Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết từ ngày 13/11 đến ngày 19/11/2023 (tuần 46), thành phố ghi nhận 1.373 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, nâng tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2023 đến tuần 46 là 39.413 ca. Huyện Nhà Bè, Bình Chánh và quận Bình Tân là 3 địa phương có số ca mắc cao.
Trong khi đó, trong tuần 46 TP.HCM cũng ghi nhận 443 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, nâng số ca mắc bệnh từ đầu năm lên 16.542 ca. Ngoài huyện Nhà Bè thì quận 1 và quận Bình Thạnh cũng là 2 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao.
TP.HCM: Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có dấu hiệu giảm, nỗi lo cảm cúm tăng dần cuối năm
Trao đổi với chúng tôi, Th.BS Nguyễn Đình Qui - Phó khoa Truyền nhiễm, Quyền điều hành khoa, BV Nhi đồng 2 cho biết tình hình bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc bệnh không nổi trội, chưa gây ra đỉnh dịch.
"Tình hình sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn có xu hướng tăng nhưng tăng nổi trội thì không, mỗi ngày chỉ tăng một chút và mình theo kịp để điều trị, đáp ứng phòng chống dịch kịp thời.
Hiện số ca điều trị ngoại trú của bệnh viện có tăng nhưng chưa thống kê cụ thể. Còn nội trú thì ở khoa mỗi ngày điều trị từ 18-20 ca sốt xuất huyết với từ 10-12 ca bệnh nhân mới. Trong số này có khoảng 10-15% là các ca nặng, phải truyền dịch, cấp cứu. Đối với bệnh tay chân miệng thì hầu hết các bé nhập viện ở mức độ 2A, mức 2B thì không nhiều và nổi trội như các tháng trước", Th.BS Nguyễn Đình Qui nói.
Th.BS Nguyễn Đình Qui chia sẻ về tình hình dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng tại BV Nhi đồng 2
Theo BS Qui, tình hình dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết có khả năng sẽ kéo dài đến Tết và sau Tết, hiện vẫn chưa thấy có dấu hiệu trũng xuống.
"Với tình hình thời tiết tại TP.HCM vẫn còn mưa, nguy cơ sốt xuất huyết vẫn có khả năng tiếp tục vì muỗi nhiều làm gia tăng virus sốt xuất huyết. Đối với dịch tay chân miệng thì trẻ vẫn còn đi học nhiều, nếu làm công tác phòng ngừa tốt sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh", BS Qui phân tích.
Cũng theo Th.BS Nguyễn Đình Qui, ngoài sốt xuất huyết và tay chân miệng, vào thời điểm cuối năm thì bệnh về đường hô hấp, cảm cúm sẽ gia tăng. Việc phân biệt được các tác nhân gây cảm sốt sớm sẽ là điều kiện tiên quyết giúp điều trị cho trẻ được kịp thời, tránh diễn tiến nặng, nguy hiểm.
"Để phân biệt được các loại sốt khi các bậc phụ huynh có con em sốt từ 2-3 ngày không khỏi thì tốt nhất nên đưa con em mình đi khám ở các cơ sở y tế. Từ đó dựa vào kết quả khám để biết bé có bị tay chân miệng hay không thông qua biểu hiện ở hồng ban tay chân, loét miệng.
Đối với sốt xuất huyết thì phát hiện dựa vào các xét nghiệm chẩn đoán, nếu bé không bị sốt xuất huyết và tay chân miệng, chỉ sốt đơn thuần, không khó thở thì phụ huynh có thể cho bé điều trị ngoại trú cảm cúm siêu vi thông thường. Phát hiện sớm để có kế hoạch điều trị và theo dõi bé từ đầu, ngăn ngừa bệnh tình diễn tiến nặng. Đồng thời phải lưu ý việc phòng ngừa, coi con em mình đã được chích vaccine cảm cúm trong năm nay chưa thì phải thực hiện. Rửa tay và đeo khẩu trang cũng là cách để giúp bé phòng ngừa tốt hơn các bệnh truyền nhiễm", Th.BS Nguyễn Đình Qui nói.
Ghi nhận tại phòng cấp cứu, khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng 2, hiện có 3 trường hợp sốt xuất huyết nặng, có sốc và tái sốc. Đặc biệt, 1 bệnh nhi phải hỗ trợ hô hấp sau khi suy hô hấp vì sốt xuất huyết.
Chăm sóc đứa con trai 9 tuổi mắc sốt xuất huyết nặng, chị Nguyễn Thị Thủy (ngụ quận 12) cho biết rất lo lắng khi thấy con liên tục sốt cao, phải thở máy.
"Ban đầu thì bé có triệu chứng giống cảm cúm, đưa đi phòng khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết nên gia đình mới đưa con vào bệnh viện. Bé bị nôn ói, đau nhức mình, đi phân lỏng và sốt tận 40 độ khiến chị rất lo lắng. Giờ chị chỉ mong con sớm hết bệnh", chị Thủy nói.
Chị Thủy lo lắng khi con trai mắc sốt xuất huyết nặng, phải thở máy
Theo BS. Qui, việc điều trị sốt xuất huyết khó nhưng dự phòng bệnh thì dễ, các bậc phụ huynh cần chú ý đến nơi sinh sống, sinh hoạt để muỗi không có cơ hội để sinh sản. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao 2-3 ngày cần đưa trẻ đi khám, làm xét nghiệm chẩn đoán lâm sàng có mắc sốt xuất huyết hay không. Thông thường, khoảng 60% trẻ mắc sốt xuất huyết có thể điều trị ở nhà. Điều quan trọng của bố mẹ là phải theo dõi diễn tiến bệnh của con em mình, tránh tình trạng chủ quan, lơ là khiến trẻ trở nặng.