Trung Đông - Mảnh đất vàng cho các nhà sản xuất vũ khí: Khói lửa chiến tranh là "ra tiền"

Bảo Lam |

Trung Đông không thể ổn định bởi ở đâu đó trên trái đất người ta vẫn coi những cuộc chiến tranh ở khu vực này là cơ hội để kiếm được khoản lợi nhuận kếch xù nhờ bán vũ khí.

Ngày 2/12/2015, tại thành phố West-Palm-Beach, bang Florida của Mỹ đã diễn ra cuộc hội thảo với sự tham gia của Credit Suisse Group, một trong những tập đoàn quốc tế hùng mạnh trong lĩnh vực ngân hàng với tổng giá trị cổ phiếu ước vào khoảng 1 nghìn tỷ USD.

Trong cuộc hội thảo này còn có sự tham dự của giới doanh nhân Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, các nhà lãnh đạo những công ty quốc tế, hay nói cách khác, sự kiện này là cơ hội tuyệt vời để tận mắt nhìn thấy các "trùm sỏ" của nền kinh tế thế giới tập trung ở một chỗ.

Sau khi cuộc hội thảo chấm dứt khoảng chưa đến 1 tháng, trên trang SoundCloud xuất hiện đoạn băng ghi âm được hãng thông tấn danh tiếng First Look Media (do tỷ phủ và người sáng lập Ebay, ông Pier Morad Omidiar làm chủ) đăng tải.

Trong đoạn băng ghi âm dưới tiêu đề "Lockheed Martin 3rd Annual Industrials Conference" có thể nghe phó chủ tịch điều hành Lockheed Martin, ông Bruce Tunner đề cập tới lợi nhuận mà công ty này thu được trong năm 2015. Ông Tunner cho biết rằng Lockheed Martin dự định sẽ "thu lợi gián tiếp" từ cuộc chiến tại Syria.

Phó chủ tịch Tunner giải thích rằng, sau sự kiện chiếc máy bay của Nga bị các lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, Mỹ đã nhìn thấy sự cần thiết sử dụng các máy bay chiến đấu F-22, cũng như máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 - sự tự hào của Lockheed Martin.

Trung Đông - Mảnh đất vàng cho các nhà sản xuất vũ khí: Khói lửa chiến tranh là ra tiền - Ảnh 1.

Máy bay ném bom Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

"Thỗ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiếc máy bay Nga, rất tốt, nhưng những máy bay của ai đang hoạt động trên bầu trời Syria? Tất nhiên của người Mỹ, và có nghĩa là các lực lượng vũ trang Mỹ cần các máy bay tiêm kích F-22 và F-35 để đảm bảo cho các phi công Mỹ trở về một cách an toàn", ông Tunner bổ sung.

Ngài Bruce còn công khai tuyên bố rằng nhu cầu đối với các tên lửa do Lockheed Martin sản xuất tăng đáng kể từ hàng loạt các quốc gia như UAE và Ả Rập Xê Út vì cuộc chiến tranh mới nổ ra tại Yemen.

Ông Tunner đã gọi các tên lửa này là "hàng tiêu dùng" với ý nghĩa rằng những tên lửa này và các loại vũ khí khác được sử dụng chỉ một lần - điều rất tốt từ quan điểm lợi nhuận.

Phó chủ tịch điều hành Lockheed Martin không phải người duy nhất có quan điểm như vậy. Trong bài báo chung được đăng tải trên trang The Intercept, các nhà báo Lee Fan và Zaed Djilani cho biết rằng:

"Wilson Johns, giám đốc điều hành tập đoàn Oshkosh, chuyên sản xuất các thiết bị quốc phòng, cũng nhận được phần của mình từ "chiếc bánh Trung Đông" khi ông ta tuyên bố rằng "với sự gia tăng mối đe dọa từ phía IS, ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm tới việc mua xe ô tô chống đạn M-ATV do Oshkosh chế tạo".

Ông ta còn bổ sung thêm rằng, trong chuyến công tác tới Trung Đông của mình, ông đã nhận thấy rằng các quốc gia Ả Rập có dự định tiến hành cơ giới hóa các đơn vị bộ binh của mình.

Thêm một ông lớn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng không thể vắng mặt tại sự kiện này - đó là công ty Raytheon.

Tom Kennedy, giám đốc điều hành công ty có giá trị trên thị trường vào khoảng 23 tỷ USD, cũng tận dụng sự hỗn loạn tại Trung Đông như những kẻ đã đề cập ở trên. Ông ta tuyên bố rằng hoạt động sản xuất và nhu cầu đang tăng vì "những bước đi mang tính phòng thủ" của nhiều quốc gia Trung Đông.

Nhờ có ngài Kennedy mà thế giới mới biết được rằng thuật ngữ "những bước đi mang tính phòng thủ" có ý nghĩa là vũ khí.

Ông Tom cũng nhắc tới cuộc gặp gỡ mới đây giữa Vua Ả Rập Salman ibn Abdul-Aziz Al Saud, khi bổ sung rằng mọi cuộc xung đột là nguyên do chính khiến nhu cầu tăng cao giống như các cuộc chiến tại Yemen, Syria hoặc Iraq, hoặc cuộc chiến chống IS tại nhiều khu vực khác nhau.

Một lẫn nữa ông Kennedy lại sử dụng một thuật ngữ chính thức nữa khi gọi chiến tranh thực sự là cuộc xung đột.

Ngân sách hàng tỷ đôla

Các công ty chế tạo vũ khí quốc tế, đặc biệt là của Mỹ, có 2 cách để kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Cách thứ nhất – thông qua các bản hợp đồng với bộ quốc phòng sở tại. Trong trường hộ này, công ty được gọi là "nhà thầu quốc phòng" mà sẽ phải đáp ứng các nhu cầu của quân đội trong nước.

Số lượng các lực lượng vũ trang càng lớn và tham gia vào càng nhiều các cuộc xung đột ở nước ngoài thì lợi nhuận của nhà thầu càng cao. Cách thứ hai – đó là xuất khẩu vũ khí và khí tài quân sự cho các nước khác trên thế giới.

Tổng cộng lại, các nhà thầu quân sự Mỹ sản xuất 1/3 số lượng vũ khí trên thế giới (tương đương 31% sản lượng toàn cầu). Đứng sau họ là các công ty Nga với thị phần khoảng 27%. Tại Mỹ, các chi phi cho quốc phòng thường chiếm một phần rất lớn của ngân sách nhà nước.

Cần phải nhấn mạnh rằng ngân sách quân sự của Mỹ tác động lên tỷ lệ các chi phí quân sự trên toàn thế giới. Ngân sách của Mỹ tăng kéo theo chi phí quốc phòng của các nước đồng minh cũng như đối thủ của Mỹ trên trường quốc tế tăng.

Nguyên nhân là do ngân sách quân sự của Mỹ không phải là các khoản chi phí cho việc nhập khẩu mà phục vụ hoạt động xuất khẩu bởi vì Mỹ là "trái tim" của nền công nghiệp chế tạo vũ khí thế giới.

Chiến tranh thì dưới đất còn cổ phiếu bay lên tận trời xanh

Giá trị các cổ phiếu của những công ty sản xuất vũ khí thường xuyên tăng – điều tương tự cũng diễn ra với mức độ chi phí quân sự của Mỹ dù nó từng bị cắt giảm trong một thời gian ngắn (từ tháng 1/2013).

Trong khi đó, các hành động khủng bố tại nhiều quốc gia Châu Âu, trong đó có Nga, do IS đứng ra nhận trách nhiệm; mối đe dọa từ phía Trung Quốc tại Châu Á; 3 cuộc chiến tranh tại Trung Đông,... có thể biến thành các cuộc xung đột vũ trang bất cứ lúc nào – tất cả đều là những điều kiện tuyệt vời để cổ phiếu các doanh nghiệp quốc phòng cất cánh.

Nói một cách khác, khi trên mặt đất bao trùm sự hỗn loạn, thì cổ phiếu bay lên tận trời xanh.

Nếu như chúng ta để ý tới cổ phiếu của 9 công ty lớn nhất với chỉ số xếp hạng A+ và A, thì chúng ta sẽ thấy rằng những cổ phiếu của Lockheed Martin tăng 13% vào năm 2015, còn tới tháng 7/2016 giá của nó tiếp tục tăng 52 tuần liên tiếp. 1/5 lợi nhuận của công ty đến từ khoản doanh thu xuất khẩu.

Thế giới của các quả tên lửa

Có một lời giải thích đơn giản cho việc tại sao các công ty tầm cỡ sản xuất vũ khí mà thường được gọi là "các ông vua chiến tranh" lại thu được những khoản lợi nhuận kếch xù từ sự hỗn loạn đang bao trùm toàn bộ Trung Đông.

Ngày 23/9/2014, Mỹ triển khai các cuộc tấn công nhằm vào nhiều mục tiêu tại Syria. Khi đó Bộ Chỉ huy Trung tâm Các lực lượng vũ trang Mỹ đã tuyên bố rằng mục tiêu của các cuộc tấn công là những cứ điểm của tổ chức khủng bố IS.

Như vậy, theo lệnh của tướng Lloyd Ostin, hai chiếc tàu chiến USS Philippine Sea tại Vịnh Persian và tàu sân bay USS Philippine Sea trên Biển Đỏ đã phóng 47 quả tên lửa "Tomahawk" nhằm vào các mục tiêu nói trên. Không ai biết rõ những hậu quả của hành động này, bộ chỉ huy chỉ dừng lại đúng một câu "các tên lửa đã đến được mục tiêu".

Trung Đông - Mảnh đất vàng cho các nhà sản xuất vũ khí: Khói lửa chiến tranh là ra tiền - Ảnh 2.

Căn cứ Không quân Syria bị tên lửa Tomahawk Mỹ tấn công.

Mọi người không biết giá chính xác của một quả tên lửa "Tomahawk". Đại diện Hải quân Mỹ nói rằng giá trị quả tên lửa này ước vào khoảng 600.000 USD, nhưng đó là thông tin từ năm 1999, cho nên căn cứ vào tỷ giá đồng đôla Mỹ hiện nay, một vài chuyên gia quân sự đánh giá nó vào khoảng từ 1,14 cho tới 1,5 triệu USD

Lấy mức giá trung bình mà có lẽ thấp hơn nhiều giá trị thực của quả tên lửa – 1 triệu đôla. Con số này có được từ việc theo dõi các bản hợp đồng giữa Raytheo và Lầu Năm Góc trong những năm gần đây.

Theo tính toán, Mỹ đã chi 47 triệu USD cho một chiến dịch trong không gian hẹp của một quốc gia mà kéo dài chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, và chưa tính đến chi phí vận hành hai chiếc tàu chiến và những chi phí khác. Nói cách khác, 47 triệu USD được chi ra cho một vài quả tên lửa, không hơn và không kém.

Chỉ 3 ngày sau khi triển khai những cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở tại Syria, Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng với Công ty Raytheon. Tổng giá trị hợp đồng là 251 triệu USD mà sẽ được chi để mua các tổ hợp tên lửa của Công ty Tucson – chi nhánh của Raytheon.

Trong vòng 2 năm, công ty sẽ phải cung cấp cho Hải quân Mỹ 231 quả tên lửa "Tomahawk", cũng như 20 quả tương tự cho Hải quân Anh. Đây không phải là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ sở hữu các tên lửa Tomahawk.

Những sự việc xảy ra trong vòng 1 tuần chứng tỏ mức độ ảnh hưởng của "các ông vua chiến tranh" và nguồn gốc những khoản lợi nhuận kếch xù của họ. Xin nhắc rằng Lầu Năm Góc đã thông qua bản kế hoạch toàn diện mà theo đó kho tên lửa "Tomahawk" sẽ được nâng cấp. Dự kiến sẽ sản xuất thêm 4000 quả tên lửa thế hệ mới.

Năm 2015, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi 194 triệu USD cho việc mua sắm 100 quả tên lửa "Tomahawk" chiến thuật, có nghĩa là giá thành một quả tên lửa đã tăng lên mức 1,94 triệu đôla. Phần lớn chúng được sử dụng, tất nhiên, tại Trung Đông.

Ngày 3/2/2016, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố rằng Lầu Năm Góc sẽ xin Quốc hội cấp cho 2 tỷ USD để thực hiện kế hoạch đã xây dựng từ năm 2014, có nghĩa là bắt đầu sản xuất 4.000 quả tên lửa "Tomahawk" trong vòng 5 năm tới.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn yêu cấp cấp 1,5 tỷ USD để phát triển hai loại vũ khí khác. Cuối cùng, trong khuôn khổ chương trình tương lai phục vụ quốc phòng của Mỹ với tên gọi FYDP, 2,9 tỷ USD đã được yêu cầu chi thêm để phát triển tên lửa SM-6 cũng do công ty Raytheon chế tạo – loại tên lửa lần đầu tiên có khả năng sử dụng để chống hạm.

Trung Đông - Mảnh đất vàng cho các nhà sản xuất vũ khí: Khói lửa chiến tranh là ra tiền - Ảnh 3.

Xe tăng T-90 Nga tham chiến ở Syria.

Người Ả Rập: lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh

Mặc dù theo câu ngạn ngữ "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh", nhưng những quốc gia Ả Rập, đặc biệt các nước Vùng Vịnh, chi những khoản tiền lớn cho quốc phòng, lại bị loại khỏi cuộc chơi.

Trong năm ngoái, lợi nhuận của Raytheon ước tính vào khoảng 23,2 tỷ USD, trong đó gần 7,2 tỷ USD (31% tổng lợi nhuận) – doanh thu từ hoạt động xuất khẩu. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2016 lợi nhuận sẽ tăng lên 24,5 tỷ USD.

Theo lời giám đốc Phòng các giao dịch tài chính Toby O’brien, 31% là một con số kỷ lục kể từ khi bắt đầu tăng trưởng doanh thu vào năm 2009, và nó đưa "Raytheon" vào danh sách các công ty hàng đầu (cùng với Lockheed Martin, General Dynamics và nhiều công ty khác) thu lợi từ cuộc chạy đua vũ trang tại Trung Đông.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông O’Brien cho biết rằng việc giá dầu sụt giám trên thị trường thế giới không hề ảnh hưởng tới nhu cầu mua sắm vũ khí Mỹ từ phía các quốc gia dầu mỏ tại Vùng Vịnh. Các chi phí quân sự của họ vẫn tăng như nhiều nơi khác trên thế giới.

Báo cáo của công ty IHS (Anh), chuyên về các dịch vụ phân tích, đã khẳng định điều này.

Vào cuối năm 2010, theo báo cáo hàng năm của công ty, Ả Rập Xê Út xếp vị trí thứ nhất trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, ngân sách quốc phòng của nước này tăng 50% so với năm 2014 và ước khoảng 9,3 tỷ USD, trong đó phần lớn chuyển cho các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ.

Trong khi đó, Anh cũng sản xuất vũ khí bán cho Riaydh (thủ đô của Ả Rập Xê Út). Từ khi cuộc chiến tranh tại Yemen bắt đầu nổ ra, Anh đã bán được 2,8 tỷ bảng tiền vũ khí, giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này hồi sinh.

Chính vì lẽ đó, cựu thủ tướng Anh David Cameron đã bảo vệ Ả Rập Xê Út trước Quốc hội khi công khai phản đối bộ luật cấm bán vũ khí cho nước này.

Ai Cập, nền kinh tế đang trải qua thời kỳ khó khăn, trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới sau Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và Úc. Ngân sách quốc phòng của quốc gia này là 2,3 tỷ USD. Theo báo cáo trên, đến năm 2013, các chi phí cho quốc phòng của Ai Cập không vượt quá mức 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, một số nước Vùng Vịnh, cụ thể là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ả Rập Xê Út đã cam kết bù đắp phần lớn những khoản chi phí quân sự của Ai Cập.

Các chi phí quân sự không chỉ dừng lại ở cuộc chiến tranh tại Yemen, hoặc các khoản chi phi của Mỹ tại Iraq, hoặc nhập khẩu vũ khí từ phía Ai Cập. Tất cả đều là "mảnh đất màu mỡ" đối với các nhà sản xuất vũ khí, nhưng đứng trên tất cả là Syria.

Trong năm 2015, được biết rằng các loại vũ khí hạng nhẹ và hạng trung như súng trường, súng AK-47, súng cối, súng đại liên và các máy bay ném bom hạng nặng, vũ khí chống tăng được nhập khẩu bởi các quốc gia Vùng Vịnh và các nước hàng xóm với Syria tại Balcan. Phần lớn các loại vũ khí này được chuyển tới Syria.

Như vậy, các vũ khí hạng nhẹ và trung với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ Euro đã được chuyển tới Trung Đông từ Đông Âu. Hoạt động kinh doanh này đã được triển khai 4 năm và khu vực này không thể trở nên ổn định tất cả bởi vì ở đâu đó trên trái đất này người ta vẫn coi những cuộc chiến tranh tại Trung Đông là cơ hội để kiếm được khoản lợi nhuận kếch xù.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại