Hành động gửi đi thông điệp ngầm
Dư luận quốc tế một lần nữa lại hướng sự chú ý về eo biển Bab Al-Mandeb sau khi Ả Rập Saudi quyết định tạm ngừng vận chuyển tất cả các lô hàng dầu thô qua eo biển này do hai tàu chở dầu cỡ lớn của họ bị các lực lượng Houthi của Yemen do Iran hậu thuẫn tấn công hôm 25/7 vừa qua.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran một lần nữa lại trở nên hết sức căng thẳng. Ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "Iran hãy coi chừng, họ sẽ phải chịu hậu quả khắc nghiệt chưa từng có trong lịch sử nếu đe dọa nước Mỹ một lần nữa".
Đáp lại, tướng Qasem Soleimani - Tư lệnh quân đoàn Al-Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - tuyên bố: "Biển Đỏ sẽ không an toàn đối với quân Mỹ. Mỹ có thể phát động chiến tranh, nhưng Iran sẽ là nước kết thúc cuộc chiến".
Các tuyên bố đe dọa lẫn nhau không còn là cuộc khẩu chiến nữa mà đang biến thành những hành động cụ thể. Ngày 24/7, các lực lượng Houthi thân Iran đã dùng tên lửa nã vào hai tàu chở dầu lớn của Ả Rập Saudi đi qua eo biển Bab Al-Mandeb và tàu chiến Al-Dammam của nước này hoạt động tại vùng biển Đỏ đối diện với bờ biển Yemen.
Thông qua đồng minh Houthi, Tehran muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Washington rằng họ sẵn sàng và hoàn toàn có khả năng thực hiện tuyên bố của Tổng thống Hassan Rouhani...
Tuy các tàu chỉ bị hư hại nhẹ, nhưng Ả Rập Saudi đã phải quyết định tạm ngừng vận chuyển dầu qua eo biển này.
Tiếp theo, ngày 26/7 các lực lượng Houthi đã dùng máy bay không người lái Samad-4 tấn công sân bay quốc tế Abu Dhabi của các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), gây thiệt hại cho nhà ga số 1 của sân bay.
Tuy cà hai cuộc tấn công trên không gây thiệt hại đáng kể, nhưng đây là những diễn biến mới hết sức nghiêm trọng chưa từng xảy ra từ trước tới nay. Hai cuộc tấn công này được tiến hành trong bối cảnh thời hạn Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran - ngày 4/8 - đang đến gần.
Thông qua đồng minh Houthi, Tehran muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Washington rằng họ sẵn sàng và hoàn toàn có khả năng thực hiện tuyên bố của Tổng thống Hassan Rouhani "nếu Iran bị cấm xuất khẩu dầu thì tất cả các nước khác ở khu vực cũng không thể làm được điều đó".
Còn Houthi, bằng hành động này cũng muốn đánh đi một thông điệp tới các đối thủ của mình ở bên trong Yemen và các Liên quân Ả Rập rằng họ vẫn là một lực lượng không thể thiếu được và có thể gây ảnh hưởng đối với tiến trình giải pháp cho cuộc xung đột Yemen.
Sẵn sàng phát động cuộc chiến "một mất một còn"
Trước đây, Iran và Mỹ đã nhiều lần đe dọa lẫn nhau xung quanh khả năng Iran đóng cửa eo biển Hormuz - nơi phần lớn dầu của các nước vùng Vịnh được vận chuyển qua - nay việc Houthi, đồng minh của Iran, dùng tên lửa ngăn chặn các tàu dầu ở eo biển Bab Al-Mandeb đã thay đổi luật chơi làm cho Mỹ và Ả Rập Saudi bị bất ngờ không dự đoán trước được.
Tạp chí Bloomberg của Mỹ số ra gần đây cho biết Mỹ đang đưa các phương tiện chiến tranh đến khu vực Trung Đông và sẵn sàng đánh đòn phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Israel cũng đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị để hiệp đồng tác chiến cùng với Mỹ. Ả Rập Saudi sẵn sàng mở không phận của mình cho máy bay của Israel sử dụng để không kích Iran.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẵn sàng cho mọi khả năng và "cuộc chiến tranh sắp tới giữa Mỹ và Iran sẽ là mẹ của các cuộc chiến" có nghĩa là Tehran sẽ quyết tử trong cuộc chiến một mất một còn lớn nhất với Washington.
Trong cuộc đối đầu quân sự này, mặc dù không tương sức, nhưng với tiềm lực quân sự sẵn có của mình, lại được sự hỗ trợ của các lực lượng đồng minh Hezbollah ở Nam Lebanon và Houthi ở Yemen, Iran có thể gây tổn hại lớn cho Mỹ, Israel các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh.
Có lẽ hiểu được hậu quả khôn lường của cuộc chiến nếu nổ ra, Washington đang dùng chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt".
Cùng với những tuyên bố hết sức căng thẳng, các quan chức cao cấp của nhà Trắng từ Tổng thống D. Trump, Cố vấn An ninh quốc gia J. Bolton, Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis, Ngoại trưởng M. Pompeo... trong mấy ngày nay đều có những tuyên bố mang tính ôn hoà hơn.
Ngày 27/7, Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis nói "Mỹ không có kế hoạch đánh Iran hoặc thay đổi chế độ ở Iran". Tuyên bố này của J. Mattis được đưa ra chỉ ít hôm sau khi ông Trump tuyên bố "sẵn sàng ký kết một thỏa thuận thực sự với Iran thay thế cho thỏa thuận JCPOA".
Chánh văn phòng Tổng thống Iran Mahmoud Faiz cũng cho biết, ông Trump đã tám lần đề nghị gặp Tổng thống H. Rouhani đề thảo luận quan hệ hai nước.
Trong tình hình căng thẳng leo thang hiện nay, không thể loại bỏ bất cứ kịch bản nào cho quan hệ giữa Mỹ và Iran. Chiến tranh có thế bùng nổ bất cứ lúc nào.
Nếu châu Âu dưới sức ép của Mỹ không thực hiện được cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) ký với Iran, Mỹ dùng các biện pháp ngăn cản "đưa xuất khẩu dầu của Iran về số không", tăng cường cấm vận, cắt đứt mọi nguồn sống, dồn họ vào bước đường cùng, không còn gì để mất, thì Tehran buộc phải bước vào cuộc đối đầu với Mỹ.
Một cuộc chiến tranh nếu nổ ra sẽ là tại họa không chỉ cho Iran mà còn cho chính nước Mỹ, Israel, toàn bộ khu vực và thế giới. Những diễn biến gần đây đang buộc Washington phải tính toán lại các bước đi của mình trong quan hệ với Tehran.
Một số thông tin về eo biển Bab Al-Mandeb
Eo biển Bab Al-Mandeb là tuyến đường thủy nối Vịnh Aden và Biển Ả rập với Biển Đỏ, và từ đó đi qua kênh đào Suez đến Địa Trung Hải. Bab Al-Mandab nằm giữa Yemen ở châu Á, Djibouti và Eritrea ở châu Phi.
Từ khi mở kênh đào Suez vào năm 1869 nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải, Bab Al- Mandeb trở thành một trong những hành lang giao thông quan trọng nhất và đường biển qua lại giữa châu Âu, Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Đông Phi. Với vị trí địa lý này, việc tấn công các tàu bè qua lại eo biển này rất dễ ràng.
Khoảng cách giữa đảo Perim và lục địa châu Phi là 16 km, sâu 100 đến 200 mét cho phép các tàu hàng và tàu chở dầu cỡ lớn dễ dàng đi qua eo biển Bab Al-Mandeb theo cả hai hướng.
Số lượng tàu hàng và tàu chở dầu đi qua eo biển này ước tính khoảng hơn 21 ngàn chiếc mỗi năm, chiếm 7% lưu lượng hàng hải trên thế giới.
Eo Bab Al-Mandeb lớn thứ tư thế giới về khối lượng vận chuyển dầu. Theo Cơ quan thông tin năng lượng của Mỹ (EIA), năm 2016 mỗi ngày có 4,8 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu được vận chuyển qua eo biển này sang châu Âu, Mỹ và châu Á.
Eo biển Bab Al-Mandeb có tầm quan trọng to lớn đối với Ai Cập, khoảng 98% hàng hóa và tàu bè qua eo biển này là đi vào kênh Suez. Năm 2015, kênh đào Suez đã đem lại 5,3 tỷ đô là cho Ai cập.