Nhận lời mời của Quốc vương Oman Qaboos bin Said, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tiến hành chuyến thăm chính thức Oman từ 26-27/10/2018.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Israel đến một nước Ả Rập không có quan hệ ngoại giao với Israel. Chuyến thăm của Thủ tướng Israel tới Oman đã gây sự quan tâm đặc biệt của các nhà quan sát chính trị trên thế giới.
Sự quan tâm này này không chỉ vì đây là sự liên hệ chính thức đầu tiên giữa Israel và Vương quốc Oman kể từ năm 1996, mà đây còn là một bức thông điệp gửi tới các nước Ả Rập rằng việc công nhận sự tồn tại của Israel ở khu vực Trung Đông là một phần quan trọng trong bất cứ giải pháp nào cho cuộc xung đột Ả Rập-Israel, mà cốt lõi là vấn đề Palestine.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung nêu rõ một trong các vấn đề được thảo luận là các biện pháp nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông và một số vấn đề khác cùng quan tâm để vãn hồi hòa bình và ổn định ở khu vực.
Oman và các nước vùng Vịnh thay đổi quan điểm trong quan hệ với Israel
Đáng lưu ý là sau các cuộc đàm phán ở Muscat, lãnh đạo Oman đã có một số thay đối thái độ đối với Nhà nước Israel. Phát biểu tại Diễn đàn An ninh quốc tế Manama (Bahrain), Ngoại trưởng Oman Yusuf Bin Alawi đã kêu gọi các nước Ả Rập xem xét khả năng công nhận sự tồn tại của Israel.
Ông nói: "Israel là một quốc gia trong khu vực. Tất cả chúng ta đều hiểu rõ điều đó. Thế giới cũng nhận thức được điều này. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải đối xử với Israel như các quốc gia khác để Israel cũng có thể thực hiện các nghĩa vụ tương tự của mình."
Ông Yusuf bin Alawi cho biết trong các cuộc tiếp xúc với phía Israel, Vương quốc Oman đã đề xuất một số sáng kiến ngoại giao để Israel và Palestine ngồi lại với nhau tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột.
Gần đây, nhiều nước Ả Rập, đặc biệt là các nước Ả Rập vùng Vịnh đã thay đổi mạnh mẽ quan điểm đối với Israel. Việc trao đổi phái đoàn giữa hai phía đã và đang diễn ra dồn dập.
Tháng 12/2017, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, một đoàn tôn giáo của Bahrain đã đến thăm Jerusalem.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Quốc vương Oman Qaboos Bin Said. Ảnh: Courtesy.
Lần đầu tiên đoàn thể thao của Israel đã tham gia các cuộc thi đấu ở Qatar, và mới đây nhất Bộ trưởng Văn hóa Miri Regev của Israel đã thăm chính thức các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để tham dự lễ trao giải huy chương vàng cho vận động viên Judo của Israel. Quốc ca của Israel, bài "Hatikvah" đã lần đầu tiên được cất lên tại Qatar và UAE.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Truyền thông Ayoub Kara cũng đến Dubai để tham gia một hội nghị của Liên minh Viễn thông Quốc tế. Bộ trưởng Giao thông vận tải Yisrael Katz cũng thăm Oman vào để tổ chức một hội nghị vận tải khu vực và thúc đẩy một mạng lưới đường sắt kết nối Haifa với Jordan, Ả Rập Saudi và vùng Vịnh.
Tháng 4/2018, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tuyên bố Israel có quyền tồn tại; và trong một bước đi thực tế chưa từng có, Riyadh đã quyết định cho phép các máy bay của Israel bay qua không phận của mình trong các chuyến bay thường kỳ đến Ấn Độ. Giữa hai nước cũng đã trao đổi các đoàn thăm viếng lẫn nhau, kể cả các đoàn quân sự.
Mất đi con bài trong đàm phán với Israel
Israel là một quốc gia được thành lập năm 1948 theo nghị quyết 181 (năm 1947) của Liên hợp quốc.
Năm 1949 Israel gia nhập Liên Hợp Quốc. Hiện nay Israel có quan hệ ngoại giao đầy đủ với 159 nước trên thế giới, trong đó có hai nước Ả Rập là Ai cập và Jordan.
Năm 1979 và năm 1994, Ai Cập và Jordan đã lần lượt ký Hiệp ước hòa bình với Israel; và tới năm 1993, Palestine và Israel đã ký Thỏa thuận Oslo công nhận lẫn nhau.
Trong tình hình như vậy, không ai có thể bác bỏ được sự tồn tại của Israel. Tuy nhiên, việc công nhận Israel vốn là con bài của Palestine và các nước Ả Rập để mặc cả trong các cuộc đàm phán với Israel.
Hiện nay, Israel đang gây sức ép với Palestine, tiếp tục xây dựng các khu định cư mới tại các vùng đất Palestine bị chiếm đóng, tiếp tục bao vây cấm vận Gaza, ban hành ‘Luật Quốc gia dân tộc Do Thái". Đặc biệt, chính quyền ông Trump còn công nhận Jerusalem là Thủ đô vĩnh viễn của Israel và chuẩn bị công bố "Thỏa thuận thế kỷ" nhằm xóa bỏ vấn đề Palestine.
Trong tình hình ấy, việc các nước Ả Rập công khai công nhận Israel chính là một một bước đi quan trọng trong việc thực hiện chính sách của Thủ tướng Israel Netanyahu nhằm chia rẽ các nước Ả Rập vốn đã không đoàn kết, đánh vào sáng kiến "Đất đổi lấy hòa bình" của các nước Ả Rập năm 2002, đề nghị bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy việc Israel phải triệt thoái khỏi các vùng đất bị chiếm đóng năm 1967.
Một giải pháp công bằng và bền vững cho cuộc xung đột Israel-Palestine phải dựa trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc chính đáng của nhân dân Palestine, trong đó có quyền tự quyết, quyền hồi hương và quyền thành lập một Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem.
Bất cứ giải pháp nào cũng phải thừa nhận sự tồn tại và bảo đảm an ninh cho cho Nhà nước Israel.
Để đạt được mục tiêu này, Israel và Palestine cần sớm nối lại các cuộc đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc đã đạt được trước đây từ hai phía. Chỉ có một giải pháp như vậy thì mới lập lại được một nền hòa bình và an ninh tại khu vực Trung Đông.
Vai trò trung gian hòa giải của Oman có đem lại kết quả?
Trước đây, với sự trung gian hòa giải của Oman, Mỹ đã tiến hành thảo luận với Iran về một thỏa thuận hạt nhân. Muscat đã đóng vai trò hậu trường thầm lặng nhưng hết sức quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân P5+1, gọi tắt là JCPOA.
Với uy tín của mình, Quốc vương Qaboos Bin Said muốn làm một việc tương tự nhằm nối lại các cuộc thương lượng Israel-Palestine, đặc biệt trong bối cảnh vai trò trung gian hòa giải của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman cho cuộc xung đột Palestine-Israel đang bị giảm sút mạnh sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại.
Ảnh: Al-Monitor
Không phải ngẫu nhiên, Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas (Abu Mazen) đến Muscat gặp Quốc vương Qabus bin Said trước chuyến thăm của Thủ tướng Israel Netanyahu vài ngày; và ngay sau kết thúc chuyến thăm, Quốc vương Oman đã cử Ngoại trưởng Yusuf bin Alawi, Đặc phái viên đến Ramallah trao thư cho Tổng thống Abbas liên quan đến chuyến thăm của ông Netanyahu.
Chuyến thăm Oman của Thủ tướng Israel còn là một tín hiệu gửi cho Iran, một nước hiện nay coi Oman là người bạn tốt nhất ở khu vực vùng Vịnh.
Do Muscat có mối quan hệ tốt đẹp với Tehran, nên trong thời gian ở thăm Oman, không thể loại trừ việc ông Netanyahu đề cập đến vấn đề Iran bằng hình thức này hoặc hình thức khác, và đề nghị Quốc vương Qaboos Bin Said nhắn với các nhà lãnh đạo Iran về tình hình ở Syria và Lebanon.
Những hoạt động ráo riết gần đây trong quan hệ với các nước vùng Vịnh cũng không nằm ngoài mục đích tập hợp lực lượng chống kẻ thù chung Iran.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.