Theo các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa Medtalec, tràn khí màng phổi là bệnh lý xảy ra khi có sự tích tụ khí giữa phổi và thành ngực. Khí ở khoang màng phổi thường từ bên ngoài cơ thể đi vào hoặc từ phổi.
Đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được tìm ra nhưng hầu hết các nhà khoa học cho rằng: Bệnh hình thành do khí thoát ra ở các bóng khí bị vỡ và ứ đọng lại ở phổi. Ngoài ra, người từng mắc bệnh về phổi, có chấn thương ở phổi hoặc ngực cũng có thể mắc bệnh lý này.
Tràn khí màng phổi dễ có nguy cơ với các đối tượng như: nam giới, người hút thuốc nhiều năm liền, người phải thở máy, người sinh ra trong gia đình có người từng bị bệnh tràn khí màng phổi...
Bệnh thường được phân loại như sau:
Dựa trên nguyên nhân gây bệnh
Tràn khí màng phổi tự phát: bệnh không xuất phát từ vết thương hay chấn thương ở ngực. Trong nhóm này có tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát và tràn khí màng phổi tự phát thứ phát.
Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát chủ yếu do các bóng khí ở đỉnh phổi bị vỡ. Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát xuất hiện ở những người trước đó đã từng bị bệnh, thường do nhiễm khuẩn, mắc bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính, hen phế quản, tắc nghẽn phế quản,...
Tràn khí màng phổi do chấn thương, vết thương, thủ thuật tại phổi.
Dựa trên việc đo áp lực khoang màng phổi
Sử dụng máy đo áp lực có thể chia tràn khí màng phổi ra 3 dạng:
Tràn khí màng phổi kín: đã bịt được chỗ rách của màng phổi, kết quả đo áp lực khoang màng phổi cho thấy âm tính.
Tràn khí màng phổi hở: còn tồn tại chỗ rách của màng phổi, kết quả đo cho thấy áp lực khoang màng phổi là 0.
Tràn khí màng phổi van: vẫn tồn tại chỗ rách nên cần tạo van 1 chiều, kết quả đo áp lực khoang màng phổi dương tính. Bệnh nhân dễ bị trụy tim và suy hô hấp, cần được cấp cứu nhanh để tính mạng không bị đe dọa.
Người bị tràn khí màng phổi thường cảm thấy đau nhói ở một bên ngực một cách đột ngột, cơn đau tăng lên mạnh hơn mỗi khi hít vào. Ngoài ra họ cũng có thể bị khó thở, cảm giác khó thở tăng lên đồng thời với việc khí tràn vào màng phổi nhiều hơn. Tràn khí màng phổi mức độ nhiều sẽ gây khó thở nặng, người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như: tím tái, vật vã, tụt huyết áp, mạch nhanh.
Tràn khí màng phổi có thể dẫn đến các biến chứng như: tràn dịch, tràn máu màng phổi; suy hô hấp, xẹp phổi, suy tim; tràn khí dưới da; màng phổi bị nhiễm trùng... Trong các biến chứng này thì nguy hiểm nhất phải kể đến tràn khí màng phổi trung thất. Trường hợp này các dây thần kinh, tĩnh mạch hoặc động mạch phổi cùng quai động mạch chủ ở trung thất và tim sẽ bị khí đè ép trực tiếp dẫn đến suy hô hấp, suy tim, tính mạng người bệnh bị đe dọa.
Rò rỉ không khí liên tục cũng có thể xảy ra với bệnh nhân bị tràn khí màng phổi dù đã được đặt ống dẫn lưu vào để hút không khí ra do nguyên nhân phổi không đóng. Nếu tình trạng này kéo dài, bệnh nhân có thể phải tiến hành phẫu thuật.
Người bệnh cũng có thể bị thiếu oxy vì màng phổi bị nén, bị căng hoặc sụp đổ làm cho phổi có ít không khí hơn và oxy đi vào máu ít đi. Hiện tượng thiếu oxy có thể phá vỡ hoạt động cơ bản của cơ thể, thậm chí còn đe dọa đến sự sống.
Biến chứng chèn ép tim cũng không thể bỏ qua bởi nó có thể gây tử vong. Nguyên nhân của tình trạng ấy là do bệnh không được điều trị sớm, áp lực lên tim ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến sự trở lại của máu đến tim và chức năng tim bị mất một cách đột ngột.
Người bị tràn khí màng phổi cũng có thể bị sốc nếu huyết áp xuống thấp, oxy và chất dinh dưỡng của các cơ quan quan trọng trong cơ thể bị tước đi. Bên cạnh đó, họ cũng dễ bị suy hô hấp dẫn đến tử vong nếu oxy trong máu giảm quá nhiều gây rối loạn nhịp tim và bất tỉnh, hôn mê.
Những biến chứng của tràn khí màng phổi có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị và cấp cứu kịp thời. Vì thế, nếu bạn đau ngực đột ngột hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng hướng. Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ cũng là việc người bệnh cần làm để phòng ngừa bệnh tái phát.
Những người có nguy cơ đối với bệnh tràn khí màng phổi cần tránh làm việc quá sức, không hút thuốc lá, có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện sức đề kháng cho cơ thể, vận động và hít thở nhẹ nhàng...
Mỗi người đều có thể chủ động phòng ngừa sự tái phát của bệnh tràn khí màng phổi bằng cách:
- Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường để tránh khói bụi, ô nhiễm khí.
- Thực hiện vệ sinh nơi ở sạch sẽ để bụi không bám vào các vật dụng trong nhà.
- Nói không với thuốc lá.
- Nếu phải làm việc trong môi trường có nhiều chất độc hại hãy luôn dùng dụng cụ bảo hộ.
- Tuân thủ nghiêm túc chỉ định điều trị từ bác sĩ.
- Trường hợp có đặt ống thông khí ở ngực nếu thấy mủ chảy ra ở đây cần nhanh chóng thông báo với bác sĩ để kiểm tra nguy cơ viêm nhiễm phổi.