Trời trở lạnh, người bệnh hen suyễn nên ăn gì và kiêng gì để ngăn ngừa tái phát?

Phương Anh Theo Verywellhealth |

Mặc dù không có chế độ ăn cụ thể cho bệnh hen suyễn, nhưng việc tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất là rất quan trọng giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát hen suyễn hiệu quả.

1. Chế độ ăn uống giúp cải thiện triệu chứng bệnh hen suyễn

Đối với người bệnh hen suyễn, việc thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng các loại thực phẩm và chất dinh dưỡng phù hợp có thể cải thiện sức khỏe tổng thể, trong đó có chức năng của phổi. Với người bệnh hen suyễn nên ăn gì, kiêng gì là điều quan trọng trong kiểm soát tình trạng bệnh.

Chế độ ăn lành mạnh cũng có thể giúp người bệnh duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Vì thừa cân có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn.

Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy rằng, thực hiện một chế độ ăn nhiều cá, dầu ô liu, trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm các triệu chứng hen suyễn hoặc ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng này.

Chế độ ăn chủ yếu là thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, đặc biệt là trái cây tươi, rau và ngũ cốc; hạn chế ăn nhiều sữa và thịt nhiều chất béo cũng có thể ngăn ngừa và làm chậm sự tiến triển của bệnh hen suyễn và cải thiện các triệu chứng hen suyễn.

Những thực phẩm này rất giàu các hợp chất và chất chống oxy hóa có thể chống lại chứng viêm và và quá trình oxy hóa gây ra bởi các chất độc mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày.

2. Người bệnh hen suyễn nên ăn gì?

2.1. Trái cây và rau tươi

Trời trở lạnh, người bệnh hen suyễn nên ăn gì và kiêng gì để ngăn ngừa tái phát? - Ảnh 1.

Trái cây và rau tươi giúp cải thiện triệu chứng bệnh hen suyễn.

Việc bổ sung nhiều trái cây tươi và rau quả là một biện pháp hiệu quả trong chế độ ăn của người bệnh hen suyễn. Những thực phẩm này không chỉ chứa ít calo để thúc đẩy cân nặng hợp lý mà còn chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể hỗ trợ chức năng phổi khỏe mạnh.

Trái cây và rau quả chứa nhiều chất chống oxy hóa như beta-carotene, vitamin C và vitamin E. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả giàu vitamin, chất chống oxy hóa, đặc biệt là táo và cam, có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn và giảm thở khò khè.

Chuối cũng có thể làm giảm tỷ lệ thở khò khè ở trẻ em do hàm lượng chất chống oxy hóa và kali, có thể cải thiện chức năng phổi.

Các loại trái cây và rau quả quan trọng khác cần đưa vào chế độ ăn uống của người bệnh hen suyễn bao gồm: bông cải xanh, quả mọng, rau lá xanh, dưa và bơ...

2.2. Thực phẩm giàu vitamin A

Trời trở lạnh, người bệnh hen suyễn nên ăn gì và kiêng gì để ngăn ngừa tái phát? - Ảnh 2.

Thực phẩm giàu vitamin A có thể cải thiện chức năng phổi.

Vitamin A, còn được gọi là carotenoid, có thể cải thiện chức năng phổi ở người lớn và trẻ em. Nhờ đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, vitamin A có thể giúp chống lại stress oxy hóa và hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh .

Các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống nhiều thực phẩm giàu vitamin A như cà chua, cà rốt và các loại rau lá có thể cải thiện chức năng phổi và giảm các cơn hen suyễn ở người lớn.

2.3. Thực phẩm giàu vitamin D

Vitamin D giúp hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch và có thể làm giảm viêm đường thở. Các nghiên cứu chứng minh việc bổ sung vitamin D có thể làm giảm tỷ lệ các cơn hen suyễn cần điều trị bằng corticosteroid.

Ngoài việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời, người bệnh hen suyễn nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin D như: cá hồi, các sản phẩm thay thế từ sữa hoặc sữa được bổ sung nhiều vitamin D.

Vitamin E chứa một hợp chất gọi là tocopherol, hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh. Nó cũng có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn như thở khò khè và ho.

Các nguồn cung cấp vitamin E dồi dào bao gồm: các loại hạt, cải xanh, bông cải xanh và cải xoăn.

2.5. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa có thể bảo vệ tế bào của bạn khỏi bị hư hại và hỗ trợ phổi khỏe mạnh.

Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bao gồm: Sô cô la đen, quả việt quất, atisô, dâu tây, cải xoăn, quả mâm xôi, bắp cải đỏ, củ cải, rau chân vịt…

2.6. Thực phẩm giàu magiê

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ việc sử dụng các chất bổ sung magiê để giảm viêm và thư giãn cơ phế quản để không khí ra khỏi phổi.

Thực phẩm giàu magiê bao gồm: Hạt bí ngô, rau chân vịt, hạt điều, cá hồi, sô cô la đen, các sản phẩm từ sữa ít béo.

2.7. Các loại ngũ cốc

Trời trở lạnh, người bệnh hen suyễn nên ăn gì và kiêng gì để ngăn ngừa tái phát? - Ảnh 3.

Gạo lứt là loại ngũ cốc nguyên hạt tốt cho người bệnh hen suyễn.

Ăn ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm các triệu chứng liên quan đến bệnh hen suyễn. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 cho thấy, những người ăn một chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể giàu ngũ cốc nguyên hạt có ít triệu chứng hen suyễn hơn và kiểm soát bệnh hen suyễn tốt hơn.

Các nguồn ngũ cốc nguyên hạt tốt bao gồm: Bánh mì nguyên cám, lúa mạch, cháo bột yến mạch, gạo lứt…

2.8. Một số thực phẩm khác

Các loại thực phẩm quan trọng khác người bệnh hen suyễn nên ăn bao gồm: Trứng, phô mai, gia cầm, hải sản, ngũ cốc, chất béo lành mạnh như dầu ô liu, hạt và cá béo.

3. Các thực phẩm cần tránh khi mắc bệnh hen suyễn

Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, có một số loại thực phẩm và hóa chất được tìm thấy trong thực phẩm nên tránh vì chúng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh hen suyễn, đặc biệt là các chất gây dị ứng thực phẩm.

3.1. Thực phẩm gây đầy hơi

Người bệnh hen suyễn cần tránh các loại thực phẩm như: đậu, đồ uống có gas, tỏi, hành và đồ chiên rán. Chúng có thể gây đầy hơi, khiến người bệnh khó thở hơn. Điều này có thể dẫn đến tức ngực và lên cơn hen suyễn.

3.2. Thực phẩm chứa Sulfites

Sulfites là hóa chất thường được thêm vào thực phẩm và đồ uống để cải thiện mùi vị, hình thức hoặc thời hạn sử dụng của chúng. Những món ăn như: dưa cải bắp, trái cây khô và thực phẩm ngâm chua có hàm lượng sulfit rất cao. Đồ uống như rượu vang, rượu và nước ép nho cũng có nhiều sulfit. Những sản phẩm này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và dẫn đến phản ứng bất lợi ở một số người bị bệnh hen suyễn.

3.3. Thực phẩm chứa Salicylat

Salicylat là hóa chất có trong trà, cà phê và một số loại gia vị. Mặc dù rất hiếm nhưng một số người bị hen suyễn có thể nhạy cảm với thực phẩm hoặc đồ uống có salicylat.

3.4. Thức ăn nhanh

Trời trở lạnh, người bệnh hen suyễn nên ăn gì và kiêng gì để ngăn ngừa tái phát? - Ảnh 4.

Người bệnh hen suyễn nên hạn chế thức ăn nhanh.

Người bệnh hen suyễn nên hạn chế thức ăn nhanh vì những thức ăn này chứa nhiều chất béo bão hòa, chất phụ gia và natri. Đối với những người mắc bệnh hen suyễn, nó có thể gây ra những nguy cơ sức khỏe lớn hơn và làm các triệu chứng trầm trọng hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Hen

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại