Để cung cấp thêm thông tin về cách hạn chế tai nạn liên quan đến điện, mới đây, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã phối hợp với báo Dân trí tổ chức toạ đàm "An toàn điện - những điều cần biết".
Nhiều tai nạn thương tâm
Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn liên quan đến điện đã xảy ra. Ví dụ, cuối tháng 8-2017, ở Đồ Sơn - Hải Phòng, một nạn nhân bị điện giật khi đang sửa mái nhà và chạm đúng đường dây điện bị hở.
Đầu tháng 9-2017, cũng có 2 người bị điện giật chết do kiểm tra đường dây điện. Mới đây nhất, ngày 23-9 ở Hà Tĩnh, một phụ nữ bị giật chết do dùng thiết bị điện để mổ lợn.
Tại buổi toạ đàm nêu trên, ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn – EVNNPC, cho biết nguyên nhân khách quan dẫn đến khả năng mất an toàn do lưới điện thường là sấm sét, bão, gió làm đứt dây điện rơi xuống đất, làm đổ cột điện, đổ cây cối vào dây điện làm điện rò xuống đất gây nguy hiểm cho người qua lại.
Ngoài ra, bão, gió còn gây chập trạm biến áp, gây cháy nổ thiết bị trong trạm, nguy hiểm cho người dân xung quanh; mưa lũ cuốn trôi cột điện, xà sứ dây dẫn; lũ lụt gây ngập công tơ, thiết bị điện, gây ra rò điện, gây nguy hiểm cho người dân khi đến gần cột điện…
Đáng lưu ý, các vụ tai nạn về điện xảy ra ở vùng nông thôn rất nhiều.
Ông Trần Hữu Thiêm, Phó Trưởng phòng An toàn điện - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), cho hay đường dây an toàn điện ở nông thôn hiện nay đã được cải tạo phần lớn, nhưng vẫn cần phải tiếp tục cải tạo trong tương lai gần.
Đại diện bộ cho biết sắp tới đây, sẽ tiếp tục tiến hành cải tạo hệ thống điện, đặc biệt trong khoảng thời gian mưa bão.
"Là khu vực chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mưa bão nên khu vực nông thôn cần hết sức chú ý. Người dân khi đi lại trên đường trong tình huống mưa bão cũng phải chú ý đoạn đường mà ta đi qua xem có tình huống gây nguy hiểm như dây điện đứt không để tránh" - ông Thiêm lưu ý.
Cứu người bị điện giật như nào?
Để đảm bảo an toàn điện mùa mưa bão, ông Mai Quang Hùng khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ bằng các việc làm thiết thực.
Cụ thể, khi có bão vào cùng gió mạnh, cần tắt hết nguồn điện trong nhà để tránh cháy hỏng thiết bị và đồ dùng điện và đe doạ an toàn cho người; không ra đường, không đứng tại các chân cột điện, dưới gầm đường dây điện; không thu nhặt dây dẫn bị đứt rơi xuống đất.
Đặc biệt, việc sơ cứu người gặp tai nạn điện là nội dung được quan tâm đặc biệt. Ông Trần Hữu Thiêm nhấn mạnh nguyên tắc chung là cần tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện là cắt cầu giao, aptomat nếu như ở gần thiết bị đóng cắt. Nếu không ở gần thiết bị đóng cắt nhưng có kìm cắt thì có thể cắt bằng dụng cụ này.
Tiếp đến, dùng vật cách điện, như gậy bằng tre, gỗ khô, gạt nguồn điện ra khỏi cơ thể nạn nhân hoặc ngược lại. "Trường hợp ở dưới nước là trường hợp rất khó và nguy hiểm cho chính người đi cứu vì nước dẫn điện tốt. Đầu tiên tuyệt đối cắt được điện sau đó mới đến để tách khỏi nguồn" – ông Thiêm đặc biệt lưu ý.
Cũng cần phải biết thêm rằng đối với trường hợp nạn nhân bị điện cao thế giật mà dây diện không bị đứt thì nạn nhân được tự động tách ra khỏi nguồn điện. Riêng trường hợp dây đứt, cần gạt nạn nhân ra khỏi nguồn khi có găng tay cách điện, ủng cách điện.
Ông Thiêm cũng chia sẻ liên quan đến cấp cứu người điện giật, đôi khi cấp cứu sai cách còn nguy hiểm hơn. Chẳng hạn, khi chết lâm sàng không sơ cứu tại chỗ mà bế nạn nhân đi viện thì nguy hiểm ở chỗ điện có thể gây ức chế thần kinh, tuần hoàn.
Trong trường hợp này, trừ cần ưu tiên sơ cứu để phục hồi hoạt động sống, trừ trường hợp có đủ phương tiện vừa chở đi được vừa sơ cứu được.
Bổ sung thêm, ông Mai Quang Hùng cho rằng xác định được nguồn điện gây giật mới quan trọng. "Nếu phân biệt được thì xử lý sẽ nhanh hơn.
Nhưng kể cả người đào tạo bài bản thì có khi cũng cuống, thậm chí có người ngoài cuộc còn không thể hét lên để kêu cứu được. Lúc đó là tình huống thực sự hoảng" - ông Hùng nói.