Còn một tháng nữa là hết kỳ thai sản, tôi muốn tranh thủ đưa hai con (4 tuổi và 5 tháng) về quê chồng tôi chơi.
Đó là một vùng đồi núi có không khí trong lành, thoải mái. Tuy nhiên, tôi có một mối lo là dường như mùa này côn trùng, rắn rết bùng lên khá nhiều, mới đây thôi con trai lớn của tôi cũng bị kiến ba khoang cắn…
Về quê, nguy cơ tiếp xúc với động vật lại nhiều hơn, vì vậy mong bác sĩ hướng dẫn cách xử lý đúng khi phát hiện trên người trẻ có vết động vật cắn?
(Trần Mỹ Kim, 30 tuổi, quận 6, TP HCM)
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM):
Điều đầu tiên bạn nên làm là cố gắng xác định bé đã bị con vật gì tấn công. Tất nhiên, nhiều khi chỉ nhìn vết thương, chúng ta khó có cách để biết chính xác con gì gây ra nhưng hãy xem thử có thể là vết rắn cắn không.
Thông thường, nếu bị côn trùng tấn công (kiến cắn, ong chích…) thì mỗi vết thương chỉ có một chấm nhưng rắn cắn là hai chấm trở lên. Chỉ có hai chấm thường là rắn độc, nhiều chấm tạo thành hình hàm răng thường ra rắn không độc. Tuy nhiên, nếu đã nghi là rắn cắn thì nên đưa đến bệnh viện ngay, đừng chần chừ.
Với những vết thương do côn trùng cắn, nếu trên 10 vết, trẻ cần được nhập viện để kiểm tra. Ít vết hơn, hoặc chỉ có một vết nhưng kèm triệu chứng sưng tấy, đau quá mức, tiểu màu đỏ hoặc đen, mệt, ngứa toàn thân, đau bụng, sốt, ói…, cũng phải vào viện ngay.
Triệu chứng nước tiểu màu đỏ hoặc đen (tiểu huyết sắc tố) là một trong những dấu hiệu nguy hiểm nhất, cho thấy có tổn thương thận, bể hồng cầu.
Với các vết côn trùng cắn nhẹ, chỉ sưng đỏ một chút, bạn có thể xử lý tại nhà. Sát trùng vết chích, cắn bằng povidine hay xanh methylene, nếu không có có thể dùng xà phòng, nước muối sinh lý.
Chườm lạnh cũng làm triệu chứng sưng, đau giảm nhiều. Tuy nhiên, nếu đột ngột trẻ chuyển biến xấu, xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm kể trên, hãy nhanh chóng đưa bé nhập viện.