Các trang mạng quốc phòng “defence.com” và “npr.org” dẫn lời giới chuyên gia vũ khí đánh giá tên lửa mà Triều Tiên miêu tả là “vũ khí dẫn đường chiến thuật” này có những đặc điểm nhận dạng giống với tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-E do Nga chế tạo. Iskander-E là một tên lửa chiến thuật đầy uy lực và có độ chính xác cực cao, với tầm bắn trên 200km.
Melissa Hanham, chuyên gia vũ khí hàng đầu tại tổ chức nghiên cứu One Earth Future, cho rằng tên lửa mới của Triều Tiên rất đáng lo ngại. Theo chuyên gia này, loại tên lửa mới của Triều Tiên dường như hiện đại hơn những thiết kế trước đây.
Không giống như các loại tên lửa tầm xa của Triều Tiên, tên lửa tầm ngắn này được cho là sử dụng nhiên liệu rắn, công nghệ tiên tiến giúp Triều Tiên có thể phóng tên lửa nhanh chóng và khó bị phát hiện sớm hay bị đáp trả.
Trong khi đó, chuyên gia Michael Elleman của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định nếu tên lửa mới của Triều Tiên giống tên lửa Iskander thì loại vũ khí này có thể hoạt động ở độ cao rất khó đánh chặn.
Iskander có trần bay gần 50km, quá cao đối với hệ thống tên lửa đất đối không Patriot, nhưng lại quá thấp do với Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ bố trí tại Hàn Quốc.
Tên lửa đạn đạo tiên tiến Iskander-E của Nga. Ảnh: Defence IQ
Tuy có bề ngoài giống với Iskander, nhưng theo hai chuyên gia Hanham và Elleman, không thể biết rõ loại vũ khí mới được phóng thử là hệ thống nhập khẩu từ Nga, một phiên bản do Triều Tiên sản xuất, hay một hệ thống hoàn toàn khác.
Trên thực tế, không chỉ Iskander, một số loại tên lửa tầm ngắn có bề ngoài khá giống tên lửa Triều Tiên mới thử. Jeffrey Lewis, học giả nổi tiếng tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California (Mỹ), cho biết tên lửa Grom-2 của Ukraine và Hyunmoo-2 của Hàn Quốc cũng có nét nhận dạng giống tên lửa mới của Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo ông Jeffrey Lewis, tên lửa mới thật ra lớn và hiện đại hơn bất kỳ tên lửa cùng loại nào Bình Nhưỡng từng có. Các chuyên gia nói rằng tên lửa Triều Tiên có đường kính gần 1 m và có khả năng mang theo đầu đạn 500kg, tầm bắn từ 350-450km.
Jenny Town, học giả tại Trung tâm Stimson và là biên tập viên của trang mạng 38 North, nhận định vụ thử tên lửa ngày 4/5 có thể là một thông điệp gửi tới Hàn Quốc.
Theo chuyên gia này, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dường như không hài lòng trước tình trạng thiếu tiến triển trong quan hệ liên Triều sau một loạt hội nghị thượng đỉnh hồi năm ngoái. Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể hy vọng các vụ thử vũ khí mới sẽ kéo Hàn Quốc vào bàn đàm phán liên quan tới việc triển khai các dự án hợp tác kinh tế.
Có nhiều nét giống nhau trong các vụ phóng tên lửa đạn đạo Iskander-E của Nga (trái) và tên lửa mới của Triều Tiên (phải). Ảnh: 38north
Việc tên lửa Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn cũng là một năng lực hoàn toàn mới. Một điều đáng quan tâm nữa đó là tên lửa đạn đạo Iskander của Nga có khả năng đặc biệt là có thể vừa mang đầu đạn thông thường vừa có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Bình Nhưỡng không cho biết tên lửa mới của mình có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân hay không. Song dựa trên các bức ảnh về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, chuyên gia Elleman tin rằng tên lửa mới có năng lực đó.
Giới phân tích cho rằng việc Triều Tiên trong vòng 5 ngày liên tiếp tiến hành thử vũ khí và tên lửa là nhằm phát đi nhiều thông điệp trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
Một mặt, Bình Nhưỡng muốn gây sức ép với Mỹ, bày tỏ thái độ để hối thúc Washington phải có hành động cụ thể trong vấn đề đàm phán hạt nhân. Mặt khác, Triều Tiên rõ ràng đang muốn phô trương sức mạnh, đang muốn thể hiện hình ảnh một đất nước có tiềm lực quân sự hùng mạnh, có đủ khả năng đương đầu với các mối đe dọa từ bên ngoài.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ thử vũ khí mới. Ảnh: KCNA
Đây cũng là cách để nâng vị thế trên bàn thương lượng hạt nhân, đồng thời với việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai không đạt thỏa thuận như mong đợi và hợp tác liên Triều đang có dấu hiệu gián đoạn, động thái này còn có thể coi là nhằm củng cố lòng tin của chính người dân Triều Tiên.
Các vụ thử cũng là bước đi đậm chất chiến thuật và “rất khôn khéo” của Triều Tiên. Bằng việc chỉ thử tên lửa tầm ngắn và hệ thống pháo phản lực phóng loạt, Triều Tiên rõ ràng đã không muốn gây lo ngại cho an ninh quốc gia của những nước láng giềng như Nhật Bản, và tất nhiên không gây đe dọa nào đối với Mỹ.
Hành động quân sự "có chừng mực" của Triều Tiên đủ để “tăng nhiệt” trên Bán đảo Triều Tiên, song không đẩy tình hình đi quá xa. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng vẫn muốn tiếp tục đối thoại.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/trieu-tien-thu-vu-khi-giong-ten-lua-dan-dao-iskander-cua-nga-20190510164250392.htm