Sáng 12-10, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đưa ra khuyến cáo trên trước thông tin nghi có ổ dịch bệnh bạch hầu tại Quảng Nam.
BS Lê Xuân Hòa, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết trẻ dưới một tuổi phải được tiêm vaccine ngừa bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Lịch tiêm ngừa thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng như sau:
Tuổi của trẻ | Vaccine sử dụng |
Sơ sinh | BCG (ngừa lao) VGB mũi 1 trong vòng 24 giờ |
02 tháng | Bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm gan - Hib mũi 1; bại liệt lần 1 |
03 tháng | Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà - Viêm gan - Hib mũi 2; Bại liệt lần 2 |
04 tháng | Bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm gan - Hib mũi 3; bại liệt lần 3 |
09 tháng | Sởi mũi 1 |
18 tháng | DPT (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván) mũi 4 sởi-Rubella |
Theo BS Hòa, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Bạch hầu lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, dịch tiết…
“Bệnh khởi phát với các dấu hiệu sốt nhẹ, đau họng, ho, nói khàn, chán ăn. Triệu chứng điển hình của bệnh là giả mạc hai bên thành họng có màu trắng ngà, dai, dính và dễ bị chảy máu khi bóc.
Bệnh có thể có những biến chứng nặng như gây tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, thoái hóa thận, hoại tử ống thận… thậm chí tử vong” - BS Hòa cho biết thêm.
Cũng theo BS Hòa, để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu nên thường xuyên vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học. Che miệng, mũi khi ho, khi hắt hơi. Bên cạnh đó, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
“Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ bệnh bạch hầu phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời thông báo ngay cho trạm y tế địa phương để triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người xung quanh” - BS Hòa lưu ý.