Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho gần 40 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó có 1 bệnh nhi nặng cần phải thở máy. Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé gái (24 ngày tuổi, ở Lạng Sơn). Qua khai thác bệnh sử, gia đình bé gái này cho biết, trước khi nhập viện 20 ngày, mẹ của bệnh nhi có triệu chứng ho, nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ.
Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện trẻ xuất hiện ho húng hắng, không sốt. Sau đó trẻ xuất hiện ho nhiều cơn rũ rượi, trong cơn ho có tím mặt và trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính nên gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ lấy mẫu dịch đường hô hấp để xét nghiệm.
Kết quả, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Hiện sau 5 ngày điều trị, tình trạng trẻ đã cải thiện đáng kể, trẻ giảm ho, ăn ngủ được, dự kiến ra viện trong một vài ngày tới.
TS Trần Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khám và Điều trị ban ngày, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: “Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn”.
Đáng chú ý, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. “Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà , cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trẻ điều trị càng sớm, càng nhanh khỏi bệnh và ít có nguy cơ bị biến chứng”, bác sĩ Hương khuyến cáo.
Đối với các trường hợp điều trị bệnh ho gà tại nhà, bố mẹ lưu ý tuân thủ đúng theo chỉ định điều trị của bác sĩ, không tự ý cho trẻ dùng thuốc, dùng sai liều hay ngưng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ. Thuốc trị ho không có tác dụng trong điều trị bệnh ho gà, đặc biệt không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi, tránh các tác dụng phụ cho trẻ.
Ho gà là bệnh dễ lây lan qua đường không khí, vì vậy cách tốt nhất phòng bệnh ho gà cho trẻ là tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà hoặc nghi ngờ ho gà. Đồng thời tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và cả ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng”.
Theo các chuyên gia dịch tễ, mầm bệnh ho gà vẫn lưu hành trong cộng đồng. Thời tiết thay đổi thuận lợi cho virus, vi khuẩn truyền nhiễm phát triển. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm chủng ho gà giảm do khan hiếm vắc xin thời gian qua dẫn đến có khoảng trống vắc xin, miễn dịch cộng đồng giảm, dịch bệnh gia tăng.
Theo dự báo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô sẽ còn tiếp tục xuất hiện rải rác các ca ho gà, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Ho gà có khả năng truyền bệnh nhanh hơn cảm cúm, trung bình một bệnh nhân có thể lây cho 12-17 người xung quanh.