Trong son môi có nhiều thứ lắm, đừng vội đổ lỗi cho chì!

Ngọc Anh |

Cuộc đối thoại với ông Vũ Thế Thành, chuyên gia Hoá học và quản trị chất lượng, giảng viên an toàn thực phẩm VASEP về vấn đề son môi nhiễm chì đang ồn ào thời gian gần đây.

PV: Thưa ông Vũ Thế Thành, phụ nữ dùng son môi, khi họ ăn uống, son có thể từ môi theo tức ăn vào đường tiêu hoá, nghĩa là phụ nữ dùng son môi thì không thể tránh được ít nhiều họ vô tình ăn son môi. Ông có thể xem son môi cũng là một loại thực phẩm đặc biệt được không?

Ông Vũ Thế Thành: Không phải thứ nào nào nuốt vào bụng cũng đều là thực phẩm. Những viên aspirin, paracetamol, felodipine… cũng nuốt vào bụng nhưng là thuốc trị bệnh chứ không phải thực phẩm. Son môi, dầu gội đầu, sữa tắm… là mỹ phẩm.

PV: Nhưng nếu trong son môi có độc chất, mà phụ nữ dùng son môi lại vô tình nuốt theo đường tiêu hóa thì ông có thể xem đó là một hình thức về "ngộ độc thực phẩm" được không ạ?

Ông Vũ Thế Thành: Được. Độc chất từ son môi có thể vào cơ thể bắng cách ngấm qua da, hoặc vào bằng đường tiêu hóa. Vì chủ yếu là qua ngõ tiêu hóa, nên có thể dùng dữ kiện hạn chế độc chất về an toàn thực phẩm để nói về son môi. Mà thú thật, tôi cũng chưa thể tưởng tượng mấy bà mấy cô nhóp nhép nhai son môi thế nào

PV: Tôi có đọc 1 tài liệu về nghiên cứu của GS. Katharine Hammond thuộc đại học Califinia – Berkeley (Mỹ) thì mỗi phụ nữ trung bình một ngày "ăn" 0,06mg son môi, và cứ như vậy đến cuối cuộc đời, họ có thể "ăn" hết 1,7kg son môi, 1 con số không hề nhỏ phải không ông? Tôi đoán, nếu số son đó có nhiễm chì, thì hậu quả cũng thật kinh khủng.

Ông Vũ Thế Thành: Chưa chắc đã kinh khủng. Vấn đề là hàm lượng chì có trong son môi là bao nhiêu, rồi thời gian tích lũy chì trong cơ thể và thải ra nữa. Thời gian dài cả đời như thế là đang nói về ngộ độc mãn tính, nếu có. Tôi chỉ nói là nếu có, chứ chưa chắc đã thế. Chưa chi mà đã kinh khủng thì còn gì là son môi cho phụ nữ làm đẹp.

Trong son môi có nhiều thứ lắm, đừng vội đổ lỗi cho chì! - Ảnh 1.

Thạc sĩ Vũ Thế Thành

PV: Thưa ông, tôi có trong tay một bảng số liệu về một số loại son có chứa chì của FDA. Bảng này tuy từ năm 2012, có thể đã cũ nhưng nó chứng tỏ một điều, nhiều loại son có chứa chì là điều có thật. Nhìn vào bảng số liệu này, ông thấy lượng chì trong đó có đủ gây hại cho sức khoẻ người sử dụng hay không?

Ông Vũ Thế Thành: Chì có trong tự nhiên, đất đai, sông suối, không khí, cỏ cây, thực phẩm… thì son môi, dù nhà sản xuất chẳng cố tình đưa vào thì son môi cũng tự nhiên bị nhiễm chì. Vấn đề là nhiễm bao nhiêu thôi.

Thực ra ban đầu FDA không quan tâm đến dư lượng chì trong son môi đâu. Với son môi, FDA ngại nhất là phẩm màu, và họ kiểm soát rất kỹ các loại phẩm màu dùng trong son môi, thậm chí kiểm đến từng lô hàng phẩm màu dùng để sản xuất son môi.

Chì lẫn trong son môi chủ yếu là đến từ phẩm màu. Lượng chì trong son môi có rất ít, mà phẩm màu cũng lại chiếm tỉ lệ rất ít trong son môi, và như bạn nói ban nãy, mỗi ngày phụ nữ trung bình "ăn" 0,06 mg son môi, thì lượng chì đâu có nhằm nhò gì.

FDA đã khảo sát đủ loại son môi trên thị trường Hoa Kỳ, thì thấy rằng lượng chì quá ít, ít đến nỗi không thể đo được qua xét nghiệm máu thông thường, nghĩa là "ăn" son môi, rồi xét nghiệm để đo lượng chì trong máu, thì ít đến nỗi không đo được.

Nhưng dư luận kêu, thì FDA phải làm. Họ khảo nhiều loại son môi trên thị trường Hoa Kỳ, thì thấy 99% mẫu chưa vượt quá 10 ppm (phần triệu) chì. Nên họ lấy luôn con số 10 ppm làm mức giới hạn cao nhất mà chì được phép có trong son môi.

Số liệu mà bạn đưa ra, thì tất cả mẫu son môi đều có lượng chì nằm trong mức cho phép của FDA, nghĩa là đều dưới 10 ppm.

Son môi, cũng như các loại mỹ phẩm khác, có cần dựa trên một quy chuẩn nào đó về chất lượng không, thưa ông?

FDA Mỹ không quy định nhà sản xuất chỉ được phép dùng nguyên liệu hay nguyên liệu nọ để sản xuất son môi. Nghĩa là muốn dùng nguyên liệu nào thì dùng. FDA chỉ yêu cẩu dùng nguyên liệu nào thì phải kê khai ra. Ngoại trừ duy nhất là phẩm màu thì không phải muốn dùng phẩm nào cũng được.

Theo tôi biết thì trong nước hiện nay không có quy chuẩn quốc gia cho sản phẩm son môi. Chỉ có tiêu chuẩn riêng của cơ sở thôi.

Trong son môi có nhiều thứ lắm, đừng vội đổ lỗi cho chì! - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

PV: Nói về các trường hợp cụ thể, như cô MC của đài truyền hình VTV. Theo thông tin trên báo, cô MC này có nhiều dấu hiệu của việc nhiễm chì như viền lợi chuyển màu đen xám, lấp lánh ánh kim loại, xét nghiệm máu thì lượng chì lên tới 32mcg/dL, gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép.

Đồng thời cô này cũng không uống thuốc nam, không tiếp xúc với các nguồn nhiễm chì khác, theo báo đưa tin. Vậy ông lý giải như thế nào về trường hợp này?

Ông Vũ Thế Thành: Cần lưu ý rằng, son môi không phải là nguồn nhiễm chì duy nhất. Như tôi nói ban nãy, chì có mặt khắp mọi nơi, không khí, sông ngòi, đất đai, rồi nhiều sản phẩm khác nữa, như sơn nhà (chiếm khá nhiều), đồ chơi trẻ em sơn phết màu mè là những nguồn nhiễm chì.

Đất đai có chì, nước có chì, thì rau củ quả có chì. Động vật, heo bò gà ăn nông sản thì cũng thịt động vật cũng có chì. Vấn đề là chì ở ngưỡng bao nhiêu thì chấp nhận được, tùy loại ăn nhiều ăn ít mà có mức giới hạn chì riêng trong thực phẩm.

Chì rất độc hại, ảnh hưởng nặng nề đến hệ thần kinh, nhất là đối với trẻ em. Mức quy định của Hoa Kỳ là không quá 10ppm chì trong máu đối với người lớn và trẻ em không quá 5 ppm.

Trường hợp của cô MC mà bạn đề cập, nếu kết quả xét nghiệm máu là đúng, thì mức chì trong máu như thế là cao. Còn nguyên nhân, nếu kết luận ngay là do son môi thì chưa thuyết phục. Có vài vấn đề cần làm rõ.

Thực phẩm cô ta ăn hàng ngày, kể cả nước uống, nhiễm chì ở mức bao nhiêu. Môi trường làm việc có nhiễm chì không, hãng sơn chẳng hạn… Chứ không thể nói khơi khơi là "không tiếp xúc với các nguồn nhiễm chì khác", thì nghe không ổn

Son môi mà cô ấy dùng, có hàm lượng chì là bao nhiêu. Son môi ở thị trường Mỹ có mức chì dưới 10 ppm (an toàn), nhưng son môi ở thị trường Việt Nam có thể khác, cao hơn. Nhưng cao hơn tới mức nào, mà mỗi ngày chỉ ăn 0,06 mg son môi mà trong máu lại có lượng chì ở mức báo động như thế.

Quan điểm riêng của tôi về trường hợp này là: Chưa thể kết luận được son môi là nguyên nhân gây nhiễm chì trong máu.

PV: Tuy nhiên, là một phụ nữ, tôi có kinh nghiệm dùng son môi, thưa ông (cười). Và tôi thấy việc dùng son trong một thời gian có thể dẫn đến hậu quả là môi nhợt nhạt hoặc thâm đen. Việc này là có thật. Đây có phải là do tác động xấu của chì có trong son môi hay không?

Ông Vũ Thế Thành: Trong son môi có nhiều thứ lắm, chứ đâu chỉ có chì đâu mà vội đổ lỗi cho chì. Son môi làm từ các loại khoáng nghiền mịn, trộn sáp ong, dầu khoáng, chất béo,.... rồi thêm phẩm màu, đủ loại phẩm màu, màu sắc đủ cỡ…, và môi nhợt nhạt hoặc thâm đen, thì liệu có phải do chì không, đi xét nghiệm thì biết…

Vâng xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại