Trung Đông thu hút các tập đoàn vũ khí

HỮU DƯƠNG |

Theo số liệu năm 2017 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), mua sắm vũ khí toàn cầu năm 2016 tăng 0.4% so với 2015. Trong khi chi tiêu mua sắm vũ khí trên toàn thế giới đang chững lại như vậy thì các quốc gia Trung Đông vẫn là nơi mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng và mua sắm vũ khí.

Bất chấp giá dầu thấp, chi tiêu quốc phòng khu vực Trung Đông tiếp tục gia tăng do nhiều nhân tố gây căng thẳng trong khu vực. Đặc biệt, chi tiêu mua sắm vũ khí của Saudi Arabia tăng tới 212% và Qatar tăng 245%.

Điều đáng nói là các nước này lệ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Vì vậy, Trung Đông đang trở thành thị trường béo bở cho các hãng sản xuất vũ khí với phần lớn đơn đặt hàng tập trung vào các loại máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, máy bay vận tải cũng như hệ thống ra-đa và tên lửa đất đối không thế hệ mới.

Khí tài từ các nhà cung cấp truyền thống

Chính sách chi tiêu quốc phòng của khu vực Trung Đông đang trực tiếp làm lợi cho các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển ở châu Âu như Anh, Pháp, I-ta-li-a, Đức.

Nhân tố mới Phần Lan hiện cũng đang gia tăng xuất khẩu khí tài quân sự sang Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nước được hưởng lợi nhiều nhất.

Trung Đông thu hút các tập đoàn vũ khí - Ảnh 1.

Saudi Arabia dự định chi 15 tỷ USD mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Không quân Hoàng gia Saudia Arabia (RSAF) hiện đang có trong biên chế 300 máy bay chiến đấu F-15, 61 trực thăng Bell, 42 máy bay vận tải C-130J, 16 trực thăng S-70 Black Hawk, và 25 máy bay huấn luyện Cirrus của Mỹ.

Năm 2007, RSAF đặt hàng 72 máy bay chiến đấu đa nhiệm Eurofighter Typhoon (do Anh, Đức, I-ta-li-a, và Tây Ban Nha phát triển), sau đó lại tiếp tục đặt hàng 84 máy bay chiến đấu F-15SA của Mỹ vào năm 2011. Từ năm 2002, ngân sách chi tiêu quốc phòng của Saudi Arabia tăng liên tục.

Mức 63,7 tỷ USD năm 2016 đã đưa quốc gia này lên vị trí số một trong khu vực và thứ tư trên thế giới. Saudi Arabia cũng đang thực hiện hợp đồng mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) với Mỹ với tổng chi phí 15 tỷ USD cho 44 bệ phóng, 360 tên lửa đánh chặn và 7 hệ thống ra-đa AN/TPY-2.

Ai Cập hiện là nước duy trì quân số lớn nhất trong khu vực Trung Đông, khoảng hơn 450.000 quân. Lục quân Ai Cập vận hành gần 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams của Mỹ trong khi Không quân nước này hiện có trong biên chế hơn 500 máy bay, trong đó 151 chiếc là máy bay chiến đấu F-16, 24 máy bay vận tải C-130 Hercules của Mỹ.

Để đa dạng hóa nguồn vũ khí, Ai Cập cũng đã đặt hàng 24 chiếc Rafale của Pháp vào tháng 1-2015 vừa qua. Rafale là dòng máy bay thứ 4 của hãng Dassault khoác cờ Ai Cập, sau Mirage 5, Alpha Jet, và Mirage 2000. Ai Cập cũng đã đặt hàng 50 tiêm kích MiG-29 và 46 trực thăng chiến đấu Kamov Ka-52K của Nga.

Trung Đông thu hút các tập đoàn vũ khí - Ảnh 2.

Tính tới 2020, Saudi Arabia, Oman, Kuwait và Qatar có thể sẽ đặt mua và tiếp nhận 136 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon. Ảnh: Asia Defence Technology.

Các nước khác như Qatar đã đặt 36 máy bay Rafale của Pháp, 24 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoons. Ngoài ra, Qatar cũng mua thêm 36 F-15QA mới của Mỹ với chi phí 6 tỷ USD, dự kiến bàn giao vào năm 2022.

Qatar là nước mua sắm nhiều khí tài quân sự của Mỹ, trong đó có các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, trực thăng, thiết giáp chiến thuật hạng nhẹ và các hệ thống vũ khí, tên lửa không đối không và đất đối không, máy bay chiến đấu Apache và hệ thống phòng không Patriot và Javelin.

Ngoài ra, trong vòng 5 năm nữa, Jordan, Saudi Arabia, UAE, Kuwait, và Oman sẽ nhận thêm hơn 200 máy bay chiến đấu các loại theo đơn đặt hàng từ các công ty sản xuất máy bay của Mỹ và châu Âu.

Sự nhòm ngó của các công ty Nga

Khu vực Trung Đông đang nổi lên như một thị trường quốc phòng quan trọng đối với Nga. Năm 2017, Công ty quốc phòng Rosoboronexport của Nga ký nhiều hợp đồng trị giá lên tới 15 tỷ USD với khách hàng từ 53 nước trên thế giới, trong đó tăng cường đáp ứng nhu cầu cho các khách hàng mới từ khu vực Trung Đông.

Phó Giám đốc điều hành phụ trách xuất khẩu thiết bị hàng không Sergei Kornev của Công ty Rosoboronexport cho biết: “Thị trường Trung Đông đặc biệt quan trọng đối với chúng tôi. Các quốc gia trong khu vực này thường trang bị những loại vũ khí, khí tài quân sự tối tân nhất.

Họ cũng đang chú ý tới hệ thống phòng không của Nga, đặc biệt là hệ thống S-400 Triumf hiện đang hoạt động tốt tại Syria”. Chiến trường Syria ghi nhận Nga đã triển khai 215 loại vũ khí, đạn dược mới, bao gồm cả những loại tên lửa chính xác tầm xa trang bị cho không quân và hải quân như Kalibr và Kh-101 thế hệ mới.

Các chiến hạm và tầu ngầm Nga cũng tiến hành 100 tác vụ sử dụng tên lửa Kalibr và 171 nhiệm vụ tác chiến khác. Không quân Nga đã thực hiện 34.561 lượt xuất kích trong các hoạt động tác chiến trên chiến trường Syria.

Trung Đông thu hút các tập đoàn vũ khí - Ảnh 3.

Các công ty vũ khí của Nga cũng đang nhòm ngó thị trường Trung Đông. Ảnh: TASS.

Trong năm 2018, Rosoboronexport cũng sẽ phát triển tầu ngầm loại nhỏ và siêu nhỏ để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Theo Phó Tổng giám đốc Rosoboronexport Igor Sevastyanov, tập đoàn này nhận thấy các khu vực Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh, và Trung Đông đang quan tâm tới các loại tàu ngầm nhỏ và siêu nhỏ.

Ngành công nghiệp đóng tàu và Hải quân Nga có tương đối nhiều kinh nghiệm trong phát triển và vận hành, tạo nền tảng để thành công trong thúc đẩy các loại tàu ngầm này trên thị trường thế giới. Theo tính toán ban đầu, phân khúc này có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD trong 5 năm tới.

Mặc dù có kích thước nhỏ, các loại tầu ngầm nhỏ và siêu nhỏ vẫn có thể mang được vũ khí, bao gồm thủy lôi, ngư lôi và tên lửa hành trình. Hiện tại những chiếc tàu ngầm loại này cũng đang được nghiên cứu để tương thích với hệ thống đẩy không phụ thuộc không khí (AIP), giúp gia tăng đáng kể thời gian lặn dưới nước.

Hiện tại Nga có thể cung cấp 10 loại tầu ngầm loại nhỏ và siêu nhỏ với độ choán nước từ 130 đến 1.000 tấn, phù hợp cho tuần tra bí mật, tấn công chống ngầm, tấn công phá hủy tàu mặt nước, triển khai và rút lực lượng biệt kích.

Những nhân tố mới

Tại Airshow Dubai 2017, Nhật Bản không giấu giếm tham vọng xuất khẩu máy bay quân sự vào thị trường Trung Đông khi mang tới chào hàng dòng máy bay vận tải Kawasaki C-2. Nhật Bản cũng nhận thấy rằng sẽ dễ dàng hơn khi bán máy bay quân sự cho các nước là đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Theo Công ty hàng không Kawasaki, nhiều nước ở Trung Đông đã tỏ ý quan tâm trước hiệu quả hoạt động và năng lực vận tải của Kawasaki C-2. Kawasaki C-2 hiện được biên chế cho căn cứ không quân Miho ở Nhật Bản từ tháng 3-2017 và đã thực hiện chuyến bay huấn luyện đầu tiên tới UAE và Djibouti từ 8 đến 17-11-2017.

Kawasaki C-2 có vận tốc tối đa 0,81 Mach (vận tốc âm thanh), tương đương khoảng 1.000km/h và đạt độ cao 13.000m, mang được lượng hàng 36 tấn và có thể bay liên tục 4.600km.

Trung Đông thu hút các tập đoàn vũ khí - Ảnh 4.

Nhật Bản đang tìm kiếm hợp đồng bán máy bay vận tải quân sự Kawasaki C-2. Ảnh: anime.illust.jp.

Thiết bị bay không người lái (UAV) và các hệ thống máy bay lái từ xa (RPAS) đang là xu hướng mua sắm của nhiều quân đội và Trung Đông sẽ là một thị trường tiềm năng trong tương lai gần.

Theo tổ chức Nghiên cứu và Thị trường (Research and Markets), thị trường thiết bị bay không người lái Trung Đông được dự đoán sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là hơn 30% từ nay đến năm 2024.

Hiện Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang là hai nhà cung cấp máy bay không người lái có vũ trang cho các khách hàng Trung Đông, trong khi các nhà sản xuất thiết bị gốc của châu Âu sẽ đóng vai trò hàng đầu trong thị trường UAV quân sự trong khu vực (tháng 9-2017 vừa qua, Tập đoàn quốc phòng Leonardo của I-ta-li-a đã bàn giao phiên bản RPAS đầu tiên - Falco EVO - của mình cho 2 khách hàng ở Trung Đông).

Trung Quốc cũng đang tìm cách tranh giành thị trường máy bay không người lái tại khu vực Trung Đông và đã chào hàng nhiều mẫu máy bay không người lái có vũ trang vào khu vực như Cloud Shadow (bóng mây), Wing Loong, Yunying, Caihong-3 (CH-3), CH-4 và CH-5.

Đây đều là những dòng máy bay không người lái có nhiều tính năng vượt trội, được nhiều quốc gia Trung Đông để mắt tới.

Ví dụ, Cloud Shadow có thể mang lượng tải 400kg, bay liên tục 5 giờ đồng hồ với vận tốc tối đa 420km/h ở trần bay 12.500m, khối lượng cất cánh tối đa 3.200kg, có thể mang theo nhiều thiết bị, vũ khí như ra-đa, cảm biến điện tử-quang học và từ 4 đến 6 tên lửa hoặc bom dẫn đường.

Dòng máy bay Yunying thậm chí còn có trần bay vượt trên tầm bắn của tên lửa hạm đối không và có thể tấn công cả mục tiêu mặt đất và trên biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại