Bậc "tiền bối" về thủ đoạn tham ô
Khi Võ Tông còn ở ngôi Thái tử, Lưu Cẩn là hoạn quan thân tín hầu hạ bên cạnh. Tới lúc Võ Tông đăng cơ, họ Lưu này cũng "một bước lên trời", trở thành người đứng đầu trong hàng ngũ "Bát hổ" – tập đoàn 8 thái giám lộng hành quyền lực nhất triều đình lúc bấy giờ.
Do hầu hạ Võ Tông từ lúc còn chưa lên ngôi nên Lưu Cẩn rất được nhà vua quý trọng, phong làm Tư lễ giám, chuyện phê duyệt sớ của các quan tấu trình. Với chức quan đó, Lưu Cẩn giả mệnh hoàng đế tự ý định đoạt mọi công việc trong nước.
Thái giám họ Lưu này dẫn dắt Hoàng đế trẻ tuổi vào con đường sa đọa để từng bước chiếm đoạt quyền hành. (Bức họa được cho là chân dung Lưu Cẩn: nguồn internet).
Từ cổ chí kim, đàn ông vốn dĩ coi trọng ba thứ là tài – sắc – quyền. Nhưng Lưu Cẩn vốn là thái giám, cũng không được tính là đấng nam tử, nên họ Lưu này để tâm chỉ có quyền lực và tiền bạc.
Về quyền lực, Lưu Cẩn lúc bấy giờ ở vào địa vị "dưới một người, trên vạn người". Dân gian khi đó gọi họ Lưu này là "Hoàng đế đứng", ám chỉ quyền lực của y, để phân biệt với "Hoàng đế ngồi" là Võ Tông.
Sau khi nắm được quyền hành, thái giám họ Lưu này lại đi vào vết xe đổ của nhiều quyền thần, tham quan khác. Lưu Cẩn bắt đầu nhận hối lộ, tự ý đặt ra nhiều sưu cao, thuế nặng trong giới quan lại để tham ô.
Lưu Cẩn vốn có tham vọng rất lớn với tiền bạc. Phàm là ai hối lộ, dù ít hay nhiều, y đều không từ chối, thậm chí còn không ít lần "tống tiền" người khác.
Bất cứ vị quan lớn nhỏ nào thăng chức, muốn có được thánh chỉ thăng cấp thì phải nộp "tiền hạ ấn" cho Lưu Cẩn, nếu không đưa ra sẽ bị giáng cấp và "đá" ra khỏi kinh thành.
Ngược lại, nếu có kẻ hối lộ cho y nhiều tiền bạc, chẳng bao lâu sau sẽ nhanh chóng thăng quan tiến chức, thậm chí còn "một bước lên trời".
Các quan lại địa phương muốn vào kinh, trước nhất đều phải dâng cho Lưu Cẩn số tiền gọi là "lễ bái kiến", người lên chức thì phải dâng "lễ tạ ơn". Cứ như vậy, quan trường trở thành thương trường, còn chức vị cũng trở thành vật phẩm để họ Lưu này tùy ý buôn bán.
Tranh ngôi "giàu nhất thiên hạ" cùng Hòa Thân
Nhân vật Hòa Thân trong phim truyền hình Tể tướng Lưu Gù.
Trong lịch sử Trung Hoa, Lưu Cẩn và Hòa Thân là hai nhân vật hiếm hoi được người đời dùng danh hiệu "giàu nhất thiên hạ" để nhắc tới. Vậy trong hai tham quan ấy, ai mới là người "đệ nhất"?
"Thanh triều dã sử" trong mục "Hòa Thân gia tài" có ghi, gia tài của đại tham quan này lên tới con số 1,1 tỷ, "bằng 15 năm quốc khố nhà Thanh", "phòng ốc, ruộng vườn, cửa hàng vô số".
Mà "Nhị thập nhỉ sử trát ký" khi công khai gia tài của hoạn quan Lưu Cẩn có viết: Họ Lưu này sở hữu "250 vạn lượng vàng, 5000 vạn lượng bạc trắng có dư, đồ trân bảo, châu báu nhiều không đếm hết."
Tiền tài của Hòa Thân không chỉ thu về từ việc tham ô. Đại tham quan họ Hòa này còn liên tục đổ vốn đầu tư vào nhiều ngành nghề có lãi như bấy giờ.
So với một người có năng khiếu bẩm sinh về tiền bạc là Hòa Thân, một kẻ chỉ biết tham ô, không biết đầu tư như Lưu Cẩn "kém giàu" hơn cũng là điều dễ hiểu.
Mặc dù thua kém Hòa Thân, nhưng khối tài sản khổng lồ của Lưu Cẩn cũng đủ để xếp vào hàng giàu nhất nhì Trung Hoa xưa. (Ảnh minh họa).
Tuy vậy, vào năm 2001, Lưu Cẩn đã được Asian Wall Street Journal đưa vào danh sách 50 nhân vật giàu nhất toàn cầu trong 1000 năm qua.
Trong lịch sử Trung Quốc, nếu Hòa Thân là "đệ nhất tham quan" của mọi triều đại, thì danh hiệu "đệ nhị" lại không ai khác chính là Lưu Cẩn.