Hâm nóng lại thức ăn thừa là một kiểu tiết kiệm thường gặp. Không chỉ tiết kiệm chi phí, thực phẩm khi có món ăn thừa mà còn tiết kiệm thời gian, công sức đối với những người bận rộn để không phải nấu nướng nhiều lần. Tuy nhiên, không phải món ăn nào cũng phù hợp để hâm nóng lại, ngay cả khi bảo quản trong tủ lạnh. Nếu không muốn bản thân và người xung quanh bị “đầu độc”, tốt nhất chỉ nấu đủ ăn, không hâm nóng 6 món này sau khi để qua đêm;
1. Rau xanh lá
Chúng ta thường được khuyên ăn nhiều rau xanh lá như cần tây, cải xoong, bina… vì chúng giàu chất xơ, vitamin và phòng chống bệnh tật. Nhưng tất cả những lợi ích này sẽ biến mất nếu đem chúng đi hâm nóng lại sau khi ăn còn dư thừa.
Bởi vì khi để qua đêm hoặc bên ngoài không khí quá lâu, chúng sẽ sản sinh ra nitrit, là 1 chất đã được WHO công nhận là có khả năng gây ung thư. Đồng thời, các vitamin và chất Folate trong rau xanh đậm cũng rất nhạy cảm với nhiệt. Khi bị chế biến với nhiệt lần thứ 2, các chất này sẽ bị phá hủy và tạo thành chất độc cho cơ thể. Nên tốt nhất chỉ ăn rau xanh trong vòng 4 giờ sau khi chế biến, nhất là vào mùa hè.
2. Trứng luộc
Cũng giống như thịt gia cầm, trứng của chúng rất giàu protein và dễ nhiễm khuẩn Salmonella, E.coli. Trong khi nhiều kiểu chế biến không đủ điều kiện để giết chết các loại vi khuẩn này, nhất là nếu bạn đem chế biến trứng ở dạng lòng đào, chưa chín hẳn.
Tất cả các loại trứng luộc, đặc biệt là trứng lòng đào đều không nên để lâu. Vì ngoài nhiễm khuẩn thì chất béo và chất đạm có trong trứng sẽ rất dễ bị biến tính. Khi hâm nóng lại ở nhiệt độ cao lại tiếp tục làm protein phân hủy sinh ra chất độc cho dạ dày, hệ tiêu hóa. Thậm chí gây nôn mửa, ngộ độc cấp tính trong trường hợp nặng.
3. Nấm
Nấm được xem là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng nếu nấu chín rồi để qua đêm thì sẽ trở thành “thuốc độc”. Đặc biệt là nếu đem đun đi đun lại nhiều lần thì chất dinh dưỡng sẽ biến mất và bị biến chất thành chất độc hại.
Cụ thể, nấm nấu chín lần đầu chứa nitrat tốt cho các tế bào máu đỏ, nhưng sau một đêm, nitrat sẽ hay đổi thành nitrit không tốt cho cơ thể. Ăn lượng lớn trong 1 lần có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp tính. Còn nếu ăn lâu ngày dù lượng nhỏ cũng làm tổn thương dạ dày, mạch máu, dễ dẫn tới ung thư. Nên tốt nhất là chỉ mua vừa đủ để luôn tươi ngon, nấu và ăn 1 lần duy nhất, không để thừa.
4. Cơm
Nếu để gạo ở nhiệt độ phòng quá lâu, nhất là trong môi trường ẩm ướt, gạo sẽ trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn, đặc biệt là Bacillus cereus sẽ phát triển nhanh ở nhiệt độ phòng. Ngay cả việc làm lạnh hoặc hâm nóng cũng có thể không loại bỏ hoàn toàn hết vi khuẩn.
Các chuyên gia khuyên bạn chỉ nên nấu một lượng cơm vừa đủ cho mỗi bữa ăn và kết thúc bữa ăn. Không để cơm đã nấu ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ trước khi nấu xong và nên cho vào tủ lạnh càng sớm càng tốt sau khi nguội.
5. Khoai tây
Khoai tây rất phổ biến vì giá rẻ, ngon miệng lại đa dạng cách chế biến. Tuy nhiên, đừng bao giờ hâm nóng lại khoai tây đã để qua đêm vì đó không phải là tiết kiệm mà là đang tự hại bản thân và gia đình.
Khi hâm nóng lại khoai tây đã nấu chín, toàn bộ chất dinh dưỡng có ích sẽ biến mất, thay vào đó là các chất có hại gây đầy hơi, khó tiêu. Đặc biệt là khoai tây chế biến nhiều dầu mỡ như chiên rán, xào… Ăn món này lâu ngày sẽ làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa của con người và gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí bao gồm cả ung thư dạ dày.
6. Hải sản
Hải sản giàu vitamin, khoáng chất và protein, được rất nhiều người xem là món ăn sang trọng hoặc dùng để bồi bổ. Tuy nhiên, món ăn tốt cho sức khỏe này không thích hợp để hâm nóng, cũng không nên để qua đêm và chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh tối đa là 3 ngày.
Bởi vì hải sản đã nấu chín mà để lâu sẽ sinh ra một lượng lớn chất đạm phân hủy, có hại cho sức khỏe gan thận của cơ thể con người. Lúc này, hâm nóng càng làm chúng biến chất, có thể gây ngộ độc.
Nguồn và ảnh: Epoch Time, Sohu