình.
Frank Lucas - Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ của Hạ viện Mỹ - cho biết: Bắc Kinh đang "tích cực kêu gọi các đối tác quốc tế xây dựng trạm nghiên cứu Mặt trăng và tuyên bố tham vọng đưa phi hành gia lên bề mặt Mặt trăng vào năm 2030".
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa đạo diện bang Oklahoma này đã đưa ra nhận xét của mình tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ về chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhằm mục đích đưa bốn phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2026.
Ông Lucas nói, quốc gia đặt chân lên Mặt trăng tiếp theo sẽ có thể "đặt tiền lệ cho việc liệu các hoạt động trên Mặt trăng trong tương lai có được tiến hành một cách công khai và minh bạch hay theo cách thức hạn chế hơn hay không".
Theo SCMP, vào tuần trước, NASA đã thông báo trì hoãn chương trình Artemis do lo ngại về an toàn, một ngày sau khi Mỹ thực hiện nỗ lực đầu tiên đưa robot lên bề mặt Mặt trăng kể từ năm 1972. Nỗ lực này đã thất bại do trục trặc kỹ thuật.
Vào năm 2022, trong sứ mệnh Artemis 1, tàu vũ trụ Orion của NASA đã thực hiện chuyến du hành vòng quanh Mặt trăng mà không có phi hành đoàn.
Sứ mệnh Artemis 2, dự kiến triển khai vào cuối năm nay, đã được lùi sang năm 2025. Nhiệm vụ trong sứ mệnh này cũng giống Orion, nhưng với bốn phi hành gia.
Sứ mệnh Artemis 3 trước đó được lên kế hoạch vào năm 2025. Bây giờ nó sẽ cố gắng đưa con người lên cực nam của Mặt trăng một năm sau đó.
Còn Trung Quốc dự kiến sẽ đến đó bằng tàu đổ bộ không người lái vào năm 2027.
Theo SCMP, cực nam của Mặt trăng được dự đoán có chứa băng nước quý giá cũng như các khoáng chất quan trọng.
Hôm 17/1, Catherine Koerner - một quan chức cấp cao của NASA - nói tại phiên điều trần rằng, các hệ thống hỗ trợ sự sống trên tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Artemis 2 đang gặp "khó khăn và thách thức hơn để phát triển".
Nhưng bà Koerner cũng cho biết, khung thời gian mới sẽ đủ để giải quyết tất cả các vấn đề kỹ thuật, đồng thời nói thêm rằng NASA đang khám phá các khả năng để thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên bề mặt Mặt trăng.
Tuy nhiên, theo SCMP, không phải tất cả mọi người tại phiên điều trần đều bị thuyết phục.
Michael Griffin - người đứng đầu NASA từ năm 2005 đến 2009 - tin rằng chương trình Artemis "cực kỳ phức tạp và tốn kém tới mức phi thực tế", đồng thời nói thêm rằng nó "rất khó để có thể hoàn thành đúng tiến độ ngay cả khi có thể thành công".
Ông Griffin gọi việc Mỹ và các đối tác của họ không lên Mặt trăng khi những nước khác đang ở đó là "không thể chấp nhận được".
Ông nói, Trung Quốc và đối tác Nga hiểu rõ "vai trò của biên giới không gian trong thế giới chính trị quyền lực toàn cầu".
Mỹ tìm kiếm đồng minh trên Trái đất để thiết lập chỗ đứng trong không gian
Theo SCMP, cuộc chạy đua vào không gian giữa Trung Quốc và Mỹ trong những năm gần đây đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng từ các tổ chức phi chính phủ.
Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell - một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái có trụ sở tại Arlington, Virginia, Mỹ - hôm 17/1 đã công bố một bài viết về chính sách có tiêu đề "Bảo vệ không gian Cislunar và hòn đảo đầu tiên ngoài khơi bờ biển Trái đất".
Không gian Cislunar là khoảng không gian giữa Trái đất và Mặt trăng hoặc quỹ đạo của Mặt trăng, nơi lực hấp dẫn của hai thiên thể bị triệt tiêu. Không gian này là nơi lý tưởng để đặt các vệ tinh và kính viễn vọng.
Trung Quốc đã có một vệ tinh ở không gian này, về phía xa của Mặt trăng, để liên lạc với tàu đổ bộ của họ.
Bài viết của Viện Mitchell cho biết, Mỹ phải xây dựng một "kiến trúc" trong không gian Cislunar để không chỉ đẩy nhanh các hoạt động khoa học và kinh tế mà còn cho phép "khả năng giám sát và ứng phó với các hành vi vô trách nhiệm hoặc đe dọa".
"Việc không hành động ngay bây giờ sẽ hạn chế các lựa chọn trong tương lai, tạo ra tiền lệ không bền vững trong không gian cislunar hoặc thậm chí từ bỏ quyền lãnh đạo của Mỹ trong không gian và làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu", bài viết cảnh báo.
Theo SCMP, trong nỗ lực thiết lập chỗ đứng trong không gian, Mỹ đã tìm kiếm các đồng minh trên Trái đất.
Hiện 33 quốc gia bao gồm Ấn Độ và Brazil đã ký Hiệp định Artemis do Mỹ dẫn đầu, được đưa ra vào năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho hợp tác không gian quốc tế "hòa bình".
Jim Bridenstine - cựu quản trị viên NASA - hôm 17/1 cho biết, một trong những mục đích của hiệp định là đảm bảo "sự minh bạch và tránh những hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột".
Ông Bridenstine tin rằng, việc tạo ra các kênh liên lạc là quan trọng; đồng thời lưu ý rằng, NASA không được phép liên hệ trực tiếp với đối tác Trung Quốc nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.
Vài giờ sau, John Plumb - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách vũ trụ - cho biết trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc rằng, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks đã phê duyệt một chính sách phân loại mới vào cuối năm 2023, có thể cho phép một số thông tin về các chương trình không gian của quân đội được chia sẻ với các đồng minh của Mỹ và các bên liên quan khác trong tương lai.
Ông Plumb cũng cho biết, Mỹ lo ngại về "các hệ thống có khả năng cơ động cao như SJ21" của Trung Quốc có thể được sử dụng làm hệ thống vũ khí, ám chỉ vệ tinh của Trung Quốc.
Theo SCMP, vệ tinh SJ21 đã tóm lấy một vệ tinh dẫn đường BeiDou không hoạt động và kéo nó ra khỏi quỹ đạo bình thường vào tháng 1 năm 2022. BeiDou được sở hữu và vận hành bởi Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA).
Trong gần 10 năm qua, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công lớn trong việc nghiên cứu, thăm dò Mặt Trăng.
Năm 2013, robot Thỏ Ngọc của tàu Hằng Nga 3 hạ cánh xuống Mặt Trăng, trở thành robot đầu tiên của Trung Quốc làm được điều này.
Năm 2018, Trung Quốc phóng tàu Hằng Nga 4, mang theo robot tự hành Thỏ Ngọc 2.
Đến năm 2019, Thỏ Ngọc 2 hạ cánh thành công xuống vùng tối của Mặt Trăng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới làm được điều này.
Năm 2020, tàu Hằng Nga 5 đáp xuống Mặt Trăng và lấy mẫu đất đá mang về Trái Đất. Đây là lần đầu tiên sau 44 năm mẫu vật Mặt Trăng được mang về thành công.