TP HCM: Một ca tử vong vì bệnh tay chân miệng

Bài, ảnh: Hải Yến |

Những ngày qua, tại TP HCM, số ca nhập viện khám và điều trị vì bệnh tay chân miệng ở các bệnh viện nhi có xu hướng tăng. Đáng chú ý, một trường hợp mới tử vong.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết những ngày qua, tại bệnh viện, mỗi ngày tiếp nhận từ 20-30 ca bệnh nhi đến khám vì tay chân miệng, trong đó có khoảng 5-7 ca phải nhập viện điều trị.

TP HCM: Một ca tử vong vì bệnh tay chân miệng - Ảnh 1.

BS CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng

Đáng chú ý, mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi, qua quá trình sàng lọc, chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ nhận định bệnh nhi mắc tay chân miệng độ nặng. Dù đã nỗ lực điều trị nhưng đêm qua (31-5), bệnh nhi đã tử vong. Hiện bệnh viện cũng đã gửi mẫu xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM. Dự kiến, 1-2 ngày sẽ có kết quả.

BS CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết mỗi ngày, tại khoa cho xuất viện khoảng 5-7 trẻ, đây cũng là số trung bình trẻ nhập viện. Tuy nhiên, trong ngày hôm qua, tiếp nhận 9 trẻ phải nhập viện điều trị. Khoa đang điều trị cho 16 trẻ, trong đó có 2 trẻ mắc tay chân miệng độ 2B phải nằm phòng cấp cứu. Thời gian gần đây, số trẻ mắc tay chân miệng có xu hướng tăng. Trung bình tháng 4, ghi nhận có khoảng 350 trẻ và tháng 5 có khoảng 450 trẻ mắc tay chân miệng.

TP HCM: Một ca tử vong vì bệnh tay chân miệng - Ảnh 2.

Một trong những dấu hiệu trẻ mắc tay chân miệng là nổi hồng ban bóng nước kèm sốt...

Bác sĩ Quy cho biết thêm tay chân miệng có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, trong đó, dấu hiệu nặng thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi. Vì độ tuổi này trẻ còn nhỏ, sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa trọn vẹn nên khi mắc bệnh sẽ dễ gặp biến chứng nhiều hơn.

Tương tự, ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho thấy số trẻ nhập viện cũng có xu hướng tăng. Dù chưa ghi nhận ca nặng nhưng bệnh nhi nhập viện có chuyển biến nhanh.

Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng thường xuất hiện vào thời điểm từ tháng 3-5; lần 2 vào các tháng từ 9-12… Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh giờ mới bắt đầu nên tự kiến trong những tháng tới dịch bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng.

Để phân biệt được dấu hiệu rôm sảy và nổi ban bóng nước của tay chân miệng, bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết đối với vết hăm tã, rôm sảy trẻ sẽ ngứa nên sẽ có vết trầy xước do trẻ gãi, còn nốt tay chân miệng có bóng nước. Bên cạnh đó, trẻ bị rôm sảy, hăm tã do nắng nóng sẽ không sốt; còn trẻ mắc tay chân miệng sẽ có sốt kèm theo. Đồng thời, trẻ mắc tay chân miệng sẽ có thêm dấu hiệu như ngủ giật mình, chới với, hoảng hốt. Ngoài ra, trẻ hay chảy nước miếng. "Cũng cần lưu ý, thường trẻ chảy nước miếng kèm theo sốt nhiều phụ huynh nhầm lẫn vì con mọc răng. Do đó, khi con xuất hiện 2 triệu chứng trên cần kiểm tra xem miệng trẻ có vết loét hay không để kịp thời đưa trẻ thăm khám" – bác sĩ Quy nhấn mạnh.

Trước tình hình trên, bác sĩ Dư Tuấn Quy khuyến cáo bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa. Do đó, phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh tay thường xuyên, khử khuẩn sàn nhà và đồ chơi cho trẻ thường xuyên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại