Gần 40 tiêm kích J-6 xuất hiện tại căn cứ Long Nham ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 15/9. Ảnh: Planet Labs.
Trước đó, hình ảnh vệ tinh chụp một căn cứ khác ở Hưng Ninh thuộc tỉnh Quảng Đông, đối diện đảo Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 4/2020, cũng ghi nhận 29 chiếc J-6.
Theo các chuyên gia quân sự, điều này cho thấy những chiếc J-6 dường như vẫn hoạt động dù Trung Quốc thông báo đã loại biên các tiêm kích này từ năm 2010.
Các chiếc J-6 cũng được trông thấy trong nhiều bức ảnh chụp căn cứ không quân Trung Quốc những năm gần đây.
Một số nhà phân tích đánh giá, Trung Quốc dường như chuyển đổi J-6 thành UAV để làm mồi nhử khiến hệ thống phòng không đối phương quá tải, hoặc sử dụng chúng như UAV vũ trang tấn công thông thường.
Tuy nhiên Trung Quốc chưa khi nào thừa nhận việc chuyển đổi J-6 thành UAV.
Mô hình của một chiếc tiêm kích J-6
Trước đây, Nga đã cấp giấy phép và hỗ trợ Trung Quốc sản xuất tiêm kích J-6 trên nền tảng tiêm kích MiG-19.
Trung Quốc hoàn tất hồ sơ đăng ký sản xuất J-6 vào cuối những năm 1950. Loại máy bay này sau đó được Trung Quốc sản xuất hàng loạt. Đến năm 1981, khoảng 4.000 chiếc đã xuất xưởng tại Trung Quốc.
J-6 được trang bị 3 khẩu pháo HP-30 cỡ nòng 30 mm. Ngoài ra nó còn có thể mang bom và tên lửa ở các giá treo bên ngoài thân máy bay.
J-6 có điểm yếu là rất tốn nhiên liệu, phạm vi hoạt động của máy bay khoảng 1.390 km nhưng trong thực tế chiến đấu, do phi công liên tục phải bật tăng lực để đuổi theo đối phương hay cơ động tránh hỏa lực nên bán kính tác chiến bị thu hẹp khá nhiều.