Kênh truyền hình Sky News của Anh mới đây đưa tin về việc Anh gửi tới Estonia 5 máy bay trực thăng tấn công Apache với hy vọng sẽ là “nhân tố ngăn chặn mối đe dọa tiềm tàng” đến từ phía Nga.
Những chiếc máy Apache mới được điều động đến sẽ nhận được sự hỗ trợ tại chỗ của những chiếc máy bay trực thăng trinh sát Wildcat. Được biết, cùng với Apache, Wildcat cũng là một phần trong chương trình tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO tại khu vực Đông Âu.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson, khẳng định rằng việc triển khai các máy bay trực thăng tấn công đến Estonia có tầm quan trọng “sống còn”.
Trích dẫn lời của Bộ trưởng Williamson, kênh Sky News cho biết: “Hiện chúng ta đang chứng kiến một mối đe dọa hiện hữu đến từ phía Nga. Một trong những lý do khiến chúng ta phải triển khai 5 chiếc máy bay trực thăng tấn công Apache là chúng ta phải liên tục thích nghi với tình hình thay đổi”.
Được mệnh danh là “cơn ác mộng” trên không, AH-64 Apache được coi là chiếc máy bay trực thăng tấn công mạnh nhất trên thế giới. Pháo tự động M230E1 có thể khóa ở vị trí bắn cố định phía trước theo kính ngắm của xạ thủ hoặc có thể được kiểm soát bởi hệ thống theo dõi và chỉ thị mục tiêu (Target Acquisition and Designation System - TADS).
Ngoài pháo ở mũi máy bay, chúng còn trang bị tên lửa diệt tăng AGM-114 Hellfire, hỏa tiễn phóng loạt, tên lửa phòng không AIM-9 Sidewinder, tên lửa chống radar AGM-122 Sidearm và cả bom hạng nhẹ khi cần thiết.
Tờ Daily Star của Anh đưa tin rằng hai tiểu đoàn thuộc lực lượng đặc nhiệm Anh (SAS) đã được triển khai tới Estonia 6 tháng trước và đang theo dõi sát sao “động thái của Nga” ở khu vực biên giới.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw năm 2016, Liên minh NATO đã thông qua quyết định triển khai các tiểu đoàn xoay vòng liên quân đến Latvia, Litva, Estonia và Ba Lan theo yêu cầu của các nước này.
Về phần mình, Matxcơva đã nhiều lần khẳng định rằng Nga sẽ không tấn công bất kỳ quốc gia nào trong Liên minh NATO hay bất cứ quốc gia nào khác. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết với lý do bảo vệ Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, số lượng binh sĩ NATO ở biên giới Nga đã không ngừng tăng lên trong những năm gần đây.