Ảnh minh họa
Chị Linh Chi (Phương Mai, Hà Nội) có con học lớp mầm non 5 tuổi cho biết, ngay từ chiều tối 8/4, cô giáo chủ nhiệm đã gửi thông báo cho nhóm zalo phụ huynh về kế hoạch trở lại trường của trẻ mầm non, bắt đầu từ thứ Tư tuần sau. Biết tin, cả gia đình ai cũng hồ hởi.
"Nói thật thời gian nghỉ quá lâu khiến trẻ ít được giao tiếp, chơi đùa với bạn, vận động có phần hạn chế làm cha mẹ không yên tâm. Đấy là chưa kể việc không có người trông trẻ khiến gia đình nhiều phen xáo trộn, chạy đôn chạy đáo các nơi để gửi nhờ, ảnh hưởng đến rất nhiều nề nếp sinh hoạt và tâm lý của các con..." – vị phụ huynh này nói.
Bắt đầu từ 13/4 tới đây, người lớn đi làm, trẻ nhỏ đi học, các dịch vụ hàng quán dần mở cửa khôi phục trở lại, cuộc sống bình thường mới đã hiện hữu. Thầy Nguyễn Công Đức – Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh (tại Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, nhà trường đã nhận được thông tin mở cửa trở lại đón các con, có lẽ vui nhất là các thầy cô sắp lại được nghe tiếng véo von của con trẻ, cánh cửa trường học sẽ không còn đóng im ỉm…
Để đảm bảo an toàn cao nhất cho các con khi đến trường, nhà trường sẽ tiến hành khử khuẩn toàn bộ các thiết bị đồ dùng dạy học, chăn nệm, giường ngủ, đồ dùng học sinh... "Chúng tôi cũng sẽ cập nhật tình hình sức khỏe của trẻ cũng như các thành viên trong gia đình; rà soát danh sách học sinh quay trở lại trường sau nghỉ lễ để chuẩn bị môi trường an toàn nhất có thể cho các con. Trường cũng sẽ tổ chức ăn bán trú ngay cho các con để gia đình đỡ phải mất công đưa đón…"- thầy Đức thông tin.
Trường mầm non khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ đón trẻ trở lại trường.
Về vấn đề phòng dịch COVID-19, theo BSCKII. Nguyễn Thị Thùy Dương, BVĐK Hà Đông (Hà Nội), trong trạng thái bình thường mới như hiện nay, việc tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế vẫn là kim chỉ nam để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19 khi trẻ trở lại trường .
"Khi trẻ trở lại trường, việc phát hiện F0 là điều khó tránh khỏi, cha mẹ cùng nhà trường tăng cường giám sát đến học sinh hơn nữa. Trẻ cần mang khẩu trang khi đến trường, mỗi em nên có thêm khẩu trang để dự phòng. Cha mẹ cũng nên chuẩn bị sẵn cho trẻ bình nước uống riêng, không sử dụng chung để hạn chế lây nhiễm" - BS. Dương nói.
BS. Dương cũng lưu ý, do trẻ mầm non là đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 nên việc phòng dịch càng trở nên quan trọng. Nhà trường phải bố trí phòng học thông thoáng, mở cửa sổ, phòng có quạt... Nên phân loại rác, để thùng rác bỏ khẩu trang ra riêng nhằm tránh lây nhiễm cho trẻ, giáo viên và người làm công tác vệ sinh. Giáo viên nên hướng dẫn các em cách vệ sinh, rửa tay sát khuẩn thường xuyên.
Ngoài ra, phụ huynh nên trang bị cho trẻ thêm chai sát trùng khử khuẩn nhỏ bỏ túi để tiện mang theo người. Nhắc nhở trẻ rửa tay, sát khuẩn tay trước khi đến trường, khi về nhà và khi cần thiết. Trước khi trẻ đến lớp hằng ngày, phụ huynh dùng nhiệt kế đo thân nhiệt cho các em, nếu thấy sốt nên cho con ở nhà để theo dõi, xử lý. Trong quá trình học, trẻ nào có các triệu chứng mệt mỏi, ho sốt... cần báo ngay cho giáo viên, người quản lý để được xử lý, theo dõi.
BS. Dương cũng nói thêm: "Việc tiếp xúc gần với F0 trên 15 phút cũng được xem là nguy cơ vì vậy. Khi trẻ được học theo lịch bình thường, nếu có ca nhiễm cần xử lý theo quy định về phòng chống dịch".
Theo quy trình xử trí khi phát hiện F0 trong cơ sở giáo dục, đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu trong lớp học có 1 ca xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với SARS-CoV-2 (F0) thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7.
Các trường hợp xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm tiếp tục theo dõi sức khỏe cho trẻ trong 3 ngày tiếp theo. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác,… hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, phụ huynh/giáo viên chủ nhiệm phải thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã, Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch của nhà trường...