Trật tự mới ở Trung Đông: Thổ Nhĩ Kỳ xoay trục về phía Nga và Iran?

Kiều Anh |

Liệu trật tự Trung Đông sẽ thay đổi như thế nào khi Thổ Nhĩ Kỳ xoay trục về phía Nga và Iran?

Chính sách của Mỹ ở Trung Đông từng bị chỉ trích trong một thời gian dài khiến Tổng thống Donald Trump đã vạch ra một hướng tiếp cận mới với khu vực này. Tháng 9/2018, chính quyền ông Trump đã tiết lộ một chiến lược mới ở Syria, vạch ra một lộ trình từ việc tập trung vào cuộc chiến chống IS đến mục tiêu kiềm chế sự ảnh hưởng của Iran.

Tuy nhiên, những kế hoạch mới này lại không cân nhắc đến một thách thức quan trọng: đó là sự dịch chuyển mạnh mẽ đang diễn ra trong khu vực Trung Đông sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong hàng thập kỷ, các quốc gia lớn trong khu vực như Iran, Iraq, Israel, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đã cạnh tranh ảnh hưởng với nhau để tối đa hóa quyền lực trước sự can thiệp của Nga, Anh và sau đó là Mỹ.

Cho đến gần đây, Mỹ và các đồng minh khu vực như Israel, hầu hết các nước vùng Vịnh Arab và Thổ Nhĩ Kỳ đã liên minh với nhau chống lại Iran. Việc rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 dường như càng khiến các nước lớn trong khu vực do Mỹ hậu thuẫn tăng cường việc cô lập Iran.

Tuy nhiên, các nhân tố quốc tế, khu vực và tình hình trong từng quốc gia đã dẫn đến sự thay đổi cục diện Trung Đông. Thay đổi đáng kể nhất là sự xoay trục của Thổ Nhĩ Kỳ, từ phía Mỹ về phía Iran và Nga.

Cú xoay trục chiến lược của Ankara

Có một số lý do cho sự thay đổi đang diễn ra trong mối quan hệ giữa Ankara và Moscow.

Đầu tiên, việc trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 đã đánh dấu cho sự củng cố quyền lực sau hơn 1 thập kỷ giữ vai trò Thủ tướng của ông Erdogan. Đây cũng là một động thái cho thấy sự thay đổi trong nền chính trị của quốc gia này.

Quan điểm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều điểm tương đồng với chính phủ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran và Nga. Giống như Moscow và Tehran, ở Ankara xuất hiện nhiều tư tưởng chống phương Tây trong thời gian gần đây. Trước tình hình này, Thổ Nhĩ Kỳ đang dần tách khỏi NATO và xoay trục về phía Nga và Iran.

Niềm tin của ông Erdogan cũng góp phần định hình nên nhận thức của ông về trật tự khu vực. Tổng thống Erdogan từng khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ là "quốc gia duy nhất có thể lãnh đạo thế giới Hồi giáo".

Tham vọng này của Ankara này khiến vương quốc Saudi Arabia dường như bớt đi một đồng minh và thêm một kẻ cạnh tranh trong việc giành ảnh hưởng tại khu vực. Thật sự thì vụ sát hại nhà báo Khashoggi chỉ là một trong số hàng loạt những diễn biến làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.

Vết rạn lớn nhất ở vùng vịnh Ba Tư là sự chia rẽ trong quan hệ giữa Qatar và Saudi Arabia cùng với các đồng minh, bên ngoài thì là do chính sách đối ngoại độc lập và quyết đoán của Qatar nhưng thực tế là do những căng thẳng gia tăng trong cách tiếp cận của Saudi Arabia với Iran và trong cuộc chiến ở Yemen.

Trước tình hình này, Ankara đã cùng với Tehran đứng về phía Doha. Với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia vùng vịnh này là một đồng minh quan trọng trong chiến lược sắp xếp lại trật tự khu vực. Hơn nữa, mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia cũng được Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao. Thậm chí, trước khi rơi vào khủng hoảng, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một nghị định thư về quân sự với Qatar và mở căn cứ quân sự đầu tiên trong khu vực vào năm 2015.

Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký một hợp đồng mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo Ankara nên cân nhắc lại động thái này bởi hệ thống vũ khí của Nga không tương thích với các thiết bị của NATO.

Những thay đổi trong chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ còn xuất phát từ tình hình cuộc xung đột Syria, nơi mà Mỹ và Saudi Arabia vẫn đoàn kết với nhau trong mối quan hệ đối tác lâu dài, trong quan điểm thù địch với Iran và đối với trận chiến đang diễn ra ở Yemen.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ với Iran và Nga dường như phù hợp hơn với Mỹ và NATO. Điều mà Ankara bận tâm hiện tại là sự ổn định của Syria, thậm chí cả khi điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Bashar al-Assad vẫn tiếp tục nắm quyền. Những mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria cũng có nhiều tương đồng với các mục tiêu của Iran và Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ dường như quan tâm về vấn đề người Kurd hơn là cuộc chiến chống IS. Iran có thể sẽ hữu ích hơn Mỹ và NATO trong việc giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết những lo ngại về tương lai của người Kurd.

Mặc dù không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy người Kurd sẽ tách khỏi các quốc gia nhưng Iran, cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ dường như luôn cảm thấy bị đe dọa nếu lực lượng người Kurd ngày càng lớn mạnh.

Với cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, việc người Kurd tách khỏi Syria có thể dẫn đến xu thế ly khai ở các khu vực khác, đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước của các quốc gia này.

Trong khi đó, sự hiện diện của lực lượng IS còn sót lại có thể tạo cho bộ tứ Ankara-Tehran-Moscow-Damascus có một cái cớ để duy trì lực lượng quân sự. Điều đó không có nghĩa là các quốc gia này coi thường mối đe dọa của IS.

Thay vào đó, họ đã nhìn thấy những cơ hội với một IS đang dần yếu đi khi mất phần lớn quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ. Thực tế là ông Erdogan có mối quan hệ ngày càng thân thiết với Tahrir al-Sham, một nhóm khủng bố có liên hệ với al Qaeda, chủ yếu hoạt động ở Syria và có số lượng lên tới 10.000 tay súng.

Ông Erdogan tin rằng nhóm này có thể trực tiếp chống lại Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là đang ngày càng mạnh lên nhờ sự ủng hộ của Mỹ và Saudi ở Syria.

Chắc chắn, giữa Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Sự thiếu tin tưởng này xuất phát từ lịch sử nhiều thù địch giữa các quốc gia. Dù sao thì cả 3 quốc gia này đều cạnh tranh lẫn nhau để giành ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, những lợi ích và những mối đe dọa chung đã đưa các quốc gia này cùng nhau hợp tác với nhau trong cả quân sự và kinh tế.

Mỹ sẽ phản ứng như thế nào?

Trong môi trường địa chính trị ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ dường như là một kẻ thắng đậm khi có thể dựa vào những thay đổi đang diễn ra nhằm cải thiện hình ảnh trong thế giới Hồi giáo, sẵn sàng thay thế Saudi Arabia và tăng cường vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến ở Yemen. Ankara cũng hợp tác với cả hai phe trong cuộc xung đột ở Syria, với mục đích là tối đa hóa lợi thế và ảnh hưởng của mình tại các cuộc đàm phán trong tương lai.

Thực tế thì chính sách của Mỹ ở Syria phụ thuộc một phần vào Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, Washington nên hiểu về các mục tiêu quan trọng của Ankara trong khu vực và đánh giá khả năng của NATO trong việc ngăn chặn những thay đổi không mong muốn trong cán cân quyền lực ở Trung Đông.

Sự thay đổi của Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng đến chiến dịch mới của Mỹ ở Syria nói riêng, cũng như khả năng thực hiện chính sách của Washington tại Trung Đông nói chung. Để ứng phó với sự thay đổi này, Mỹ nên cân nhắc đến việc thể hiện trên bàn đàm phán rằng Washington vừa có phương tiện, vừa có thiện chí đóng góp vào sự ổn định ở Syria.

Thay vì chỉ chăm chăm tập trung vào vận mệnh chính trị của ông Assad, chính quyền Tổng thống Trump nên có một cái nhìn toàn cảnh hơn và tập trung vào những lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Trong bối cảnh vụ sát hại nhà báo Khashoggi đang ngày càng "nóng", Saudi Arabia đã cung cấp cho Mỹ 100 triệu USD để ổn định tình hình Syria. Tuy nhiên, có vẻ như Riyadh sẽ không thể dùng tiền để "xoa dịu" tình hình hiện tại.

Số tiền đó có thể đủ để kéo dài mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia lâu hơn một chút. Nhưng số tiền ấy không thể giúp ngăn chặn sự thay đổi về địa chính trị đang diễn ra nhanh chóng ở Trung Đông khi mà Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang xuất hiện như một khối liên kết chặt chẽ.

Sự liên kết giữa 3 quốc gia - xuất phát từ những lợi ích chung ở Syria có thể phát triển lớn hơn để trở thành một khối liên minh quyền lực trong khu vực và hàm chứa sự đe dọa lâu dài đối với Mỹ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại