Nâng cấp tên lửa S-300 mạnh ngang S-400 Nga: Thời cơ đã đến?

Ngọc Huy |

Sau nhiều thập kỷ ra đời, các phiên bản của tổ hợp tên lửa S-300 dù mang nhiều tính năng vượt trội, nhưng cũng dần lạc hậu với thời gian.

Điều này đã đặt ra vấn đề liệu có thể áp dụng những công nghệ hiện đại đang sử dụng trên tổ hợp phòng không S-400 Triumf lên các tổ hợp S-300 đang có trong biên chế quốc gia các nước để tăng cường khả năng chiến đấu, cũng như thích nghi với tác chiến hiện đại?

Đó là vấn đề khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng tại sao Nga lại không mặn mà với vấn đề này, kể cả khi tổ hợp S-400 không còn được coi là "hàng gia bảo" của Moscow?

Khả thi về mặt kỹ thuật

Đó là điều đã được nhiều chuyên gia quốc tế khẳng định. Xét về mặt kỹ thuật, chính những công nghệ được thực nghiệm trong chương trình phát triển hệ thống phòng không hợp nhất của Liên Xô (tiền đề để phát triển tổ hợp tên lửa S-300) đã được kế thừa và áp dụng trên thế hệ S-400 Triumf và thậm chí là cả S-500 Prometheus đang trong quá trình hoàn thiện.

Các thành phần của tổ hợp S-400 như hệ thống radar nhìn vòng, dẫn bắn và thậm chí là đạn tên lửa đánh chặn đều có khả năng tương thích ngược trên S-300. Và thực tế đã chứng minh, trong giai đoạn thử nghiệm, hoàn thiện và trang bị bước đầu, các tổ hợp S-400 đều có thể sử dụng chung đạn tên lửa của S-300.

Điều này có được là nhờ cả tên lửa S-300 và S-400 đều là sản phẩm do một một tổ hợp thiết kế phát triển và chế tạo là Almaz Altey, sự tương đồng về phương thức chỉ huy, điều khiển, cũng như thuật phóng đạn đánh chặn.

Nâng cấp tên lửa S-300 mạnh ngang S-400 Nga: Thời cơ đã đến? - Ảnh 1.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Bulgaria.

Việc này đã giúp đặt ra câu hỏi liệu có thể sử dụng các công nghệ, thành phần chiến đấu của S-400 để tăng cường khả năng chiến đấu cho S-300 với giá thành phải chăng, hợp lý cho các quốc gia vốn đang sở hữu S-300 nhưng có nguồn tài chính quốc phòng eo hẹp?

Theo các giao dịch đã được công khai, chi phí dành cho mỗi tổ hợp S-400 lên tới hơn 500 triệu USD, trong khi đó mỗi tổ hợp tên lửa S-300, kể cả phiên bản nâng cấp cao nhất là S-300PMU-2 Favorit cũng chỉ khoảng hơn 200 triệu USD.

Xét về mặt kỹ thuật, việc tích hợp các thành phần của tổ hợp S-400 vào S-300 có thể thực hiện theo 3 hướng: Sử dụng đạn đánh chặn mới của tổ hợp S-400, tích hợp các thành phần dẫn bắn, điều khiển chiến đấu trong một hệ thống hợp nhất và cải thiện phần mềm điều khiển kết hợp với việc trang bị phần cứng tích hợp.

Một tiền lệ rõ ràng nhất cho hướng nâng cấp S-300 sử dụng công nghệ của S-400 chính là việc Nga cho ra mắt phiên bản nâng cấp mới nhất của tổ hợp S-300VM với tên mã S-300VM4 với khả năng chiến đấu được tăng lên tới 250%.

Dù các thông tin về gói nâng cấp này không được phía Nga công bố thông tin rộng rãi, nhưng rõ ràng Nga đủ công nghệ và khả năng để tạo ra "con lai" giữa S-300 và S-400, cũng như gói nâng cấp dành cho các quốc gia có nhu cầu.

Tuy nhiên,…

Nâng cấp tên lửa S-300 mạnh ngang S-400 Nga: Thời cơ đã đến? - Ảnh 3.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 của Hy Lạp.

Chưa chắc đã là hướng đi hợp lý

Có thể thấy rõ, S-300 chính là sản phẩm được phát triển dưới thời Liên Xô, dù qua nhiều thập kỷ phát triển và nâng cấp, nó vẫn là sản phẩm đang dẫn trở nên lỗi thời với sự phát triển như vũ bão của công nghệ điện tử, tự động hóa, vật liệu mới.

Tổ hợp S-400 ra đời sau này được sử dụng nhiều công nghệ mới nên việc tích hợp ngược công nghệ của dòng tên lửa phòng không mới lên trên S-300 liệu có đảm bảo được sự hoạt động ổn định của hệ thống với sự chênh lệch về công nghệ, mốc thời gian sản xuất và phục vụ đã kéo dài nhiều thập kỷ.

Không chỉ có Liên Xô và Nga, trong biên chế quân đội nhiều quốc gia, S-300 đóng vai trò như vũ khí phòng thủ cấp chiến lược. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi những hệ thống như vậy sau các gói nâng cấp có thể không đảm bảo được sự ổn định và khả năng chiến đấu trong những thời khắc quan trọng.

Vũ khí có thể coi là lĩnh vực hoàn toàn khác so với phần còn lại của thế giới công nghệ. Nó đòi hỏi sự ổn định, tin cậy, chứ không phải là các yếu tố màu mè của thời gian.

Hình ảnh hệ thống điều khiển tên lửa chiến lược của Mỹ đến thời điểm hiện tại vẫn dùng đĩa mềm, hay hệ điều hành Window 2000 vẫn được sử dụng trên nhiều chiến hạm của Mỹ và phương Tây có thể coi là ví dụ rất cụ thể.

Mặt khác, khi nói tới các gói nâng cấp S-300, một yếu tố cần phải tính tới chính là Nga. Liệu Moscow giờ đây có mặn mà với các gói nâng cấp dành cho tổ hợp phòng không cũ, khi các dây chuyền lắp ráp S-400 đang liên tục được mở rộng và sau khi đáp ứng đủ nhu cầu của Quân đội Nga, chúng sẽ được dành cho mục đích xuất khẩu.

S-300VM4 có thể coi là một ngoại lệ vì Quân đội Nga cần tăng cường lá chắn phòng không lục quân và chúng chưa từng được Moscow giới thiệu ra thị trường vũ khí quốc tế.

Nga chắc chắn sẽ không dại gì tạo ra một biến thể nâng cấp mới củatên lửa S-300 ứng dụng sâu công nghệ của S-400 để tự mình tạo ra đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chính… S-400. Hiện tại, Almaz-Altey đang liên tục mở rộng các dây chuyền lắp ráp S-400 và đây có thể coi là sản phẩm vũ khí phòng không xuất khẩu chủ lực của Nga trong tương lai gần.

Nâng cấp tên lửa S-300 mạnh ngang S-400 Nga: Thời cơ đã đến? - Ảnh 4.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Nga tác chiến ở Syria.

Một cường quốc xuất khẩu vũ khí như Nga lẽ nào lại muốn S-400 có đối thủ, cho dù đó là... chính mình.

Có lẽ, kịch bản về một tổ hợp S-300 được tích hợp sâu công nghệ S-400 sẽ chỉ xuất hiện theo những đơn đặt hàng riêng, khi mà quốc gia khác hàng sẽ phải chi tiền để các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga thử nghiệm và hoàn thiện.

Điều này đã từng đúng với Su-30MKI của Ấn Độ, khi New Delhi đã chủ động cung cấp tài chính để Sukhoi hoàn thiện một phiên bản Su-30 mang những công nghệ theo mong muốn của Ấn Độ và được chia sẻ công nghệ lõi.

Để có được điều này, Ấn Độ đã phải chi ra hàng tỷ USD. Vậy điều này có hợp lý với các quốc gia muốn sở hữu phiên bản S-300, nhưng mang nhiều công nghệ của S-400 với giá thành hợp lý. Đó là vấn đề mâu thuẫn và khó khả thi!

S-400 khai hỏa tại trường bắn Ashuluk trong cuộc tập trận chiến thuật của Lực lượng phòng thủ Vũ trụ Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại