Quản Trọng (725 TCN – 645 TCN) là nhà chính trị gia, nhà tư tưởng, quân sự nổi tiếng Trung Hoa thời Xuân Thu.
Với vai trò là Tể tướng của Tề quốc, Quản Trọng đã giúp kinh tế của triều đại này phát triển vượt trội. Nhưng ít ai biết rằng, một trong những "bí quyết" giúp nước Tề "ăn nên làm ra" lại là chính sách… mở kỹ viện.
Phát triển kinh tế nhờ... kỹ nữ
Sinh thời, Quản Trọng quan niệm rằng muốn trị quốc trước hết phải làm cho dân giàu, bởi cuộc sống của bách tính được cải thiện thì thực lực của quốc gia mới được đề cao. Đây cũng chính là cái gốc của đạo lý: "Kho lương đầy rồi mới biết lễ tiết, cơm áo đủ rồi mới biết vinh nhục."
Hiểu được đạo lý ấy, Quản Trọng thi hành nhiều chính sách cải cách kinh tế, trong đó có việc bố trí "Nữ lư".
Tranh vẽ chân dung Quản Trọng - chủ nhân của sáng kiến "hợp pháp hóa" kỹ viện. (Tranh: nguồn internet).
Tương truyền rằng, lúc bấy giờ, Tề Hoàn công vời Quản Trọng đến và hỏi: "Làm sao để có của đủ dùng trong nước?".
Quản Trọng liền hiến kế: "Khai mỏ để đúc tiền, nấu nước biển làm muối cho lợi chung cả thiên hạ, buôn để một chỗ, đợt dịp cao mà bán ra lấy lãi, lập 330 nhà nữ lư cho khách buôn bán đi lại tụ tập…"
Các tụ điểm "nữ lư" được coi như tiền thân của thanh lâu, kỹ viện "làm mưa làm gió" trong xã hội Trung Hoa cổ đại. (Tranh minh họa).
Theo đó, "nữ lư" chính là nhà chứa kỹ nữ để du khách mua vui. Việc thiết lập những hình thức "buôn phấn bán hương" theo tụ điểm này đã thể hiện sự tán thành, chấp nhận, thậm chí hợp pháp hóa kỹ viện của triều đình Tề quốc lúc bấy giờ.
"Chiến Quốc sách" có ghi lại: "Trong cung của Tề Hoàn công có 7 khu chợ tình dục, hơn 700 kỹ nữ tựa cửa đón khách hằng ngày". Đây cũng được coi là những ghi chép đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa về kỹ nữ, thậm chí sớm hơn phương Tây ít nhất nửa thế kỷ.
"Buôn phấn bán hương" vì lợi ích
Theo Quản Trọng, việc bố trí những "nhà thổ" này mang lại không ít những lợi ích to lớn cho nền kinh tế đất nước.
Thứ nhất: Kiếm tiền cho ngân khố quốc gia từ tiền thu được của kỹ nữ bằng cách bồi dưỡng và huấn luyện ca kỹ, để tầng lớp này làm việc trong nước hoặc "phân phối" sang các nước láng giềng, chư hầu, lợi dụng họ để thu về "lợi nhuận" kinh tế hoặc "phi kinh tế" (thông tin).
Việc hợp pháp hóa dạng nghề "buôn phấn bán hương" trên tạo ra động lực thúc đẩy cho kinh tế Tề quốc. (Ảnh minh họa).
Một học giả thời nhà Thanh khi viết về việc này có nói: "Quản Trọng cải cách nhà Tề, thiết lập khu chợ kỹ nữ hơn 700 người, trưng thu tiền mà họ kiếm được đem nộp vào quốc khố".
Theo đó, các kỹ nữ nơi đây sẽ thu hút nhiều danh sĩ nước khác đổ về. Điều này không chỉ thu hút được nguồn tiền và còn mang lại nhiều cơ hội buôn bán lớn và nhiều nguồn thông tin hữu ích.
Nhờ đó, triều đình thu về khoản lợi khổng lồ từ tiền của kỹ nữ và từ nguồn vốn đầu tư của chư hầu.
Sự thành công trong mô hình "nữ lư" của nước Tề đã nhanh chóng được các nước khác học tập, biến "kỹ nữ" trở thành một ngành nghề công khai và hợp pháp trên hầu khắp lãnh thổ Trung Hoa.
Thứ hai: Giải quyết những nhu cầu và mâu thuẫn cơ bản trong xã hội.
Thời bấy giờ, rất nhiều đàn ông Tề quốc không có điều kiện cưới vợ, cũng không có nơi để "giải quyết nhu cầu sinh lý". Trong khi đó, Tề Hoàn công liên tục tổ chức các cuộc chinh chiến, thu về một số lượng lớn chiến lợi phẩm là các nữ nô lệ.
Theo Quản Trọng, kỹ viện không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn có nhiều tác dụng trong việc điều tiết xã hội. (Tranh minh họa).
Bởi vậy, việc hình thành những khu chợ kỹ nữ đã đáp ứng được yêu cầu của cả hai nhóm đối tượng trên.
Thứ ba: Mời chào các du sĩ, chiêu mộ nhân tài, dùng người đẹp để giữ chân người cũ, lôi kéo người mới.
"Binh pháp tôn tử" còn có "mỹ nhân kế", đem mỹ nữ tặng cho địch, dùng gái đẹp để làm rối loạn quân thù. (Tranh minh họa).
Bước đi này của Quản Trọng đã nhìn thấu một thực tế "anh hùng khó qua ải mỹ nhân".
Sau này, chính sách mở kỹ viện cũng được nhiều quốc gia noi theo, thậm chí trở thành một ngành nghề trong xã hội Trung Hoa cổ đại. Quản Trọng cũng vì vậy mà tôn sùng là... "tổ nghề" của nghề kỹ nữ.