Hành động "cảnh báo" của Triều Tiên
Trong những ngày qua, thế giới có nhiều sự kiện chính trị, quân sự nổi bật như bầu cử tại Ucraina, xung đột vũ trang tại Libia, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm chính thức nước Nga và hội đàm cấp cao với Tổng thống Nga Putin…nhưng các sự kiện trên không làm lu mờ việc Triều Tiên thử tên lửa chiến thuật thế hệ mới.
Tờ Thời báo New York (The New York Times) đã có bài viết về vấn đề này và kết luận: "Hành động thử tên lửa của Triều Tiên giống như một cảnh báo từ ông Kim Jong-un với Tổng thống Donald Trump: Nếu các cuộc đàm phán không được tiếp tục tiến hành thì hai quốc gia lại tiếp tục con đường đối địch".
Ngay sau khi tiến hành thử nghiệm tên lửa (ngày 17/4/2019), Triều Tiên yêu cầu loại bỏ ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ khỏi đoàn đàm phán Mỹ - Triều về giải trừ hạt nhân. Hành động này như một dấu hiệu suy thoái quan hệ ngoại giao của Bình Nhưỡng với Washington, sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Mỹ và Triều Tiên tại Hà Nội.
Thái độ bất ngờ và có phần lạnh lùng của Bình Nhưỡng đối với ông Pompeo, người đã đến Triều Tiên nhiều lần trong năm qua để có các cuộc gặp riêng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, được coi là một phần trong chiến lược của Kim Jong-un để khẳng định tiếng nói của Bình Nhưỡng với Washington cũng như khơi dậy niềm tự hào dân tộc Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un giám sát diễn tập ở một đơn vị không quân Triều Tiên hôm 17/4
Chọn "thời điểm" thích hợp
Việc Triều Tiên bất ngờ thử loại tên lửa chiến thuật mới không hề gây ầm ĩ dư luận quốc tế và khu vực như những lần thử tên lửa đạn đạo trước đây; thời điểm thử tên lửa diễn ra trong thời điểm quan hệ Mỹ - Triều phần nào được cải thiện trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên hành động của Triều Tiên không khác gì là liều thuốc thử "phản ứng" của Mỹ.
Vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump, không giống như những người tiền nhiệm của mình, luôn tìm cách thực hiện các lời hứa bầu cử.
Cụ thể, ông Trump đã bãi bỏ chính sách cải cách y tế của cựu Tổng thống Barack Obama, tiến hành cải cách thuế, tăng ngân sách quân sự, bắt đầu xây dựng bức tường Mexico…, đồng thời tăng cường lệnh trừng phạt Triều Tiên; phong tỏa và thậm chí là "bóp nghẹt" Iran là những nền tảng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump trong thời gian ông mới cầm quyền.
Khi ông Trump vừa mới bước vào Nhà Trắng, ông đã dự đoán khá chính xác sự phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên: Bìn Nhưỡng đã có tên lửa đạn đạo tầm xa và vũ khí hạt nhân và những thứ vũ khí hủy diệt của họ ngày càng hiện đại hơn.
Tổng thống Mỹ thứ 45 đã gọi Triều Tiên là một quốc gia "bất hảo" và hứa sẽ hành động cứng rắn nếu Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Trump đã thay đổi chiến thuật, ông chìa củ cà rốt ra cho Triều Tiên nhưng cuộc gặp gỡ với nhiều kỳ vọng tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bị đổ vỡ.
Triều Tiên cảm thấy bị lừa dối, mặc dù họ đã thực hiện các bước đối ứng đó là dừng hoàn toàn các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân nhưng Mỹ yêu cầu phải hơn thế, đó là ngay lập tức, Triều Tiên phải phá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và các cơ sở nghiên cứu, sản xuất hạt nhân hiện có cũng như các loại tên lửa đạn đạo để đổi lấy việc Mỹ xóa bỏ hoàn toàn cấm vận với nước này.
Cuộc đàm phán Mỹ - Triều đã tại Hà Nội đã đổ vỡ, và Triều Tiên muốn làm một cái gì đó để làm "tỉnh ngủ" nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump bằng một vụ thử tên lửa, nhưng không đẩy tình hình đi quá xa, phù hợp với thần của thỏa thuận năm ngoái giữa Trump và Kim được ký kết tại Singapore đó là: không thử nghiệm tên lửa đạn đạo và không cho nổ thử bom hạt nhân.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ thử nghiệm vũ khí chiến thuật mới hôm 17/4
"Cái tát cực mạnh" cho các cơ quan tình báo
Kim Dong-Yub, nhà phân tích quân sự cao cấp tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc đại học Kyungnam, Hàn Quốc tin rằng: Vũ khí được thử nghiệm rất có thể là tên lửa hành trình có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Kim Dong-Yub cũng đánh giá tham vọng của Triều Tiên đang nỗ lực chế tạo ra một vũ khí tương tự như tên lửa hành trình Iskander của Nga, vốn đã trở thành công cụ ngoại giao quyền lực của Moscow trong những năm gần đây.
Những đặc tính kỹ chiến thuật của loại tên lửa Iskander như có thể thay đổi quỹ đạo bay, tốc độ bay và thời gian chuẩn bị phóng nhanh là tiêu chuẩn để Triều Tiên phát triển loại tên lửa chiến thuật mới của họ.
Theo cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc, các chuyên gia quân sự của Triều Tiên rất có thể đã tiếp cận được hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-E ở Algeria mà Nga đã xuất khẩu cho quốc gia này vào tháng 9/2017.
Mặc dù Triều Tiên nhận thức đầy đủ về việc Mỹ nắm chắc chương trình tên lửa và hạt nhân của họ và hiểu rằng, Mỹ sẽ bằng mọi cách kiên quyết ngăn chặn Triều Tiên phát triển các loại tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Nếu Washington có thông tin chính xác Bình Nhưỡng đã (hoặc chuẩn bị) sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với đầu đạn hạt nhân, đây sẽ là cái cớ để Mỹ tiến hành chiến tranh với Triều Tiên.
Dù Triều Tiên có tiến hành thử tên lửa chiến thuật tầm ngắn và tầm trung thì điều này cũng không gây phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ, tuy nhiên những hệ thống tên lửa chiến thuật mới của Triều Tiên là mối đe dọa chết người đối với các căn cứ quân sự của Mỹ và cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng ở phía nam vĩ tuyến 38.
Bên cạnh đó các chuyên gia quân sự Mỹ còn cho rằng Triều Tiên chưa có thể sở hữu những tên lửa hành trình có cấu tạo tinh vi như loại tên lửa Iskander của Nga vì xét về góc độ kỹ thuật thì tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo có công nghệ hoàn toàn khác nhau.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok trong chuyến thăm chính thức đến Nga
Triều Tiên có thể thành công trong việc phát triển các loại tên lửa đạn đạo dựa trên công nghệ tên lửa Scud của Liên Xô (trước kia), nhưng công nghệ tên lửa hành trình là loại hoàn toàn khác biệt, mà chỉ một số ít quốc gia sở hữu.
Nhưng nếu Triều Tiên vừa qua tiến hành thử thành công tên lửa hành trình chiến thuật, thì điều này có nghĩa là một "cái tát cực mạnh" cho các cơ quan tình báo ở nước ngoài, nhất là các cơ quan tình báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, những quốc gia đang bố trí tất cả những gì hiện đại nhất có thể để trinh sát, phát hiện các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Một điểm thú vị khác: Việc Triều Tiên thử thành công tên lửa chiến thuật vừa qua cũng là thông điệp của Bình Nhưỡng gửi tới các quốc gia khác đang muốn có những vũ khí như vậy; có nhu cầu ắt có nguồn cung và điều đó với Mỹ là không thể chấp nhận.
Thông điệp cũ tiếp tục được Nhà Trắng phát lại: Mỹ sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng phá bỏ hoàn toàn tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, không có cách nào để mong đợi một quyết định khác từ Washington, đây cũng là nút thắt trong giải quyết mối quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên.
Ý định thực tế của Triều Tiên?
Hiện nay còn quá sớm để nói về việc tạo ra một phiên bản Iskander hoàn chỉnh của Triều Tiên; nhưng quốc gia này đã cho thấy khả năng của họ trong lĩnh vực phát triển tên lửa hành trình, được phóng đi từ các bệ phóng di động.
Điều đáng chú ý là cuộc thử nghiệm diễn ra trước thềm cuộc gặp cấp cao giữa Putin và Kim Jong-un tại Vladivostok (Nga) vào ngày 26, 27 tháng Tư vừa qua.
Có lẽ Bình Nhưỡng đã quyết định giải quyết một loạt các nhiệm vụ quốc tế bằng những giải pháp "tuy không mới nhưng chẳng bao giờ cũ" của họ, đó chính là thử tên lửa, nhằm các mục đích:
Trước hết, họ loại Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người được Bình Nhưỡng cho là có đường lối cứng rắn với Triều Tiên ra khỏi đoàn đàm phán về tên lửa và hạt nhân với nước này.
Thứ hai, họ muốn chứng minh với ông Trump rằng, Mỹ không còn quá nguy hiểm với Triều Tiên như cách đây vài năm.
Thứ ba, Washington nên tự giác dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các điều khoản của Bình Nhưỡng, nếu không Triều Tiên có quyền xuất khẩu vũ khí tên lửa hiện đại cho các quốc gia mà Mỹ cho là thù địch.
Thứ tư, trước cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Triều, Kim Jong-un cho Putin thấy rằng, bản thân ông cũng là một người có quan điểm cứng rắn, giống như Tổng thống Nga./.
Triều Tiên phóng thử tên lửa KN-06 ngày 27/5/2017