Trả giá đắt: Suýt viêm màng não vì cái bông tăm

Ngọc Anh |

Sử dụng bông tăm sau khi tắm xong là thói quen của nhiều người thậm chí nhiều đứa trẻ mới 2, 3 tuổi đã tự lấy bông tăm ngoáy tai sau khi tắm, điều này vô cùng nguy hiểm.


Nằm viện cả tuần vì cái bông tăm

Bé Lê Thùy H (12 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải vào bệnh viện cấp cứu vì viêm tai sau cả mùa hè đi bơi. Theo mẹ của bé H mỗi tuần bé đi bơi 3 buổi và có thói quen sử dụng bông tăm để vệ sinh sau bơi.

Do chất lượng bông tăm không tốt, một lần H ngoáy tai đã bị rơi phần bông trong ống tai nhưng không có cách nào lấy ra. Tuy nhiên, sau đó bé H cũng không nói với bố mẹ vì nghĩ bông tăm sẽ tự chui ra ngoài. Khoảng 1 tuần sau bé H có triệu chứng ngứa và bắt đầu sưng đỏ.

Gia đình bé H đã đưa bé đến một phòng khám, bác sĩ nội soi thấy trong tai có dị vật và gắp ra là một mẩu bông tay. Tuy nhiên, một tuần sau, H bị sốt kèm theo đau nửa đầu vùng tai bị mắc kẹt bông (đã gắp dị vật ra).

Bé H được bố mẹ đưa vào bệnh viện khám. Lúc này, các bác sĩ phát hiện trong ống tai có ổ áp xe nhiều mủ và gần xương chũm, chỉ chậm trễ có thể gây viêm màng não. Bé H đã phải nằm viện dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch và uống để điều trị nhiễm trùng.

Sau khi ra viện về nhà, tắm gội đầu xong theo thói quen cũ, H lại lấy bông tăm để ngoáy tai và 2 tuần sau bé lại phải nhập viện vì bị bông tăm mắc kẹt trong tai. Không những thế, những tổn thương cũ tiếp tục bắt đầu nhiễm trùng. Bác sĩ khuyến cáo trường hợp của bệnh nhân H tuyệt đối không sử dụng bông tăm và nếu sử dụng phải dùng bông tăm có chất lượng tốt.

Trả giá đắt: Suýt viêm màng não vì cái bông tăm - Ảnh 1.

Sử dụng bông tăm có thể gây nguy hiểm cho tai

Mẹ của em H chia sẻ, bản thân chị cũng nghĩ bông tăm lỏng mềm nên dùng thích hơn các loại bông tăm ép chặt, cứng. Sau hai lần con gái đi viện, mẹ của H tự nhủ nói không với bông tăm.

Theo thạc sĩ Vũ Toàn Mạnh – chuyên khoa tai mũi họng, Bệnh viện đa khoa An Việt, bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân bị bông tai mắc kẹt trong tai gây nên các biến chứng viêm ống tai ngoài.

Bác sĩ Mạnh cho biết, vào mùa hè tỷ lệ bệnh nhân tới cầu cứu bác sĩ vì bị viêm ống tai ngoài càng tăng. Có trường hợp bé gái 8 tuổi vào viện với đôi tai sưng đỏ tấy và bác sĩ gắp ra cả cục bông tai. Mỗi lần tắm xong thấy tai ngứa cháu bé lại lấy bông ngoáy và các lớp bông dính lại trong ống tai tạo thành ổ môi trường lý tưởng để vi khuẩn hoạt động.

Bỏ thói quen dùng tăm bông sau khi tắm

Bình thường việc sử dụng tăm bông ngoáy tai không đúng cách làm lớp da ngoài tổn thương sâu hơn, để càng lâu tình trạng tổn thương sẽ sâu hơn gây đau, tiết dịch. Các dịch này sẽ đặc lại gây nên tình trạng viêm tai kéo dài, nếu người bệnh vẫn tiếp tục ngoáy nữa thì sẽ bị nhầy mủ và bội nhiễm nhiều hơn.

Nếu ở những người suy giảm miễn dịch hay đái tháo đường, bị viêm tai ngoài càng nguy hiểm vì nó sẽ viêm hoại tử nặng lan rộng có thể gây tử vong. Vi trùng có thể phá hủy các cấu trúc mô mềm xung quanh, lan đến nền sọ. Biến chứng nặng liệt dây thần kinh do viêm màng não, áp xe não thì bệnh nhân cần phải nhập viện điều trị tích cực.

Trả giá đắt: Suýt viêm màng não vì cái bông tăm - Ảnh 3.

Thạc sĩ Vũ Toàn Mạnh

Theo bác sĩ Mạnh, các triệu chứng ban đầu của viêm ống tai là ngứa tai, ngứa tai ngày càng tăng dần, đặc biệt nếu ngoáy tai nhiều, sau đó bệnh nhân có biểu hiện tức tức trong ống tai rồi bắt đầu cảm giác đau tai, ngày càng tăng, đau nhức nhối, đau lan lên đầu, nhiều bệnh nhân có cảm giác đau giật lên nửa đầu. Biểu hiện đau càng tăng khi bệnh nhân nhai hoặc ngáp. Trường hợp nặng có thể xuất hiện sốt 38 - 39ºC, sưng tấy nửa mặt bên tai đau, chạm nhẹ vào tai đã thấy đau.

Viêm ống tai ngoài là bệnh rất hay tái phát nếu vẫn giữ thói quen ngoáy tai khi ngứa. Vì vậy, nếu thấy ngứa tai khi bơi do nước vào tai, chỉ nên nghiêng đầu về phía bên đó một lúc, đồng thời kéo vành tai chúc xuống cho nước chảy hết ra ngoài là được, chứ không nên tìm mọi cách để ngoáy tai.

Hoặc trường hợp khác nếu bị nước vào tai, bác sĩ Mạnh khuyên có thể lấy nước muối nhỏ vào tai nước muối tác dụng với nước trong tai thành khối và tự ra ngoài khi ta lắc đầu nhẹ nhẹ. Không nên sử dụng bông tăm để ngoáy tay hoặc lấy các dụng cụ khác đưa vào ống tai. Thói quen sử dụng tăm bông tưởng tốt cho tai nhưng thực chất lại hại tai.

Ngoài ra, bác sĩ Mạnh khuyến cáo khi phải dùng bông tăm, mọi người cần chú ý tới chất lượng tăm bông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại