Phác Bất Hoa (Park Bul-hwa) vốn gốc Cao Ly, được lịch sử ghi nhận là thái giám ngoại quốc đầu tiên tại Trung Quốc và cũng là sủng thần bậc nhất dưới thời Nguyên Thuận Đế.
Nhờ công "mai mối" Thuận Đế cho Kỳ Lạc Hoàng hậu (Ki -Yang), Phác Bất Hoa nhanh chóng thăng tiến, thậm chí trở thành quyền than khuynh đảo triều đình, lũng đoạn dân chúng.
Thái giám ngoại quốc "đệ nhất" Trung Quốc
Sinh vào những năm đầu của thời Nguyên Văn Tông, năm mới lên 7 tuổi, Phác Bất Hoa "ngẫu nhiên" bị tịnh thân. Kể từ đó, đứa trẻ Cao Ly năm ấy đã bén duyên với hoàng cung, trở thành một tiểu thái giám của triều đình nhà Nguyên.
Khi mới bước chân vào hoàng cung, Phác Bất Hoa chỉ là một hoạn quan "vô danh tiểu tốt", chủ yếu làm tạp vụ với các công việc chính là gánh nước pha trà và quét dọn bàn ghế.
Không lâu sau đó, tiểu thái giám họ Phác vô tình quen biết và nhanh chóng thân thiết với cô bé Kỳ Lạc – người trở thành ái thếp của Hoàng tử Thỏa Hoan sau này.
Khi lớn lên, Kỳ Lạc lọt vào mắt xanh của con trai vua Văn Tông – tức Hoàng tử Thảo Hoan Thiết Mộc Nhĩ và được thu nạp vào phủ. (Chân dung Hoàng hậu Kỳ Lạc).
Không lâu sau khi Hoàng tử Thỏa Hoan lên ngôi, trở thành Nguyên Thuận Đế, Kỳ Lạc cũng trở thành vị Hoàng hậu của Nguyên triều.
Nhờ có mối giao tình với Kỳ Lạc, Phác Bất Hoa nhanh chóng được cất nhắc. Từ một thái giám "dị quốc" vô danh tiểu tốt, họ Phác sau này được vào làm việc trong cung của Hoàng hậu, còn được tấn thăng làm Vinh Lộc Đại phu kiêm Tư Chính Viện Sứ.
Từ Chính Viện vốn là cơ quan quản lý tài chính trung ương dưới thời nhà Nguyên, tương đương với Bộ Tài chính hiện nay. Được làm việc tại cơ quan này, Phác Bất Hoa chẳng khác nào "chuột sa chĩnh gạo".
Có Hoàng hậu nâng đỡ, hoạn quan người Cao Ly này chiếm được cả lòng tin của Hoàng đế, nhanh chóng bước vào con đường tắt để đi tới trung tâm quyền lực của Nguyên triều.
Tranh chân dung thái giám có quốc tịch Cao Ly - Phác Bất Hoa. (Nguồn internet).
Thuận Đế vốn chán ghét chính sự, yêu thích hưởng lạc, Phác Bất Hoa càng được dịp can dự sâu vào chuyện triều chính, thậm chí trở nên chuyên quyền, độc đoán.
Lúc bấy giờ, phàm là việc thăng quan, bãi chức của các quan lại lớn nhỏ, đều phải qua tay Phác Bất Hoa. Ngay tới các chế định của Nguyên triều cũng nằm trong quyền quyết định của thái giám ngoại quốc này.
Cũng bởi vây cánh của hoạn quan ỷ thế làm bậy, Nguyên triều lúc bấy giờ không có lấy một ngày yên ổn, triều chính rối ren, các thế lực phản loạn liên tục nổi dậy, bách tính lầm than…
Thấy thế lực của mình đã lớn mạnh, lại lợi dụng tình cảnh nội bộ hỗn loạn, Phác Bất Hoa từ sớm đã liên thủ cùng Hoàng hậu Kỳ Lạc và thân tín là Tể tướng Sóc Tư Giám để lên kế hoạch ép Thuận Đế nhường ngôi cho Thái tử.
Mối giao tình của Phác Bất Hoa và Hoàng hậu Kỳ Lạc từng được đưa lên màn ảnh nhỏ qua một số bộ phim. (Ảnh: Phim Hoàng hậu Ki).
Tuy nhiên, khi âm mưu chưa thành, họ Phác này đã bị tố giác và chết thảm trong ngục. Phác Bất Hoa vừa chết không lâu, quân khởi nghĩa của Chu Nguyên Chương đã đánh tới kinh đô.
Mắt thấy cơ nghiệp Nguyên triều đã không thể cứu vãn, Nguyên Thuận Đế uất hận nói với Kỳ Lạc và Thái tử: "Thiên hạ của nhà Nguyên bị hủy trong tay mẹ con nhà ngươi rồi!"
Kỳ thật, nguyên nhân trực tiếp khiến Nguyên triều trượt dài trên con đường diệt vong âu cũng tại Thuận Đế quá tin tưởng hoạn quan ngoại quốc Phác Bất Hoa mà ra.
Cái chết của thái giám ngoại quốc đầu tiên tại Trung Quốc này đã kéo sự diệt vong của vương triều ngoại tộc hùng mạnh và hiếu chiến nổi tiếng trong lịch sử.
Phác Bất Hoa là chủ nhân của tuyệt kỹ "Quỳ Hoa bảo điển"?
Không chỉ là nhân vật "máu mặt" trên võ đài chính trị, nhiều người còn tin rằng Phác Bất Hoa là một "cao thủ võ lâm", thậm chí còn chính là tác giả của bí kíp nổi tiếng – "Quỳ Hoa bảo điển".
Trên thực tế, sự tồn tại của "Quỳ Hoa bảo điển" tới nay vẫn là một ẩn số gây nhiều tranh cãi.
Có một số ý kiến cho rằng "Quỳ Hoa bảo điển" là do cặp vợ chồng tiền nhân phái Hoa Sơn sáng tạo nên. Số khác lại khẳng định tuyệt kỹ võ công ấy thực chất là tác phẩm của một thái giám trong cung vua, nên muốn luyện thành thì việc đầu tiên là phải "dẫn đao tự cung" (tự thiến).
Bí kíp võ công này cũng được Kim Dung đề cập trong tiểu thuyết "Tiếu ngạo giang hồ". Nhiều người khẳng định bộ truyện này lấy bối cảnh thời đại nhà Thanh.
"Tiếu ngạo giang hồ" cũng có đoạn phương trượng Thiếu Lâm đánh giá "Quỳ Hoa bảo điển" là thứ võ công "ba trăm năm qua chưa có ai đủ sức luyện thành".
Phải chăng, tuyệt kỹ "Quỳ Hoa bảo điển" chính là món võ công bảo bối do Phác Bất Hoa sáng tạo và lưu truyền? (Ảnh minh họa).
Như vậy, nếu dựa vào niên đại của Thanh triều, "ba trăm năm trước" trong câu nói của phương trượng chính là giai đoạn cuối triều đại nhà Nguyên, vừa vặn trùng hợp với thời đại "làm mưa làm gió" của Phác Bất Hoa.
Bởi vậy, nhiều người tin rằng Phác Bất Hoa chính là "Quỳ Hoa lão tổ", chủ nhân của tuyệt kỹ từng gây náo loạn giang hồ - Quỳ Hoa bảo điển.
Tuy nhiên, có nhiều nhà nghiên cứu võ thuật đã lên tiếng phủ nhận sự tồn tại của "Quỳ Hoa bảo điển".
Bản thân nhà văn Kim Dung cũng khẳng định tác phẩm "Tiếu ngạo giang hồ" của mình chỉ tạo dựng nên một khung cảnh võ hiệp mang hơi hướng cổ trang, chứ không lấy nguyên mẫu từ triều đại cụ thể nào.
Do đó, việc Phác Bất Hoa có thực sự là "cao thủ võ lâm" sáng tạo nên "Quỳ Hoa bảo điển" hay không cho tới nay vẫn còn là một ẩn số.