Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thông báo, Matxcơva đã nhận được lời giải thích của Washington về động cơ triển khai tạm thời các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Romania. Hiện các thông tin liên quan đang được Nga nghiên cứu.
Tại buổi họp báo ngày 26/4, Thứ trưởng Ryabkov cho biết, theo văn bản của Washington, các hệ thống THAAD của Mỹ chỉ được bố trí tạm thời ở Romania trong thời gian kiểm tra kỹ thuật và hiện đại hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa sẵn có tại nước này.
Đầu tháng 4 vừa qua, có thông tin rằng Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại Romania theo yêu cầu của NATO. Tổ hợp mặt đất cơ động này sẽ tạm thay thế hệ thống chiến đấu Aegis Ashore đang trong quá trình hiện đại hóa.
Ngoài ra, một đơn vị phòng không của Mỹ cũng sẽ được điều động đến đây để tăng cường cho hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO.
Hồi tháng 2, Ba Lan thông báo đã mua hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua việc chuyển giao cho Warsaw 20 hệ thống phóng rocket di động này với tổng trị giá 655 triệu USD.
Một tháng sau, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã công bố ý định sẽ xây dựng tại Ba Lan một kho vật tư lưu trữ các trang thiết bị, vũ khí quân sự của Mỹ nhằm mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại đất nước này.
Không những thế, chính quyền Cộng hoà Séc trước đó cũng đã cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của mình.
Việc Mỹ liên tục triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đến các quốc gia Đông Âu, nhất là sau khi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đổ vỡ, khiến Nga không thể không lo lắng. Bởi bề ngoài có thể Mỹ nói là vì mục đích phòng thủ, nhưng sâu xa lại tiềm ẩn mối đe dọa tấn công tên lửa nhằm vào lãnh thổ nước Nga.