Người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Pháp (Yen Teh Fa) nói với các nhà lập pháp rằng một số nhà thầu nước ngoài sẽ vẫn tham gia vào dự án để chuyển giao công nghệ và cung cấp một số thiết bị cần thiết.
Tuy nhiên, theo báo Asia Times, ông Nghiêm thừa nhận một số nhà thầu nước ngoài trước đây đồng ý làm việc với Đài Loan trong giai đoạn thiết kế lại chọn cách rút lui do áp lực từ Bắc Kinh.
Cơ quan thông tấn trung ương Đài Loan dẫn lời các nguồn tin quân sự cho biết chính quyền hòn đảo này không có đủ khả năng để phát triển các công nghệ cốt lõi cần thiết cho động cơ diesel của tàu ngầm và hệ thống ngư lôi cùng tên lửa.
Điều này có nghĩa là quân đội phải trả một khoản tiền lớn để tìm kiếm giải pháp từ nước ngoài vì số lượng nhà thầu hạn chế do nỗ lực ngăn chặn của Bắc Kinh. Gần đây nhất là vào cuối những năm 1980, Hà Lan từng hủy bỏ một thỏa thuận hợp tác do áp lực từ Bắc Kinh.
Việc hoàn thành hợp đồng thiết kế là giai đoạn đầu tiên của dự án, sau đó sẽ là chế tạo mẫu tàu ngầm đầu tiên cũng như tiến hành cho chạy thử nghiệm trên biển.
Đài Loan đã chi 1,59 tỉ USD trong nhiều năm cho chương trình tàu ngầm nội địa, với mục đích thay thế và hiện đại hóa đội tàu ngầm "già khọm" và khá hạn chế.
Hòn đảo này hiện có 2 tàu ngầm diesel-điện được mua từ Hà Lan vào những năm 1980. Đài Loan cũng có 2 tàu ngầm khác do Mỹ đóng từ Thế chiến 2, chủ yếu phục vụ mục đích huấn luyện.
Tháng 5-2018, Đài Loan và Công ty đóng tàu RH Marine ở Rotterdam - Hà Lan đạt thỏa thuận hiện đại hóa hai tàu ngầm hiện tại. Công ty RH Marine sẽ nâng cấp một loạt các hệ thống điện và tự động hóa, dự kiến diễn ra từ năm 2020 đến năm 2022.
Mới đây, truyền thông Đài Loan ngày 9-4 cho biết một công ty thương mại thường xuyên giao dịch với Triều Tiên của hòn đảo này đã tiết lộ rằng họ từng được Bình Nhưỡng tiếp cận để quảng bá vũ khí hồi năm 2016 trong bối cảnh Đài Loan có kế hoạch chi gần 2 tỉ USD mua công nghệ tàu ngầm.
UP Media tiết lộ một chuyên gia tàu ngầm của Đài Loan đã đến TP Đan Đông của Trung Quốc gặp các chuyên gia Triều Tiên. Tuy nhiên, hai bên cuối cùng không đạt được thỏa thuận do Đài Loan lo ngại các lệnh trừng phạt từ Mỹ.