Trận địa chiến hào: “Bẫy nguy hiểm” trong cuộc xung đột Nga - Ukraine

Hồng Anh |

Trong cuộc xung đột hiện nay, cả Nga và Ukraine đều tận dụng chiến thuật tác chiến chiến hào kết hợp với việc sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Binh sĩ Ukraine trong một chiến hào tại miền đông ngày 22/12. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ Ukraine trong một chiến hào tại miền đông ngày 22/12. Ảnh: Reuters.

Sự cần thiết của các chiến hào

Sau hơn 9 tháng giao tranh, thành phố Bakhmut, phía Đông Ukraine hiện đang là mặt trận khốc liệt nhất của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nhiều nhân chứng cho biết, cảnh tượng tại Bakhmut trông giống như “ngày tận thế” khi mặt đất bị xới tung, cây cối gãy đổ nằm ngổn ngang và các binh sỹ đứng trong những chiến hào ngập bùn đất.

Trận chiến quanh thành phố Bakhmut đang được so sánh với một trận đánh nổi tiếng thời Thế chiến 1 với hàng trăm binh sỹ bị thương và thiệt mạng mỗi ngày. Bakhmut nằm dọc theo chiến tuyến phía Đông Nam, nơi Ukraine đã đạt được một số bước tiến vào tháng 9/2022. Phần lớn dân số 70.000 người tại thị trấn này đã rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tác chiến chiến hào khá phổ biến trong Thế chiến thứ nhất. Lực lượng tấn công có thể bị tổn thất nặng nề do mối đe dọa từ các loại vũ khí như pháo và súng máy được đặt trên chiến hào khi họ tiến lên trên một vùng đất trống trải. Đội quân cố thủ có thể sống sót ngay cả khi bị pháo kích dữ dội trong nhiều ngày. Chiến tranh chiến hào mang lại cho quân phòng thủ một lợi thế nhất định, trong khi phe tấn công có thể mất hàng nghìn binh sỹ nếu cố gắng tiến thêm vài km trên chiến trường.

Trong cuộc xung đột hiện đại này, cả Nga và Ukraine vẫn tận dụng triệt để chiến thuật này. Song song với đó là ứng dụng các công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như máy bay không người lái như Lancet hoặc Switchblade vừa đóng vai trò là hệ thống trinh sát lại vừa là công cụ tấn công. Việc sử dụng UAV giúp các bên có cái nhìn toàn cảnh về chiến trường và khả năng tấn công mạnh mẽ hơn so với các cuộc xung đột trong quá khứ. Nhiều nhà phân tích nhận định, cuộc xung đột Nga-Ukraine là sự kết hợp giữa những trận đánh quy mô lớn theo kiểu truyền thống với kỹ thuật chiến đấu sử dụng công nghệ cao.

Sự xuất hiện của các chiến hào tại Donbass ở thời điểm này không phải điều bất ngờ. Kể từ khi giao tranh nổ ra giữa lực lượng chính phủ Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn vào năm 2014, các chiến hào đã được đào sâu và kéo dài hàng chục km dọc theo chiến tuyến. Hiện giờ các trận đánh tại Donbass thậm chí trở nên khốc liệt hơn khi cả hai bên liên tục đổ thêm vũ khí.

Lý do Nga và Ukraine đều sử dụng chiến thuật tác chiến chiến hào

Ông Matthew Cancian, chuyên gia nghiên cứu các hoạt động quân sự tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết, một trong những lý do khiến tác chiến chiến hào được sử dụng rộng rãi là đào sâu và cố thủ luôn dễ dàng hơn tấn công. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu tác chiến chiến hào có phải biện pháp khả thi trong giai đoạn hiện nay khi UAV và các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác cao đang chiếm ưu thế hay không?

Đánh giá về vấn đề này, Cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu Mark Hertling cho biết: “Trong Thế chiến thứ nhất, nhiều chiến hào tồn tại trong 4 năm. Các bên tham chiến bền đều cố gắng phá vỡ tuyến phòng thủ của nhau và sau đó quay trở lại chiến tranh cơ động”. Lực lượng tấn công sẽ phải nỗ lực hết sức để đối phó với súng máy, pháo binh, hơi cay và các vị trí cố thủ. “Nếu bạn không thể đi vòng hoặc vượt qua chiến hào, bạn không thể đánh bại đối phương”, ông Mark Hertling lưu ý và nhận định này được cho là chính xác ngay cả trên chiến trường Ukraine.

Việc sử dụng rộng rãi chiến thuật tác chiến chiến hào là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột đang có chiều hướng “đóng băng”, trong đó không bên nào đạt được lợi thế áp đảo và buộc phải cố thủ. Chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980 là một ví dụ thực tế. Hai bên hầu như bị chôn chân trong các chiến hào trong thời gian dài và những cuộc tấn công lớn không thể tạo ra sự đốt phá.

Chuyên gia Cancian cho biết, trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020-2021, máy bay không người lái đã được sử dụng để tấn công nhiều mục tiêu trong chiến hào. Trong trường hợp đó, công nghệ hiện đại có thể làm giảm hiệu quả của chiến hào, nhưng sẽ là sai lầm nếu phủ nhận hoàn toàn vai trò của nó.

Theo nhà phân tích Hertling, ngay cả khi sử dụng vũ khí công nghệ cao, việc phá vỡ một vị trí kiên cố vẫn là thách thức lớn. Để thực hiện nhiệm vụ này cần phải kết hợp nhiều lực lượng, trong đó cả lực lượng bọc thép, lực lượng tấn công đường không, pháo binh nhằm ngăn chặn cuộc phản công nhanh chóng, đồng thời thực hiện tác chiến điện tử và gây nhiễu để vô hiệu hóa UAV của đối phương. Hiện Nga có khả năng vô hiệu hóa các chiến hào nhưng họ vẫn chưa dùng đến khả năng này còn Ukraine thì gặp rất nhiều thách thức do sức mạnh không quân hạn chế.

Tại khu vực Donbass, Nga được cho là có lợi thế hơn khi áp dụng chiến thuật tác chiến chiến hào bởi điều đó sẽ giúp quân đội Nga có cơ hội củng cố các tuyến phòng thủ của họ. Nếu Ukraine không thể vượt qua các chiến hào thì Nga sẽ có thêm thời gian để triển khai 300.000 binh sỹ được huy động theo sắc lệnh động viên một phần. Việc bảo vệ các phòng tuyến sẽ dễ hơn là tấn công và những tân binh này có thể hợp thành lực lượng phòng thủ vững chắc.

Thách thức về hậu cần và thời tiết

Tuy nhiên, chiến thuật tác chiến chiến hào cũng có một số hạn chế. Một trong những yếu tố có thể làm giảm hiệu quả của chiến thuật này là hậu cần. Quân đội luôn cần được tiếp tế bởi nguy cơ bị tấn công khi họ ra khỏi chiến hào là rất lớn. Thế nhưng, các phương tiện vận chuyển đạn dược và nhu yếu phẩm rất khó tiến vào khu vực này.

Yếu tố thứ hai, nằm ngoài tầm kiểm soát của quân đội các bên là điều kiện thời tiết. Nhiệt độ giảm mạnh trong mùa Đông cộng với sự thiếu hụt năng lượng khiến các binh sỹ phải chật vật chống chọi với giá rét. Ngoài ra, họ còn gặp nhiều vấn đề về tâm lý và thể chất khi cố thủ trong chiến hào quá lâu.

Trong mùa Đông, băng tuyết rơi dày hàng cm, thậm chí cao đến đầu gối, khiến việc di chuyển trong chiến hào gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, các cuộc tấn công dữ dội bằng tên lửa và pháo binh, sự hiện diện của vũ khí chống radar, máy bay không người lái thương mại và quân sự, xe tăng, cảm biến công nghệ cao khiến các bên dễ dàng hạ gục mục tiêu. Điều này có thể tạo ra vấn đề lớn với các lực lượng cố thủ trong chiến hào./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại