Trào lưu “flex” khoe điểm thi trên mạng: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tổn thương tâm lý

Ngọc Minh |

Những ngày gần đây, khi học sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những post chia sẻ điểm thi chạy theo trào lưu “flex”.

"Flex" là từ lóng của tiếng Anh được sử dụng rộng rãi từ những năm 1990, chỉ sự phô diễn cơ bắp và sức mạnh của bản thân. Từ này được nhiều ca sĩ nhạc Rap sử dụng trong tác phẩm của mình để chỉ hành động khoe khoang quá đà, gây khó chịu cho những người xung quanh.

Tại Việt Nam, trào lưu “flex” mới xuất hiện gần đây, tuy nhiên, khác với ý nghĩa mỉa mai, châm biếm ban đầu của từ lóng “flex”, trào lưu mới này có ý nghĩa tích cực, vui vẻ hơn. Dưới góc độ tâm lý, mới đây, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyến cáo để giới trẻ không bị cuốn vào trào lưu “flex”.

Theo Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Phan Thanh Huyền, Khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E), thực tế thạc sĩ đã gặp trường hợp một số học sinh đạt điểm cao được tổ dân phố tuyên dương trên loa phát thanh. Tuy nhiên, trong tổ dân phố đó còn có một bạn trượt kỳ thi tốt nghiệp. Bạn này do đó rất sợ phải về quê.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, bố mẹ thời đại mới thường rất thích khoe con. Con được một chiếc giấy khen hay làm được một việc gì đó cũng sẵn sàng đăng lên mạng. Điểm thi của con cũng được nhiều bố mẹ đăng lên mạng mặc dù nhiều bạn trẻ không muốn điều đó.

Trào lưu “flex” khoe điểm thi trên mạng: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tổn thương tâm lý - Ảnh 1.

Một post kêu gọi khoe điểm thi trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)

“Việc khoe điểm số của các bạn học sinh đến từ bất kỳ đối tượng nào cũng đều là vấn đề tế nhị. Hiện nay, mọi người đang quá lạm dụng mạng xã hội, lạm dụng trend, vô tình có thể gây tổn thương tới các đối tượng xung quanh”, thạc sĩ Thanh Huyền chia sẻ.

“Flex” ở góc độ tích cực cũng phần nào tạo ra động lực giúp mọi người có thêm năng lượng để phấn đấu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết “flex” một cách tinh tế để tạo ra cảm hứng.

Bác sĩ Huyền nhận thấy các bạn trẻ tới khoa khám thường có giá trị cá nhân rất thấp. Khi đánh giá hệ giá trị, các bạn thường gắn giá trị bản thân với những yếu tố bên ngoài (quần áo, nghề nghiệp của bố mẹ, xe mà bố mẹ đi...). Trong khi đó, hệ giá trị cá nhân mà mỗi con người xây dựng nên là tình yêu thương, lòng tự trọng, sự kiên trì, bền bỉ. Thạc sĩ nhận thấy rất nhiều yếu tố chuẩn mực đạo đức bị giảm đi.

Nếu các bạn trẻ đánh giá bản thân dựa trên hệ giá trị vật chất, các bạn sẽ dễ bị đánh gục khi thấy ai giỏi hơn, giàu có hơn, mặc đồ đắt tiền hơn… Các bạn sẽ thấy mình kém cỏi. Để tránh ảnh hưởng của những trào lưu trên mạng xã hội, thạc sĩ Huyền cho rằng cần phải nuôi dưỡng những giá trị từ bên trong, để trẻ phát triển được hệ giá trị cá nhân.

TS.BS Nguyễn Hữu Chiến, trưởng Khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E) - cho biết giá trị xã hội hiện nay có những sự thay đổi, nhiều người quá tung hô các bạn được điểm cao, thủ khoa, hot girl có điểm thi cao… Trong khi đó, các bạn khác cũng đã nỗ lực nhưng có điểm ở mức trung bình thì không được nhắc tới. Chúng ta cần phải nhớ điểm số cao không thể khẳng định trẻ có tương lai tốt đẹp, chuyên gia nói. Vô tình những sự tung hô, khoe khoang này sẽ gây ra những áp lực cho trẻ. Khi áp lực quá lớn, trẻ không thể vượt qua, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vấn đề về sức khoẻ tinh thần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại