"Trai cò" đánh nhau, "ngư ông" Nga đắc lợi

Trương Mạnh Kiên |

Trong khi châu Âu đang mải đấu đá nhau, Nga đang từng bước mở rộng không gian ở sườn phía Nam đối thủ.

Chỉ cách bờ biển phía Nam hai giờ bay hoặc một thời gian di chuyển ngắn bằng tàu thuyền, Libya là một quốc gia nằm ở khu vực giáp ranh với châu Âu. Những thay đổi và xung đột chính trị tại đất nước Bắc Phi giàu dầu mỏ này gây ra những hậu quả tức thì và sâu rộng đối với các quốc gia thuộc lục địa già.

Do đó, Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã tham gia rất nhiều vào các vấn đề quốc tế và đối nội của Libya.

Năm 2011, các cường quốc hàng đầu của châu Âu, cụ thể là Pháp, Ý và Vương quốc Anh, đã đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của chính quyền Muammar Gaddafi.

 Trai cò đánh nhau, ngư ông Nga đắc lợi  - Ảnh 1.

Châu Âu đang chia rẽ về vấn đề Libya.

Tuy nhiên, kể từ đó, lợi ích khác nhau giữa các quốc gia bắt đầu bùng nổ, cùng với sự cạnh tranh nội bộ xuất hiện sau quyết định rời liên minh năm 2016 của Vương quốc Anh. Các chính sách của EU đối với Libya trở nên không nhất quán.

Việc thiếu một chính sách chặt chẽ của châu Âu không chỉ làm trầm trọng thêm và kéo dài cuộc xung đột đang diễn ra ở Libya mà còn cho phép Nga mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Sự đối đầu giữa Ý và Pháp

Trong thời kỳ hậu Gaddafi, sự cạnh tranh chính của châu Âu ở Libya là giữa Ý và Pháp.

Trong khi hai quốc gia này cùng nhau tham gia vào chiến dịch quân sự do NATO dẫn đầu chống lại chính quyền Gaddafi vào năm 2011, thì trong những năm gần đây, họ lại đang giằng co nhau trong trò chơi nguy hiểm, làm suy yếu các nỗ lực giải quyết xung đột Libya của quốc tế, đặc biệt là châu Âu.

Tham vọng chính của Ý ở Libya là ngăn chặn dòng người di cư từ Libya, duy trì nguồn cung cấp khí đốt và đảm bảo lợi nhuận thương mại cho các công ty Ý tại nước này.

Trong khi đó, Pháp ít quan tâm hơn đến vấn đề di cư mà tập trung nhiều hơn vào các nỗ lực chống khủng bố và ngăn chặn các nhóm vũ trang cực đoan.

Bên cạnh đó, tập đoàn Total của Pháp cũng có cổ phần lớn trong lĩnh vực dầu khí của Libya, đặc biệt là ở phía tây nam đất nước.

Những lợi ích khác nhau nói trên đã khiến Ý và Pháp áp dụng các lập trường riêng biệt về các vấn đề ở Libya và ủng hộ các phe đối lập trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Kể từ khi chính quyền Gaddafi sụp đổ, Libya bị phân chia giữa hai lực lượng cạnh tranh: Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được Liên hợp quốc công nhận ở Tripoli và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo.

Ý, giống như hầu hết các thành viên khác của EU và NATO, đang ủng hộ GNA, trong khi Pháp được cho là ủng hộ tướng Haftar.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga

Tất cả những điều trên không chỉ khiến EU bị chia rẽ và không thể khẳng định được nhiều ảnh hưởng đối với tình hình ở Libya, mà còn cản trở nỗ lực xây dựng một nhà nước hòa bình và dân chủ của người dân Libya. Hơn nữa, những chia rẽ này trong EU đã tạo ra không gian cho Nga trở thành một thế lực lớn ở Libya.

 Trai cò đánh nhau, ngư ông Nga đắc lợi  - Ảnh 3.

Xung đột Libya sẽ là cơ hội để Nga mở rộng không gian ảnh hưởng.


Nhiều quan điểm cho rằng, Nga nghiêng sự ủng hộ dành cho tướng Haftar bởi điều này sẽ phục vụ chương trình nghị sự của Nga. Tuy nhiên, trong các quan điểm chính thức của mình Nga vẫn thể hiện họ đang trung lập trong cuộc xung đột.

Theo Al Jazeera, chiến dịch quân sự do NATO dẫn đầu năm 2011 tại Libya nhằm lật đổ chính quyền Gaddafi đã khiến Moscow mất đi đồng minh chủ chốt và làm suy yếu các lợi ích kinh tế và chiến lược của nước này trong khu vực.

Vì vậy, nếu như Nga hiện tại đang ủng hộ tướng Haftar, đây cũng là một động thái hợp lý để san bằng tỷ số với NATO.

Năm 2008, Gaddafi đến thăm Moscow, nơi ông đàm phán các thỏa thuận với Chính phủ Nga bao gồm các thỏa thuận thương mại mới về vũ khí, đường sắt và thăm dò dầu khí trị giá ước tính 10 tỷ USD. Nga hy vọng sẽ phục hồi các thỏa thuận này.

Sự can dự của Nga ở Libya được cho là leo thang mạnh mẽ vào tháng 4/2019, khi tướng Haftar phát động chiến dịch quân sự nhằm chiếm Tripoli.

Vài nghìn lính đánh thuê Nga, chủ yếu từ công ty quân sự tư nhân Wagner Group, đã được cử đến hỗ trợ nỗ lực của tướng Haftar. Sự can thiệp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhân danh GNA đã khiến lực lượng của Haftar nhanh chóng bị đẩy khỏi Tripoli, nhưng các lính đánh thuê của Nga đã không rời khỏi đất nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không phủ nhận có lính đánh thuê của Nga ở Libya nhưng tuyên bố họ không đại diện cho nhà nước và không được Chính phủ Nga trả lương.

Tuy nhiên, sự hiện diện của lính đánh thuê ở Libya không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Moscow đối với quốc gia này. Nga cũng nổi lên như một nhân tố chính trong các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột trong năm qua.

Ví dụ, vào tháng 1/2020, Nga đã tổ chức các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa tướng Haftar và người đứng đầu GNA Fayez al-Sarraj ở Moscow.

Trong khi các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ đồng chủ trì không đảm bảo được thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tham chiến, Nga đã xác lập vai trò của mình như một bên liên quan và là trung gian hàng đầu trong cuộc xung đột.

Vài ngày sau, khi Đức tổ chức một hội nghị quốc tế lớn về Libya ở Berlin, Tổng thống Putin một lần nữa đóng vai trò hàng đầu trong những nỗ lực giải quyết xung đột, tạo thêm sức nặng cho nhận thức ngày càng tăng rằng tương lai của Libya sẽ khó thiết lập nếu không có sự tham gia của Nga.

Hơn nữa, kể từ các cuộc họp hồi tháng 1 tại Moscow và Berlin, Nga đã phối hợp chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải bất kỳ quốc gia EU nào, để đảm bảo một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và dàn xếp chính trị ở Libya.

Ngày nay, nhờ các cuộc đấu đá nội bộ giữa các nước châu Âu, và đặc biệt là các chiến lược phản tác dụng của Pháp, EU đã mất phần lớn năng lực và uy tín để gây ảnh hưởng ở Libya, tờ Al Jazeera nhận định.

Nhưng châu Âu sẽ không thể để Nga định hình Libya theo mong muốn, bởi đây là quốc gia nằm gần các bờ biển châu Âu.

Điều này sẽ làm suy yếu và đe dọa đến an ninh, lợi ích kinh tế của EU, đặc biệt nếu Moscow thành công trong việc thiết lập chỗ đứng vững chắc ở Libya.

Cho rằng sự hiện diện quân sự của Nga ở Địa Trung Hải là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của NATO, chính quyền mới của Joe Biden được khuyến nghị tìm cách tái can dự vào Libya. Điều này sẽ khuyến khích các đồng minh châu Âu/NATO đóng vai trò tích cực hơn trong việc kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Bắc Phi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại