TQ ra mắt tên lửa giống Iskander, giới chuyên gia Nga xôn xao

Hải Vy |

Sputnik đưa tin, TQ đang có kế hoạch ra mắt chính thức phiên bản xuất khẩu của hệ thống tên lửa di động tầm ngắn DF-12 tại Triển lãm hàng không Zhuhai 2016 diễn ra trong tuần tới.

Giới chuyên gia Nga đánh giá, đây là dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng của tổ hợp quốc phòng Trung Quốc trong những năm gần đây.

Nhiều điểm tương đồng với Iskander

Bức ảnh về hệ thống vũ khí mới đã xuất hiện trên trang tin quân sự Defense Blog vào thứ Sáu tuần trước. Theo trang này, hệ thống tên lửa chiến thuật mới của Trung Quốc có nhiều đặc điểm tương tự, thậm chí đến bề ngoài cũng hao hao tổ hợp tên lửa 9K720 Iskander của Nga.

Mặc dù tên lửa Trung Quốc được cho là có tầm bắn chính thức từ 100-280km nhưng theo Defense Blog, tầm bắn thực tế của nó có thể lên tới 400km. Thông số kỹ thuật chính xác của hệ thống này vẫn được giữ bí mật nhưng có thể sẽ được công bố tại triển lãm Zhuhai trong tuần tới.

TQ ra mắt tên lửa giống Iskander, giới chuyên gia Nga xôn xao - Ảnh 1.

TQ ra mắt tên lửa giống Iskander, giới chuyên gia Nga xôn xao - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa mới của Trung Quốc.

Mối đe dọa?

Khi được hỏi liệu hệ thống vũ khí mới của Trung Quốc có tạo ra mối đe dọa nào đối với tiềm năng xuất khẩu của tên lửa Iskander hay không, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Bình luận về sự tương đồng ở bề ngoài của 2 hệ thống, Thượng tướng Viktor Esin - cựu tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho biết, Trung Quốc đã sử dụng rộng rãi các công nghệ vay mượn từ nước ngoài để phát triển vũ khí nội địa. Các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt là Ukraine, đã hỗ trợ cho Bắc Kinh.

Theo ông Esin, xét về đặc điểm kỹ thuật, hệ thống của Trung Quốc có vẻ là phiên bản cải tiến của tổ hợp tên lửa Tochka-U thời Liên Xô, chứ không hẳn là bản sao của Iskander.

"Tầm bắn của phiên bản xuất khẩu (do Trung Quốc sản xuất), theo đúng Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa, là 280km. Theo các nguồn tin mà tôi có được thì sai số vòng tròn (CEP) của hệ thống này là dưới 30m.

Chúng ta đang đề cập tới một loại tên lửa chính xác cao, được đưa vào biên chế (quân đội Trung Quốc) trong năm 2013 với định danh DF-12. Để đạt được độ chính xác như vậy, cần phải điều khiển được tên lửa trong hành trình bay, và chúng ta biết rằng Trung Quốc đã chế tạo một hệ thống tương tự như GPS, đó là hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu".

TQ ra mắt tên lửa giống Iskander, giới chuyên gia Nga xôn xao - Ảnh 3.

Tên lửa Iskander của Nga trong một buổi tập dượt duyệt binh.

Ông Esin cho biết, ngay cả khi chưa có hệ thống mới thì kho tên lửa của Trung Quốc cũng đã có quy mô rất lớn, bao gồm tên lửa DF-11 (tầm bắn 300-800km), DF-15 (tới 1.000km) với nhiều biến thể và tên lửa mới DF-16:

"Theo thông tin của tôi, Trung Quốc có ít nhất 300 hệ thống DF-11, không dưới 500 hệ thống DF-15 và từ 30-50 hệ thống DF-16. Tất cả những tên lửa này đều có 2 phiên bản - mang đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân. Theo các thông tin công khai thì hiện có khoảng 10-15% tên lửa DF-11, 20-25% tên lửa DF-15 đã được trang bị đầu đạn hạt nhân".

Ông Esin cho hay, phần lớn các hệ thống này được triển khai để đối phó Đài Loan và Ấn độ, trong đó những tên lửa chĩa về phía Đài Loan không mang đầu đạn hạt nhân.

TQ ra mắt tên lửa giống Iskander, giới chuyên gia Nga xôn xao - Ảnh 4.

Hệ thống tên lửa 9K79 Tochka-U thời Liên Xô.

Về phần mình, chuyên gia quân sự Alexander Khramchihin cho rằng chiến lược toàn diện của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là phát triển số lượng lớn các hệ thống tên lửa:

"Tên lửa chiến thuật của họ có thể chưa hoàn hảo nhưng chúng có số lượng lớn - ngay cả khi bị hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của đối phương tiêu diệt thì vẫn sẽ có những tên lửa lọt qua được để tấn công mục tiêu".

Theo vị chuyên gia, số lượng tên lửa DF-11 và DF-15 mà Trung Quốc đã triển khai trên thực tế có thể lên tới hàng nghìn.

Khi được hỏi về vai trò của công nghệ vay mượn trong việc phát triển tiềm năng tên lửa chiến thuật của Trung Quốc, ông Khramchihin cho biết:

"Tất cả các thiết bị của Trung Quốc đều có nền tảng là công nghệ Liên Xô, công nghệ phương Tây chỉ chiếm một phần nhỏ - chủ yếu là trong các thiết kế trực thăng và ngư lôi. Trung Quốc sao chép công nghệ, sau đó dần nhào nặn chúng để biến chúng thành của họ".

"Điều này diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực tên lửa chiến thuật" - Vị chuyên gia nhấn mạnh - "thị trường vũ khí thế giới có nhu cầu tương đối lớn với các loại tên lửa chiến thuật Trung Quốc, nhất là Trung Đông. Phiên bản xuất khẩu của M20 (tên gọi khác của DF-12) cũng có thể tìm được chỗ đứng".

Ông Andrei Frolov, tổng biên tập tạp chí Arms Export nhận định, nếu như Nga âm thầm xuất khẩu công nghệ tên lửa (Armenia là quốc gia nước ngoài duy nhất hiện nay đang vận hành tên lửa Iskander) thì Trung Quốc lại tích cực theo đuổi các thị trường nước ngoài tiềm năng:

"Nói cách khác, trong phân khúc này chỉ có Mỹ với hệ thống tên lửa chiến thuật MGM-140 và Trung Quốc. Bắc Kinh không cạnh tranh với chúng ta trong lĩnh vực này bởi lý do rất đơn giản: chúng ta về cơ bản đã rút khỏi đó và không xuất khẩu tên lửa đạn đạo tầm ngắn sang Syria, hay bất cứ quốc gia nào khác".

Theo ông Frolov, hiện nay các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MRL/MRLS) đang thay thế tích cực các hệ thống tên lửa chiến thuật trên thị trường, bởi chúng có tầm bắn tương đương.

Chẳng hạn, hệ thống MLRS Polonaise của Belarus (do Trung Quốc hỗ trợ chế tạo) có tính năng tương đương với phiên bản xuất khẩu của tên lửa Iskander.

TQ ra mắt tên lửa giống Iskander, giới chuyên gia Nga xôn xao - Ảnh 5.

Pháo phản lực Smerch trong tập trận.

Nga cũng đang tích cực chào bán hệ thống pháo phản lực Smerch, như sang Azerbaijan và Algeria.

Trong khi đó, chuyên gia Vassily Kashin cho rằng trên thực tế, hệ thống của Trung Quốc có thể là phương tiện để triển khai nhiều loại vũ khí, từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho tới tên lửa hành trình siêu thanh hoặc các loại pháo phản lực hạng nặng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại