TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), chia sẻ thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì 95 - 97%; tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ đạt khoảng 80%.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, thách thức ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc. Các vùng khó khăn này cao gấp 2-3 lần thành thị.
Theo đó, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng 3 cao gấp 3,5 lần so với vùng 1, trong khi đó, tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc H'Mong cao gấp 7 - 8 lần so với dân tộc Kinh, Tày. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số với dân tộc kinh ngày càng gia tăng (năm 2006 là 1,35 lần; năm 2014 là 4,3 lần).
Bên cạnh đó, tỷ lệ tử lệ tử vong sơ sinh còn cao, chiếm đến 70 - 80% tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, 50 - 60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước (Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên). Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15,0% và 21% so với 8,5%).
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế).
Nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan
Theo TS Trần Đăng Khoa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do: thiếu nhân lực (thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức; 30% bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện); thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh (sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí) còn hạn chế ở những vùng khó khăn. Đặc biệt, công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó khăn do y tế thôn bản/cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, tại nước ta hiện nay, mỗi ngày có 39 em bé dưới 28 ngày tuổi tử vong. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đang chiếm tới 80% số ca tử vong đối với trẻ dưới 1 tuổi.
Nguyên nhân liên quan đến trẻ sơ sinh tử vong như quá trình khám thai phải đầy đủ, phải đảm bảo 4 lần khám trong suốt thời gian thai kỳ; các trường hợp đẻ khó, khó can thiệp và cứu chữa.
Bên cạnh đó, sau khi trẻ ra đời, sự chăm sóc nuôi dưỡng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh…. Đáng chú ý, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao nhất. Nguyên nhân được cho là do ở xa cơ sở y tế, nhiều người mẹ vùng khó khăn phải sinh con tại nhà, không được chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Theo TS Trần Đăng Khoa, chính sách đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản hiện nay chưa được quan tâm đúng mức cũng góp phần làm cho tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh vẫn ở mức cao. Đội ngũ cô đỡ thôn bản có thể giúp ngành y tế giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Thời gian qua, phụ cấp của cô đỡ thôn bản bị cắt giảm và gần như không còn. Ngành y tế đã khuyến cáo các tỉnh, đặc biệt là vùng sâu vùng xa cần quan tâm hỗ trợ cô đỡ thôn bản.
Thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm trên toàn cầu có gần 42 triệu ca phá thai (trong đó các nước phát triển gần 8 triệu ca; các nước đang phát triển là gần 38 triệu ca). Tỷ lệ phá thai ở Việt Nam đã giảm mạnh từ 37 ca trên 100 ca sinh đẻ (2005) xuống còn 10 ca (2021). So sánh với giai đoạn 1990 - 1995, trung bình cứ 1 ca đẻ thì có 1 ca phá thai, hiện nay 10 ca đẻ mới có 1 ca phá thai. Tổng số ca phá thai đã giảm từ gần 400.000 ca (năm 2010) xuống dưới 200.000 ca (2019). Việt Nam cơ bản loại trừ các cơ sở phá thai bất hợp pháp. Tỷ lệ tai biến và tử vong do phá thai rất thấp.
Tỷ lệ mang thai vị thành niên cũng giảm. Theo đó, năm 2010, Việt Nam có trên 62.000 ca mang thai ở tuổi vị thành niên (2,9%), năm 2019 con số này giảm xuống còn 55 nghìn ca (chiếm 2,4%). Tỷ lệ phá thai vị thành niên có xu hướng giảm. Cụ thể năm 2010, có gần 9.100 ca nạo phá thai, năm 2019 con số này còn 2.300 ca.