Trung Quốc bất ngờ ồ ạt nhập động cơ máy bay chiến đấu để làm gì?

Hoàng Hà |

Thông tin từ giới hàng không Nga cho hay trong 3 năm tới Trung Quốc sẽ mua từ Nga 100 động cơ AL-31 và 100 động cơ D-30.

Tờ Tin tức Tham khảo, một ấn phẩm của Tân Hoa xã, dẫn tin tức đăng tải trên báo chí Nga cho biết từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu mua động cơ D-30.

Theo thông tin chính thức từ hãng chế tạo NPO Saturn của Nga, Moskva đã xuất khẩu cho Bắc Kinh tổng cộng 239 động cơ D-30. Được biết, động cơ D-30 được Trung Quốc sử dụng để lắp đặt cho máy bay ném bom tầm xa H-6K và máy bay vận tải quân sự Y-20.

Đối với động cơ AL-31, chúng được lắp đặt cho chiến đấu cơ Su-27 và Su-30. Từ năm 1992 tới nay, Nga đã xuất khẩu tổng cộng cho Trung Quốc 273 chiếc máy bay S-27 và Su-30, trong đó 105 chiếc được lắp ráp ở Trung Quốc.

Nga cung cấp động cơ AL-31 cho Trung Quốc ban đầu là để lắp đặt cho chiến đấu cơ Su-27 và Su-30. Nhưng từ năm 2000 tới nay, loại động cơ này bắt đầu phục vụ để Trung Quốc sản xuất chiến đấu cơ J-10.

Trong ba năm tới, nguồn tin thuộc giới hàng không Nga cho hay hãng Rosoboronexport của Nga sẽ bán cho Trung Quốc 100 động cơ AL-31 và 100 động cơ D-30. Thông tin này lập tức gây nhiều suy đoán.

Theo Phó Chủ nhiệm Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga Konstantin Makienko, tổng giá trị hợn đồng là gần 1 tỷ USD. Nhưng tới nay, Rosoboronexport vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.

Chuyên gia Vasiliy Kashin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng Trung Quốc mua động cơ AL-31 có thể được sử dụng để thay thế cho động cơ của các máy bay chiến đấu mà quân đội Trung Quốc mua từ Nga và lắp đặt cho các loại máy bay chiến đấu mới sản xuất trong nước.

Ở thời bình, động cơ do Nga chế tạo có tính năng tin tưởng hơn, tuổi thọ cao hơn được cho là thích hợp nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ và công tác huấn luyện.

Đối với động cơ D-30, tới nay, Trung Quốc đã sản xuất được hơn 100 chiếc máy bay ném bom H-6K và máy bay vận tải quân sự Y-20, cho nên, Trung Quốc vẫn phải chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp động cơ từ Nga.

Chuyên gia Kashin chỉ rõ việc Trung Quốc tiếp tục mua động cơ của Nga để lắp đặt cho máy bay quân sự trong nước có thể cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng vẫn khó có thể chế tạo được loại động cơ có tính năng ngang ngửa với động cơ của Nga.

Nó đồng thời tiết lộ thêm một thực tế rằng Trung Quốc vẫn chưa thể hài lòng với chất lượng động cơ sản xuất trong nước trang bị cho máy bay chiến đấu thế hệ 4 và như vậy, khả năng hợp tác với Nga để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 sẽ mở ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại