TP.HCM tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt

Hoàng Lộc |

Người dự thi phải đủ các điều kiện bổ nhiệm theo quy định chung về công tác cán bộ; có hồ sơ, lý lịch cá nhân rõ ràng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận và phải trải qua 2 vòng thi.

TP.HCM tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt - Ảnh 1.

Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: Sở Y tế TP.HCM

Đây là lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc bệnh viện nhằm mục tiêu phát hiện, bổ nhiệm người vừa có đạo đức và phẩm chất chính trị theo đúng quy định; vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết ngành y tế đã được UBND TP.HCM đồng ý về chủ trương thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc bệnh viện, cụ thể là chức danh giám đốc bệnh viện Mắt .

Theo dự kiến, việc thi tuyển giám đốc Bệnh viện Mắt sẽ bắt đầu triển khai trong tháng 10-2022. Người dự thi phải bảo đảm tiêu chuẩn chung quy định, có hồ sơ, lý lịch cá nhân đầy đủ, rõ ràng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận.

Riêng đối với chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt, tất cả cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP.HCM nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có trong danh sách quy hoạch các chức danh tương đương với chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt đều được quyền đăng ký dự thi.

Kể từ tháng 2-2021, khi ông Nguyễn Minh Khải - nguyên giám đốc Bệnh viện Mắt, cùng 3 phó giám đốc bệnh viện gồm bà Võ Thị Chinh Nga, Nguyễn Trí Dũng, Phí Duy Tiến bị Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) bắt để điều tra các sai phạm trong vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", Bệnh viện Mắt TP.HCM khuyết vị trí giám đốc. Người được giao nhiệm vụ điều hành bệnh viện thời gian qua là phó giám đốc, bác sĩ Đỗ Quốc Hiệp.

Thi tuyển giám đốc bệnh viện như thế nào?

Theo Sở Y tế TP.HCM, người đủ điều kiện dự thi sẽ trải qua 2 phần thi, gồm thi viết kiến thức chung và phần trình bày đề án.

Trong đó, ở phần thi kiến thức chung, người dự thi sẽ làm bài viết trả lời các câu hỏi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển. Về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển và về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự thi, cùng các nội dung khác do hội đồng thi quy định.

Thời gian thi 180 phút, bài thi viết được chấm theo thang điểm 100. Người dự thi phải có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên mới được tham gia phần thi thứ hai - phần thi trình bày đề án.

Người dự thi đạt điểm tối thiểu của vòng thi kiến thức chung sẽ viết đề án và trình bày đề án trước hội đồng thi về đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự thi nếu được bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển...

Sau phần trình bày đề án, người dự thi sẽ được hội đồng thi đặt các câu hỏi vấn đáp và trả lời trực tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống quản lý và phong cách lãnh đạo cũng được tính điểm trong phần thi này. Người dự thi đạt điểm cao nhất của phần thi trình bày đề án sẽ được tuyển chọn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại