Cuộc viếng thăm bất ngờ của ông trùm
Tháng 2 năm 1972, người đó đến phòng khám của tôi trong ngày khai trương thứ hai và là bệnh nhân thứ 22.
Đó là một người đến từ Philadenphia, mặc đồ đen, bản thân người đó lúc nào cũng mỉm cười, trong khi người vợ đi cùng lại chẳng có vẻ gì là tươi cười cả. Đằng sau người đó có đến mười người đàn ông vạm vỡ mặc đồ đen đi cùng.
Nhìn người đó như thể vừa bước ra từ phim Bố già vậy. Đúng vậy, nhìn bề ngoài thì người đó ắt hẳn là một ông trùm mafia.
Cả mười người đàn ông cùng trong một căn phòng chờ nhỏ khiến cho người khác cảm thấy căng thẳng. Do đó, cuối cùng những người kia đứng chờ ở ngoài và chỉ có người đó cùng với vợ mình đi vào phòng khám bệnh.
"Anh bị làm sao?" Khi tôi hỏi như vậy, người đàn ông tên là Angelo Bruno bình tĩnh trả lời: "Trong thời gian ngồi tù, tôi bị chảy máu hậu môn kéo dài đến vài chục lần. Lượng máu chảy ra cũng nhiều, mỗi lần phải đến năm, sáu đơn vị máu, thậm chí tôi còn phải truyền máu nữa."
Một đơn vị máu bằng 500ml, thế nên mỗi lần anh ta sẽ phải truyền từ 2,5 đến 3 lít máu. Đây là một lượng truyền máu khá lớn.
"Tôi cũng đã khám ở bệnh viện trong trường đại học, nhưng họ chỉ biết trong đại tràng của tôi có nhiều túi thừa mà lại không biết chỗ nào bị chảy máu. Bác sĩ nói là tôi chỉ còn cách cắt bỏ toàn bộ đại tràng nhưng tôi không tin lắm.
Và tôi cũng đã nghe nhiều tin đồn về anh. Chẳng phải là anh không cần mổ bụng bệnh nhân mà vẫn khám bên trong bụng cho họ được sao. Thế nên tôi muốn anh kiểm tra cho tôi xem tôi bị chảy máu chỗ nào."
Lần đầu tiên tôi đề xuất sử dụng kính nội soi có gắn dây thép và thành công trong việc phẫu thuật cắt bỏ polyp mà không cần mở ổ bụng là vào tháng 7 năm 1969. Sau đó, tôi đã cố gắng dành nhiều thời gian để truyền lại kinh nghiệm cho các bác sĩ mong muốn được học kỹ thuật này của tôi.
Tuy nhiên, việc khám nội soi trong đường ruột vẫn cần đến một kỹ thuật khá thành thục. Bởi dù sao với một cơ quan dễ hình thành túi thừa như đường ruột thì có nhiều trường hợp bên trong rất cứng, ngắn và thậm chí còn dính chặt với nhau. Thế nên nếu tay nghề không thành thục thì rất khó để có thể kiểm tra toàn bộ đường ruột cho bệnh nhân và thậm chí có nguy cơ còn làm thủng ruột.
Thế nên, tại thời điểm đó, dù là kiểm tra phần ruột nào thì khắp nước Mỹ cũng chỉ có mình tôi có kỹ thuật ấy. Chính vì vậy mà ông trùm mafia này mới cất công từ Phialadenphia đến tận chỗ tôi thế này.
Quyết định dũng cảm
Trong số các y tá, cũng có người nói rằng: "Người đó là trùm mafia nên nếu lỡ có chuyện gì thì sẽ rất nguy hiểm, thế nên bác sĩ nên tìm một lý do thích hợp rồi từ chối người ta đi." Thế nhưng, tôi lại cho rằng khi đã trở thành bác sĩ thì có một chuyện tôi không thể quyết định được, đó chính là việc chọn bệnh nhân. Vì vậy, mặc dù lúc đó cũng khá sợ hãi, tôi vẫn kiểm tra cho anh ta.
Sau khi nội soi, tôi cảm thấy ngạc nhiên sau khi thấy đường ruột của người đàn ông này. Đúng là trước đó tôi có nghe chính anh ta nói trong đường ruột có nhiều túi thừa và thậm chí còn chảy máu rất nhiều nên tôi đã tưởng tượng được phần nào tình trạng bên trong. Thế nhưng, khi kiểm tra tôi mới thấy tình trạng thực sự còn xấu hơn những gì tôi nghĩ rất nhiều.
Từ phần kết tràng xích ma hình chữ S cho đến kết tràng xuống, kết tràng lên, kết tràng ngang và đến tận hậu môn có vô số túi thừa. Và nếu không tìm ra được khu vực xuất huyết thì người này sẽ phải cắt bỏ toàn bộ đại tràng.
Tôi đã kiểm tra rất kĩ cho anh ta, và tôi đã tìm thấy những dấu vết chảy máu khá nhỏ nằm cách hậu môn khoảng 1m ở phần kết tràng trên phía bên phải đại tràng.
Sau khi khám, tôi báo lại kết quả với bệnh nhân là đã tìm ra khu vực xuất huyết và khuyên bệnh nhân làm phẫu thuật mở ổ bụng, cắt bỏ khoảng 30cm phần đường ruột phía bên phải, nơi đang chảy máu. Mặc dù cuộc phẫu thuật sẽ gây tổn thương tới thân thể bệnh nhân nhưng tôi cũng giải thích rằng nếu so với việc phải cắt bỏ toàn bộ đại tràng thì đây cũng chỉ là một tổn thất rất nhỏ.
Vợ chồng Bruno yên lặng lắng nghe lời tôi nói, rồi họ né tránh câu trả lời và chỉ nói sẽ quay lại vào hôm sau rồi ra về.
Ông trùm trở lại cầu cứu
Lúc đó, tôi mới có 36 tuổi, mặc dù được y học cả thế giới công nhận trong việc mổ nội soi cắt bỏ polyp nhưng thực tế tôi vẫn còn là một bác sĩ trẻ mới mở phòng khám của riêng mình. Thêm vào đó, bệnh nhân lại là một trùm mafia nổi tiếng khắp nước Mỹ.
Đương nhiên, tôi cũng cho rằng nếu phẫu thuật thì nên nhờ một bác sĩ có tiếng trong ngành, ngày hôm đó tôi cũng chuẩn bị giấy chẩn đoán cần thiết cho phẫu thuật và chờ đến ngày hôm sau.
Thế nhưng, ngày hôm sau, vợ chồng Bruno xuất hiện ở phòng khám và nói một câu: "Chúng tôi xin nhờ bác sĩ Shinya làm phẫu thuật."
Tôi thực sự đã rất ngạc nhiên và hỏi lại: "Anh chị không nghĩ là tôi còn thiếu kinh nghiệm sao? Ở New York còn rất nhiều bác sĩ khác tài giỏi hơn tôi nữa. Anh chị không định đến nhờ những bác sĩ ấy phẫu thuật sao?"
Tuy nhiên, vợ chồng Bruno lại rất bình tĩnh và nói: "Trước khi đến đây, chúng tôi đã tìm hiểu tất cả về bác sĩ Shinya. Từ khi còn là bác sĩ thực tập, bác sĩ đã trực tiếp đứng mổ thay giáo viên hướng dẫn của mình, đúng không?
Hơn nữa, tôi cũng đã khám nhiều bác sĩ và đây là lần đầu tiên tôi gặp một bác sĩ nhe tay đến vậy. Tôi đã bàn bạc kỹ với vợ tôi và đưa ra quyết định này. Nhất định bác sĩ phải giúp tôi phẫu thuật."
"Nhẹ tay" là cách nói dành cho những bác sĩ điều trị rất nhe nhàng, khéo léo. Ngược lại, những bác sĩ vụng về, khám cho bệnh nhân một cách thô lỗ, cục cằn gọi là "nặng tay".
Và như vậy, ngay khi vừa mở phòng khám của riêng mình, tôi đã thực hiện một cuộc phẫu thuật lớn cho một trùm mafia.
Bruno lúc đó đã 65 tuổi và ông ấy không thực sự yên tâm khi tham gia vào ca phẫu thuật này. Nhưng may mắn là mặc dù khó khăn nhưng cuộc phẫu thuật đã thành công, và ông ấy cũng đã dần hồi phục.
Ảnh minh họa
Ba điều ước kết thúc trong ảo mộng
Bruno rất có lòng tin với tôi, từ việc chăm sóc cơ thể sau phẫu thuật cho đến việc quản lý sức khỏe cơ thể sau đó, ông ấy đều làm theo những hướng dẫn của một bác sĩ trẻ là tôi.
Mỗi lần ông ấy đến khám, chúng tôi đều nói rất nhiều chuyện và sau một thời gian ra viện, ông ấy thường mời tôi dùng bữa mỗi cuối tuần.
Những lúc chỉ có hai người chúng tôi, ông ấy rất lịch thiệp, ra dáng quý ông và là một người hài hước, có sức lôi cuốn. Khi đó, tôi đã kể giấc mơ học y của mình cho ông ấy và đã được ông ấy ủng hộ.
Chúng tôi cứ duy trì như vậy được một năm. Và có một lần, khi chúng tôi vẫn cùng dùng bữa như mọi khi, ông ấy nói với tôi: "Nhờ có bác sĩ mà tôi mới nhặt lại được cái mạng này. Cơ thể tôi cũng đã tốt hơn rất nhiều. Và tôi đã quyết định giao lại công việc cho con trai, cùng vợ sống một cuộc đời thứ hai thật yên bình.
Trước đó, tôi cũng đã chấp nhận những lời cáo buộc từ phía cảnh sát, coi như là một dấu chấm hết cho quãng đời trước đây của mình. Tôi có suy nghĩ như vậy cũng là nhờ bác sĩ cả."
Từ trong thâm tâm, tôi cảm thấy vui mừng trước những lời nói của ông ấy. Bệnh nhân của tôi đã biết trân trọng thân thể mình và muốn hướng đến một cuộc sống tốt đep hơn.
"Và tôi rất muốn được trả ơn cho bác sĩ. Mọi người trên đời đều hay nhắc đến ‘ba điều ước’, ba điều duy nhất có thể thành hiện thực. Vậy bác sĩ, nếu bác sĩ có ba điều ước thì bác sĩ muốn điều gì."
Trong một khoảnh khắc khi nhận được câu hỏi này, tôi đã định từ chối ông ấy rằng: "Như hiện tại là đủ rồi", nhưng nhìn người đàn ông ngồi ăn cùng mình, tôi lại định trêu đùa ông ấy một chút.
Tôi chợt nhớ đến viên kim cương to lấp lánh trên ngón tay của vợ ông ấy và nói: "Vậy thì một viên kim cương 10 cara và một mảnh đất 100 mẫu Anh ở Florida và…".
Tôi không nghĩ ra được thứ gì hoành tráng nữa cả. Thế nên tôi nói: "Điều thứ ba… tôi sẽ nghĩ cho tới lần gặp sau."
Và rồi cả hai chúng tôi cùng phá lên cười.
Thế nhưng, thật đáng tiếc là "lần gặp sau" ấy lại chẳng bao giờ đến.
Bởi không lâu sau đó, tôi đọc được trên báo rằng ông ấy bị tập kích trước nhà riêng của mình ở Philadenphia và đã mất mạng.
Cuối cùng thì viên kim cương hay mảnh đất 100 mẫu Anh cũng mãi chỉ là những điều ước vui vẻ mà thôi. Nhưng ông ấy đã tặng cho tôi món quà tuyệt vời nhất. Đó chính là ông ấy, người tin tôi bằng cả tấm lòng, đã nói chuyện về tôi với những người quen của mình.
Sau cái chết của ông ấy, vẫn có rất nhiều người tin tưởng và đến khám ở phòng khám của tôi.
Vốn dĩ ông ấy đã rất cố gắng và khỏe mạnh trở lại, sự ra đi của ông ấy khiến tôi cảm thấy vô cùng đau buồn.
Nhưng có lẽ, ông ấy cũng đã hạnh phúc khi cuối cùng cũng được lên thiên đàng với một tâm hồn thanh thản.
Nội dung bài viết được trích rút và biên tập lại từ cuốn sách "Nhân tố Enzyme - Trẻ hóa" của giáo sư Hiromi Shinya, Như Nữ dịch, Thái Hà Books phối hợp Nhà xuất bản Thế giới ấn hành.
Giáo sư Hiromi Shinya (SN 1935) đã có hơn 40 năm trong nghề y, khám chữa cho 300.000 bệnh nhân chủ yếu ở Nhật và Mỹ. Ông là người đầu tiên trên thế giới thành công trong việc phẫu thuật nội soi cắt bỏ polyp đại tràng mà không cần mở ổ bụng bệnh nhân.
Loạt ấn phẩm mang tên "Nhân tố Enzyme" của ông đang gây sốt ở rất nhiều nước trên thế giới - trong đó có Việt Nam, vì đi vào trúng vấn đề của con người hiện nay: lối sống thích ăn nhanh, uống nước ngọt và đồ có cồn, lười vận động, dùng máy tính - điện thoại nhiều.