Trung Quốc âm thầm bổ sung J-16 chỉ là "lấp lỗ" tạm thời?

Ngọc Như |

Tiêm kích đa nhiệm J-16 sẽ giúp không quân Trung Quốc mở những cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ kẻ thù, phá hủy các khí tài chiến lược quan trọng như sân bay, cầu đường.

Mặc dù tiêm kích đa nhiệm hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết J-16 không tân tiến như tiêm kích tàng hình J-20 (tên chính thức là Uy Long hay Rồng dũng mãnh), nhưng Shenyang J-16 sẽ trở thành một phần quan trọng trong các chiến dịch của Không quân Trung Quốc và mọi chiến lược nhắm vào Đài Loan hay răn đe hành động can thiệp quân sự của Mỹ, theo đánh giá của các chuyên gia.

Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Không quân Trung Quốc tuần trước thông báo một phi đội J-16 đã hoàn tất đợt diễn tập chiến đấu cùng các chiến đấu cơ J-10, J-11B và Su-30 và sẵn sàng chiến đấu. J-16 là tiêm kích đa nhiệm do Trung Quốc tự chế tạo, dựa trên thiết kế sao chép từ dòng Su-27 và Su-30MKK mua từ Nga.

Dòng J-16 ra mắt vào năm 2013, nhưng mới lần đầu xuất hiện công khai trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc hồi giữa năm ngoái. Bắc Kinh đang vận hành ít nhất ba lữ đoàn tiêm kích J-16, chúng được coi là một trong những trụ cột tương lai của không quân nước này.

Được gia cố động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt WS-10 Taihang của Trung Quốc, F-16 đã được đem so sánh với F-15A/C Eagle của Mỹ.

Các nhà quan sát quân sự cho hay họ nhận thấy thời gian gần đây có thêm nhiều chiếc J-16 đi vào phục vụ, dựa vào số serial nhìn thấy trên các tiêm kích tham gia diễn tập gần đây. Đây là bằng chứng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) âm thầm bổ sung J-16 vào phi đội của mình.

Tiêm kích đa nhiệm J-16 là mẫu đầu tiên có thể mang đầy đủ loạt thiết bị do Trung Quốc chế tạo, từ tên lửa chống hạm, tên lửa không đối không cho tới bom thông minh có vệ tinh dẫn đường, tên lửa hành trình và thiết bị gây nhiễu điện tử ECM. F-16 có thể được triển khai cho cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất.

Dẫu J-16 đa phần được phát triển dựa trên Su-30 Nga, nhưng tiêm kích này trang bị một radar và hệ thống theo dõi của Trung Quốc. Nó cũng có khả năng tiếp nhiên liệu trong lúc bay, điều này đem đến cho J-16 khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ kẻ thù và đạt được tầm hoạt động lớn hơn.

Trung Quốc cũng đang phát triển một phiên bản tấn công điện tử mang tên J-16D. Bắc Kinh mong muốn tiêm kích này có thể sánh ngang với EA-18G Growler của Mỹ - nền tảng tấn công điện tử trên không tiên tiến nhất.

Tác chiến điện tử được xem là chìa khóa để chiến thắng trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở eo biển Đài Loan, với khả năng áp chế hệ thống radar của kẻ thù chỉ trong bài giờ đầu tiên. Nhiều chuyên gia nhận định tiêm kích đa nhiệm J-16, với trọng tải lớn và phạm vi hoạt động xa, có thể biến lực lượng phòng không của Trung Quốc thành lực lượng tấn công.

Trung Quốc âm thầm bổ sung J-16 chỉ là lấp lỗ tạm thời? - Ảnh 1.

PLA nói J-16 sẽ sớm sẵn sàng tác chiến. Ảnh: WEIBO

"Trước J-16, PLA đã từng phụ thuộc vào một số tiêm kích Su-30 do Nga sản xuất, vì xét tới tiêm kích J-10 nội địa thiếu tầm hoạt động và trọng tải để có thể gọi là máy bay chiến đấu thực thụ" – Collin Koh, nghiên cứu sinh tại ĐH Công nghệ Nanyang Singapore cho hay.

Bắc Kinh trước đây đã nhập khẩu Su-27 và Su-30 từ Nga phục vụ cho thời kỳ hậu chiến tranh lạnh và các nhu cầu hiện đại hóa. Tuy nhiên những tiêm kích này không có thiết kế của tiêm kích đa nhiệm, vì vậy chúng chủ yếu được dùng cho phòng thủ.

"Trong quá khứ đơn vị tác chiến của Không quân PLA được ví như cánh tay phòng thủ với phạm vi hoạt động và khả năng tấn công hạn chế. J-16 sẽ vượt qua giới hạn này" – Koh nói.

Cùng với tăng cường khả năng tác chiến của không quân, J-16 cũng sẽ lấp đầy khoảng cách trong thời gian này trước khi các tiêm kích thế hệ mới được sản xuất với số lượng lớn hơn, theo Koh.

"J-16 ít nhất cũng sẽ hoàn thành vai trò là "kẻ thay thế tạm thời" quan trọng trước khi các tiêm kích tàng hình J-20 và J-31 được sản xuất với số lượng đủ.

Hai mẫu tiêm kích thế hệ mới này quá đắt đỏ, không thể sản xuất hàng loạt để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoàn toàn của đội tác chiến Không quân PLA. Do đó, J-16 vẫn là lựa chọn quan trọng để lấp khoảng cách này" – ông Koh đánh giá.

Adam Ni, một nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và ngoại giao Trung Quốc tại ĐH Quốc gia Australia, cho hay J-16 có thể đem đến cho Bắc Kinh khả năng ưu việt trong bảo vệ những gì nước này xem là không phận có chủ quyền hoặc thực hiện một cuộc không chiến theo kịch bản thời chiến nào đó.

"J-16 sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chống Đài Loan hay ngăn cản Hải quân Mỹ can thiệp" – Ni cho hay, nhưng thêm rằng, tuy vậy, J-16 có thiết kế động cơ yếu sẽ kiềm hãm khả năng tấn công của nó.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan những tháng gần đây, Không quân PLA thường xuyên điều chiến đấu cơ – trong hầu hết trường hợp là máy bay ném bom chiến lược H-6K – để tuần tra xung quanh hòn đảo này. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiệm vụ nào có sự tham gia của J-16, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại