TP.HCM: Y, bác sĩ tại trạm y tế khó học nâng cao trình độ vì ‘bí’ kinh phí

THU HIẾN |

Nhiều bác sĩ tại trạm y tế ở TP.HCM cho biết nhân viên, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ làm việc lâu năm tại trạm y tế, muốn học bác sĩ để kê đơn thuốc hay nâng cao tay nghề nhưng không có nơi đào tạo và không có kinh phí học thêm.

TP.HCM: Y, bác sĩ tại trạm y tế khó học nâng cao trình độ vì ‘bí’ kinh phí - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc tại UBND quận 8 ngày 20-12 - Ảnh: THU HIẾN

Ngày 20-12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi làm việc tại quận 8 về việc giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, bác sĩ Lê Hồng Tây - trưởng Phòng y tế quận 8 - cho biết với đặc thù địa bàn có mật độ dân số đông, nhiều khu nhà trọ, nhà ven kênh rạch, nhiều nơi không gian sinh hoạt chật hẹp, tạm bợ… tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch lớn.

Có thời điểm quận 8 là một trong tám quận, huyện có nhiều ca bệnh COVID-19 nhất, với nhiều chùm ca bệnh như: chuỗi lây nhiễm chợ đầu mối Bình Điền; chùm lây nhiễm từ khu phố 2, phường 16 từ chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân)...

Đối với các trạm y tế, về cơ bản Trung tâm Y tế quận 8 điều phối đủ bác sĩ để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, một số bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề, danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại trạm không đầy đủ cho nhu cầu bệnh nhân…

Bác sĩ Cấn Thị Thư Vy - trưởng Trạm y tế phường 7, quận 8 - cho biết hiện tại rất khó khăn cho lực lượng y sĩ tại trạm y tế để học nâng cao trình độ lên bác sĩ. Lý do là các trường công lập không có trường nào đào tạo, mở lớp, chỉ có trường tư nhưng giá rất cao, lên đến hàng tỉ đồng.

"Y sĩ ở trạm không thể nào liên thông lên được vì nguồn kinh phí lớn, mức lương trạm y tế thấp hạn chế nâng cao trình độ của họ. Đây là một trong những lực lượng có khả năng thay được cho trưởng, phó trạm y tế nghỉ hưu vì có thâm niên gắn bó với người dân từ 5-10 năm.

Các bác sĩ mới ra trường ở với trạm rất khó, đặc biệt là các bác sĩ ở trường lớn chỉ muốn ngồi khám ở bệnh viện, phần lớn trưởng, phó trạm là y bác sĩ hoặc bác sĩ y học dự phòng học lên", bác sĩ Vy nói.

Theo bác sĩ Vy, hơn 300 trạm y tế tại TP có rất nhiều lực lượng y sĩ do đó cần phải mở thêm các lớp đào tạo để họ học lên bác sĩ. Ngoài y bác sĩ còn rất nhiều chức danh như điều dưỡng, nữ hộ sinh, bác sĩ y học dự phòng… cần phải bổ sung cho trạm đều là nguồn lực quan trọng.

TP.HCM: Y, bác sĩ tại trạm y tế khó học nâng cao trình độ vì ‘bí’ kinh phí - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - đề xuất sẵn sàng hỗ trợ đào tạo cho bác sĩ tuyến y tế cơ sở - Ảnh: THU HIẾN

Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết để thay đổi các chính sách về đào tạo cần có thời gian tương đối. Do đó đề xuất trước mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM sẵn sàng đào tạo cho các bác sĩ tại trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận 8.

Bên cạnh đó, quận 8 nên có kế hoạch chi tiết, việc đào tạo sẽ cuốn chiếu. Bên cạnh đào tạo chuyên sâu, có rất nhiều hình thức chia sẻ kiến thức chuyên môn cho các bác sĩ phục vụ cho nhu cầu cấp cứu của người dân. Chẳng hạn, tham gia vào các nhóm chuyên môn để hỗ trợ người dân trước tiên, tạo thế chủ động.

Ông Thức cho biết thêm, trạm y tế có thể đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy, hoặc các bệnh viện hạng 1 trở lên đỡ đầu. Trong quá trình đỡ đầu sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn, thậm chí cử bác sĩ bệnh viện xuống trực một ngày, hỗ trợ máy móc, đây là việc thiết thực, hoàn toàn khả thi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại