Chu Nguyên Chương khiến hậu thế "choáng" bởi tài... trấn lột

Trần Quỳnh |

Là một trong những hào phú nổi danh Trung Hoa, nhưng Thẩm Vạn Tam và gia tộc của mình vẫn không thoát khỏi độc chiêu bòn rút, trấn lột của Chu Nguyên Chương.

Kinh qua hàng thế kỷ với vô số biến động, vị phú hộ Thẩm Vạn Tam vẫn được hậu thế nhắc tới như một biểu tương về sự giàu có chân chính trong lịch sử Trung Hoa.

Tên gọi bắt nguồn từ độ giàu có

Vị phú hộ uy chấn Minh triều này vốn có tên là Thẩm Phú. Tương truyền rằng, người đời thường gọi ông là "Thẩm Vạn Tam", trong đó hai chữ "Vạn" và "Tam" là "kính ngữ" để chỉ sự giàu có.

Vào thời bấy giờ, người đương thời vẫn thường thêm chữ "Vạn" vào sau họ của những thương nhân, phú hộ quyền quý và coi đó là cách gọi cung kính.

Chu Nguyên Chương khiến hậu thế choáng bởi tài... trấn lột - Ảnh 1.

Theo phỏng đoán của các nhà sử học hiện đại, số gia tài của Thẩm Vạn Tam vào thời điểm cao nhất lên tới 2 tỷ lạng bạc, tương đương với 600 NDT hiện hành. (Tranh chân dung Thẩm Vạn Tam).

Về mức độ giàu có, người bấy giờ xếp thành năm bậc theo thứ tự là "Kỳ, cơ, lang, quan, tú". Trong đó "kỳ" là hàng thấp nhất, "tú" là bậc cao nhất.

Người được gọi kèm với chữ "tú" đồng nghĩa với việc gia sản đã có ngoài bạc triệu. Gia tài của Thẩm Vạn Tam lên tới con số hàng tỉ, là tài phú giàu có thứ 3 của Minh triều lúc bấy giờ.

Bởi vậy, ông thường được gọi bằng cái tên là "Thẩm Vạn Tú", và phổ biến nhất là "Thẩm Vạn Tam".

Cắn răng chịu Hoàng đế... trấn lột

Sau khi Chu Nguyên Chương đánh hạ vùng Chiết Giang, Thẩm Vạn Tam cùng em trai Vạn Tứ là hai hào phú đầu tiên ở nơi đây quy hàng nghĩa quân, thậm chí còn quyên góp "2 vạn đảm lương thực (1 đảm = 25kg), dâng 5200 lượng bạc", coi đó là "tiền phò tá".

"Lưu Thanh nhật trát" có ghi lại: "Quân lương của Thái Tổ chủ yếu lấy từ hai chỗ này".

Vậy nhưng, sự quy thuận từ phía Thẩm Vạn Tam lại khơi gợi lên lòng tham không đáy của Chu Nguyên Chương. Sau khi lên ngôi, Minh Thái Tổ tìm mọi cách để "bòn rút", "trấn lột" miếng mồi béo bở này.

Trong "Bích Lý tạp tồn" mục "Thẩm Vạn Tam phú", học giả Đổng Cốc ghi lại:

Có lần Chu Nguyên Chương triệu kiến Thẩm Vạn Tam vào ngày nguyệt sóc (mùng một âm lịch), trao cho 1 đồng tiền và muốn ông phải khiến đồng tiền đó "sinh lời", sang ngày tiếp theo sẽ tăng lên 2 đồng, ngày thứ 3 tăng thành 4 đồng, thu lãi về theo cấp số nhân như vậy.

Thẩm Vạn Tam thấy số tiền này nhỏ, liền vui vẻ nhận lời. Nhưng sau khi về nhà tính toán, vị phú hộ này mới vỡ lẽ trước thủ đoạn "bòn rút" của Hoàng đế.

Theo như cách tính trên, một tháng sau khi Chu Nguyên Chương bỏ ra số vốn là 1 đồng tiền, số tiền lãi mà vị Hoàng đế này thu về từ chỗ Thẩm phú hộ lên tới 536.879.912 đồng.

Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, vào những năm Hồng Vũ, cứ 160 đồng tiền thì được tính là 1/2kg. Như vậy, số tiền Chu Nguyên Chương "trấn lột" của Thẩm Vạn Ba nặng tới 1.677.721kg.

Chu Nguyên Chương khiến hậu thế choáng bởi tài... trấn lột - Ảnh 2.

Không chỉ dùng thủ đoạn để móc hầu bao của Thẩm Vạn Tam, Chu Nguyên Chương "trấn lột" không tiếc tay với vị phú hộ giàu thứ ba Đại Minh này. (Tranh minh họa: nguồn internet).

Một lần khác, Minh Thái Tổ lại triệu kiến Thẩm Vạn Tam, ép ông "dâng 1000 đĩnh bạc, 100 cân vàng", còn hạ lệnh bắt Thẩm phú hộ xây 650 đoạn hành lang, nuôi hơn 10 đội ngựa chiến.

Chưa dừng lại ở đó, Chu Nguyên Chương còn áp dụng thuế trưng thu riêng với gia tộc họ Thẩm. Theo đó, mỗi mẫu ruộng thuộc sở hữu của Thẩm gia phải nộp lên cho triều đình 9 đấu 13 thăng thóc, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung lúc bấy giờ.

Thẩm Vạn Tam vốn hiểu đạo lý "cây to đón gió lớn", liền chủ động dâng của cải để đổi lấy bình an.

Năm 1373, hay tin  thành Nam Kinh xây tường công sự, ông tình nguyện gánh vác nhân lực và vật lực để xây đoạn thành từ Hồng Vũ Môn tới Tây Môn.

Tường thành Nam Kinh được xây dựng ròng rã 21 năm mới hoàn thành. Cho tới nay, công trình này là tường thành cổ dài nhất được còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn trên thế giới.

Lúc bấy giờ, khối lượng tường thành mà Thẩm Vạn Ba tình nguyện phụ trách chiếm 1/3 tổng số công trình cần thi công, hơn nữa lại hoàn thành đúng thời hạn. Điều này đủ để chứng minh sức mạnh tài lực của Thẩm gia lúc bấy giờ.

Kết cục "chạy trời không khỏi nắng"

Về phương thức làm giàu của họ Thẩm, các nhà nghiên cứu ngày nay chủ yếu hướng tới hai giả thuyết. Thứ nhất là gia tộc này đi lên từ việc khai khẩn. Thứ hai là Thẩm gia làm giàu nhờ mậu dịch với hải ngoại.

Theo các giai thoại dân gian, sở dĩ Thẩm Vạn Tam giàu có như vậy là nhờ có trong tay báu vật mang tên "tụ bảo bồn". Tương truyền rằng, chiếc chậu châu báu này thần kỳ tới nỗi bất cứ thì gì bỏ vào trong nó, khi lấy ra cũng đều trở thành trân bảo, của quý.

Sau này, Chu Nguyên Chương muốn tru  sát Thẩm gia, liền đưa ra yêu sách giao "tụ bảo bồn" để đổi lấy tính mạng. Hậu nhân của Thẩm Vạn Tam không còn cách nào khác phải dâng chậu châu báu cho Hoàng đế, Chu Nguyên Chương liền đem vật đó bí mật chôn dưới tường thành.

Chu Nguyên Chương khiến hậu thế choáng bởi tài... trấn lột - Ảnh 3.

Nổi danh về độ giàu có "khét tiếng", nhưng Hòa Thân và gia tộc Thẩm Vạn Tam đều phải chịu những kết cục vô cùng bi thảm. (Tranh: nguồn internet).

Sau khi Chu Nguyên Chương thống nhất thiên hạ, gia tộc của Thẩm Vạn Tam dần trở thành cái gai trong mắt Hoàng đế. Trải qua nhiều lần gây sức ép từ phía triều đình, gia sản của Thẩm gia giảm xuống chỉ còn một nửa so với trước.

Những năm từ 1370 đến 1373, Minh Thái Tổ áp dụng nhiều chính sách khắc nghiệt với giới nhà giàu tại Giang Nam. Từ đó về sau, gia tộc họ Thẩm không còn cơ hội để gượng dậy. Tới năm 1386, hai cháu trai của Thẩm Vạn Tam là Thẩm Chí và Thẩm Trang bị bỏ tù.

Thẩm Chí bị bắt do tội danh trốn thuế khóa lao dịch, còn Thẩm Trang bị quy là đồng lõa của "Hồ đảng" (tức phe phái của Hồ Duy Dung – Tể tướng từng định ám sát Chu Nguyên Chương).

Sau khi hai người này phải chạy vạy không ít tiền của mới có thể thoát khỏi vòng lao ngục, thì tới năm 1389, con dâu của Thẩm Vạn Tam lại bị khép vào tội đồng lõa cùng "Hồ đảng". Vì tội danh này, phần lớn gia tài của nhà họ Thẩm bị tịch thu, con dâu cũng bị triều đình xử tử.

Lần đả kích cuối cùng của triều đình với gia tộc họ Thẩm xảy ra vào năm 1398. Thẩm gia bị triều đình khép vào tội tư thông cùng "Lam đảng", con trai và cháu đích tôn của Thẩm Vạn Tam đều bị tử hình, còn liên đới tới hơn 80 người trong gia tộc.

Vậy mới thấy, ngay cả khi dâng lên cơ nghiệp "nứt đố đổ vách" của mình để Chu Nguyên Chương bòn rút, Thẩm Vạn Tam và gia tộc họ Thẩm vẫn không thoát khỏi kết cục bi thảm dưới tay vị Hoàng đế này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại