Trẻ khò khè và ho nhiều đờm do COVID-19: Cách xử trí đúng mà cha mẹ cần biết

BSCK1. Trần Văn Công |

Với trẻ nhiễm COVID-19, tình trạng ho nhiều đờm và thở khò khè khiến phụ huynh rất sốt ruột, muốn đưa con đi bệnh viện ngay hoặc muốn cho con uống ngay một loại thuốc để chấm dứt tình trạng này. Vậy điều này có nên không?

1. Rối loạn khò khè do COVID-19, xử trí thế nào?  

Thời gian gần đây, số trẻ mắc COVID-19 ngày càng gia tăng. Theo thống kê, cứ khoảng 3 trẻ dưới 3 tuổi lại có 1 trẻ có tiền sử từng có tình trạng nêu trên, đa số là do cơ địa khò khè tái phát nhiều lần.

Tác nhân kích hoạt trẻ lên cơn khò khè là virus gây bệnh đường hô hấp. COVID-19 cũng là một loại virus đường hô hấp, việc nó kích hoạt trẻ lên cơn khò khè cũng là điều rất bình thường.

Theo hướng dẫn theo dõi COVID-19 trẻ em và người lớn, nếu trẻ có dấu hiệu khó thở, rút lõm ngực thì phải nhập viện. Điều này cũng tương tự như việc trẻ có ho + thở nhanh = viêm phổi (theo chuẩn WHO). Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phải nhập viện, vì nhập viện lúc này có thể làm gia tăng lây nhiễm chéo các bệnh lý khác và gây tình trạng quá tải bệnh viện.

Do vậy, với những trẻ có cơ địa khò khè tái phát, cần luôn chuẩn bị sẵn máy khí dung hoặc buồng đệm, thuốc ventolin xông hoặc xịt... và liên hệ ngay với bác sĩ nhi đang điều trị bệnh cho bé.

Tùy tình trạng của bé, ví dụ như bé các biểu hiện: Ho nhiều, thở nhanh, rút lõm ngực, bác sĩ nhi sẽ cho bé thuốc giãn phế quản, thuốc kháng viêm dạng uống để phân biệt tình trạng này là do phế quản hay do tổn thương nhu mô phổi.

Sau đó tiếp tục theo dõi diễn biến tình trạng của bé thêm rồi mới quyết định đưa bé nhập viện hay không.

2. Trẻ ho nhiều đờm có cần dùng thuốc tiêu đờm, loãng đờm không?

Rất nhiều phụ huynh gọi điện, nhắn tin hỏi về tình trạng con của họ bị ho có đờm, tiếng ho lọc xọc thì cần dùng thuốc gì để tiêu đờm.

Tuy nhiên, thực tế thì không có loại thuốc nào có thể làm tiêu đờm được.

Trẻ khò khè và ho nhiều đờm do COVID-19: Cách xử trí đúng mà cha mẹ cần biết - Ảnh 1.

Không cần thiết phải cho trẻ uống thuốc tiêu đờm, long đờm.

Đờm là sản phẩm của quá trình viêm, bên trong có chứa vi trùng, bạch cầu, và xác của chúng cũng như các chất tiết của quá trình viêm.

Đờm sẽ được tống ra ngoài qua động tác sống còn của cơ thể là ho. Ho sẽ giúp trẻ bật đờm lên cổ. Nếu trẻ còn nhỏ chưa biết khạc nhổ đờm, thì sẽ nuốt xuống đờm này xuống bụng, đờm theo đường tiêu hóa ra ngoài. Với trẻ lớn hơn và người lớn sẽ khạc đờm ra ngoài. Một số trẻ không nuốt, không khạc nhổ đờm thì sẽ tống đờm ra ngoài qua động tác ói.

Nhưng nếu trẻ có cơn ho, ói ngay sau bữa ăn thì phụ huynh lại càng sốt ruột và muốn tìm ngay một loại thuốc "tiêu đờm". Đây chính là lý do mà nhiều phụ huynh tự ý tìm các thuốc theo mách bảo trên mạng hoặc tự ra nhà thuốc mua thuốc về cho con uống - điều này vô cùng nguy hại đối với trẻ.

Về các loại thuốc tác động lên đờm như: brombohexin, acetylcystein, guaifenesin… được cho là giúp tiêu đờm - loãng đàm. Thực tế thì về mặt cơ chế, chúng sẽ cắt các phân tử trong đờm hoặc tăng tiết nước vào trong đờm khiến cho đờm loãng ra. Khi đờm loãng ra rồi thì chỉ một vài động tác ho mạnh là trẻ bật được đờm ra ngoài.

Về lý thuyết thì hay ho như vậy, nhưng thật không may hầu như tất cả những thuốc này đều không chứng minh được hiệu quả trên các chứng ho cảm, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, suyễn, viêm phổi…, nói tóm lại là viêm trên đường hô hấp của trẻ em.

Do đó trong các bài lý thuyết cũng như trong nhiều hướng dẫn điều trị trên thế giới không hề xuất hiện những nhóm thuốc này trong phác đồ điều trị cho trẻ. Trái lại một số thuốc trong những nhóm này có thể kích thích trẻ lên cơn co thắt phế quản, nhất là những trẻ có tiền sử khò khè tái đi tái lại.

Và khi cha mẹ kiên trì không dùng thuốc "tiêu đờm" trong viêm hô hấp thì bé vẫn sẽ khỏi bệnh.

3. Cách đối phó với tình trạng trẻ ho nhiều đờm tại nhà

- Cách làm tốt nhất là khi trẻ đang ho có đờm nhiều là trước khi cho trẻ ăn hoặc uống sữa, hãy vệ sinh mũi trước. Nếu trẻ lớn trên 6 tháng tuổi, có thể cho trẻ uống một muỗng nước lọc ấm nhỏ để giúp đờm ở cổ họng trôi xuống bụng. Đồng thời không nên ăn quá no, vì dễ kích thích cơn ói của trẻ nhiều hơn.

Trẻ khò khè và ho nhiều đờm do COVID-19: Cách xử trí đúng mà cha mẹ cần biết - Ảnh 2.

Vệ sinh mũi cho trẻ trước khi ăn để hạn chế nôn trớ.

- Muốn trẻ nhanh tống được đờm ra ngoài cơ thể và nhanh khỏi bệnh thì cần phải phải để trẻ ho. Để giúp đờm loãng ra thì nên cho trẻ uống nước lọc ấm (với trẻ lớn) và uống sữa ấm (với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi). Chính nước ấm là chất giúp loãng đờm tốt nhất.

Và triệu chứng ho có đờm thì dễ chịu hơn ho khan rất nhiều. Bởi ho đờm thường là chỉ điểm của một dạng viêm nhiễm do vi trùng. Việc điều trị sẽ dễ dàng dứt điểm mà không cần phải quá lo lắng sốt ruột. Còn ho khan dai dẳng thường chỉ điểm cho những chứng liên quan đến dị ứng, hen suyễn… Và ho khan nhiều thực sự rất khó chịu.

Rất may trong các chứng ho do viêm hô hấp thông thường ở trẻ nhỏ đại đa số là do viêm nhiễm và trẻ chỉ ho khan một đến hai ngày đầu sau đó sẽ chuyển sang ho đờm. Dấu hiệu này không phải là do bệnh nặng lên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại