Tomomi Inada: Bóng hồng Nhật đối phó Trung Quốc

Minh Thùy |

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, D.C ngày 15.9 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada tuyên bố Nhật ủng hộ hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

Báo South China Morning Post nhận định nhân chuyến thăm Mỹ của bà Inada, Mỹ sẽ có cơ hội quan sát rõ hơn một phụ nữ có tiềm năng trở thành thủ tướng Nhật.

Nữ chính khách Nhật Tomomi Inada với quan điểm bảo thủ sắc bén đã được mệnh danh là Sarah Palin của Nhật. Bà mới được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng ngày 3.8.2016.

Báo South China Morning Post ghi nhận có thể nói chuyến thăm Mỹ ngày 15.9 diễn ra vào thời điểm rất quan trọng trong sự nghiệp chính trị của bà Inada.

Người chuẩn bị kế thừa thủ tướng

Giáo sư khoa học chính trị Koichi Nakano tại Đại học Sophia ở Tokyo (Nhật) bình luận: "Giống như bà Marine Le Pen ở Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Inada đang nỗ lực xây dựng để hình ảnh trở nên dễ chấp nhận hơn với công chúng nhưng đồng thời cũng duy trì đường lối cánh hữu của bà".

Cuộc hội đàm giữa bà Inada và các quan chức Mỹ được xem như một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhằm bồi dưỡng cho người kế nhiệm ông trong tương lai đồng thời là cũng là nữ lãnh đạo đầu tiên của Nhật.

Tomomi Inada: Bóng hồng Nhật đối phó Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngày 23.8.2016, Bộ trưởng Quốc phòng Inada đến thăm tàu sân bay trực thăng Izumo ở Yokosuka - Ảnh: Kyodo

Tại một diễn đàn vào tháng 2 vừa qua, ông Abe đã ca ngợi bà Inada là “một ứng viên rất vững chắc cho vị trí thủ tướng".

Dường như hiện nay ông Abe đang cố gắng cung cấp thật nhiều kinh nghiệm cho bà Inada trong công việc khó khăn này.

Bà Inada có một danh sách các vấn đề quan trọng cần thảo luận tại Washington như đối phó CHDCND Triều Tiên, duy trì căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa, khả năng đối đầu quân sự ở biển Hoa Đông, nơi Nhật và Trung Quốc đang tranh chấp quần đảo Senkaku.

Cựu Phó đô đốc Nhật Yoji Koda ghi nhận bà Inada còn phải thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Mỹ chú ý nhiều hơn đến châu Á.

Ông nhận xét: "Bà ấy phải thu hút được sự chú ý của Washington và cho Mỹ thấy chính sách tái cân bằng của Tổng thống Obama đã thất bại về chính trị lẫn quân sự khi không thể ngăn chặn hành động quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực này".

Người phụ nữ theo chủ nghĩa xét lại

Vai trò mới bộ trưởng Quốc phòng sẽ là phép thử cho bà Inada, cựu luật sư 57 tuổi là mẹ của hai con. Bà không xuất thân từ dòng họ làm chính trị như nhiều nhà chính trị nam giới khác. 

Bà xây dựng tên tuổi của mình bằng cách đấu tranh cho chủ nghĩa xét lại, tư tưởng mà Thủ tướng Abe đang theo đuổi.

Năm 2003, bà đã thay mặt gia đình 2 sĩ quan quân đội Nhật hoàng có tham gia vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 kiện 2 tờ báo phỉ báng họ. Dù bà thua vụ kiện này nhưng bà đã lọt vào mắt xanh của Thủ tướng Shinzo Abe.

Sau khi phát hiện ra bà, ông Abe đã khuyến khích bà ứng cử vào Hạ viện dưới danh nghĩa của đảng Dân chủ Tự do (LDP). Bà đã giành được một ghế trong Hạ viện năm 2005 và bắt đầu hành trình phát triển đáng kinh ngạc trong sự nghiệp chính trị.

Tuy nhiên, bà Inada đã khiến các nước láng giềng của Nhật phải tức giận khi bà tuyên bố phụ nữ mà quân đội Nhật hoàng sử dụng làm nô lệ tình dục trong vụ thảm sát Nam Kinh là gái mại dâm. Năm 2011, Hàn Quốc đã ra lệnh cấm khi bà Inada định đến thăm một hòn đảo đang tranh chấp.

Tomomi Inada: Bóng hồng Nhật đối phó Trung Quốc - Ảnh 2.

Ngày 12.9.2016, Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Inada đến dự lễ tại lực lượng phòng vệ Nhật - Ảnh: EPA

Người phụ nữ với quan điểm cứng rắn

Sau khi được bổ nhiệm bộ trưởng Quốc phòng, bà Inada đã tuyên bố các hành động của Nhật trong thời kỳ chiến tranh "phụ thuộc vào quan điểm của một cá nhân" và "không thích hợp” để bà bình luận thêm.

Trung Quốc đã bày tỏ phẫn nộ trước nhận xét này. Còn báo chí Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng vai trò mới của bà Inada có thể sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa hai nước vốn đã trở nên trơn tru hơn trong năm nay.

Đối với Mỹ, bà Inada cũng đã thể hiện thái độ không mấy thiện chí khi nói rằng Mỹ đã không công bằng khi kết tội các nhà lãnh đạo Nhật trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh. Đồng thời, bà cũng tuyên bố Nhật nên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các nhà phân tích cho rằng điều bà Inada cần làm hiện nay là thể hiện một thái độ ôn hòa hơn hoặc một đường lối ít cứng rắn hơn để không gây khó chịu cho các nước khác.

Michael Green, giám đốc bộ phận Nhật của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ, chia sẻ: "Qua trò chuyện với bà ấy, tôi nhận ra bà ấy không phải là một nhà tư tưởng giỏi mà bà giỏi hoạch định chính sách hơn".

Ông cũng nhận xét bà Inada có tư tưởng ủng hộ cộng đồng LGBT và ủng hộ cải cách nhập cư.

Người sẵn sàng đối phó với Trung Quốc

Các nhà phân tích nhận định nhằm gia tăng cơ hội trở thành thủ tướng cho bà Inada, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa bà Inada vào nội các trong cuộc cải tổ hồi tháng trước.

Đây là động thái giúp bà Inada thoát khỏi các vấn đề phụ nữ quá khuôn mẫu mà bà phụ trách trước đây, đồng thời cũng giúp bà có được bản sơ yếu lý lịch đẹp hơn.

Khi ông Abe trở lại làm thủ tướng lần thứ 2 vào cuối năm 2012, ông đã tạo ra một bộ phận nhằm thực hiện chiến lược quyền lực mềm của Nhật và giao cho bà Inada giữ chức bộ trưởng phụ trách quảng bá thực phẩm, thời trang và văn hóa Nhật.

Trong vai trò này, bà phải ăn mặc theo phong cách Gothic Lolita hoặc mặc trang phục lấp lánh nhằm quảng bá văn hóa "cosplay" của Nhật. Tuy nhiên, bà mang vớ lưới và đeo gọng kính thời trang mặc dù các báo cáo cho biết bà không hề có vấn đề về thị lực.

Nhà phê bình Nakano thẳng thắn nhận xét: "Để bà Inada giải quyết các vấn đề quốc phòng có thể là một cơ hội để bà chứng minh rằng mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị nhưng bà ấy có khả năng lãnh đạo đất nước.

Tuy nhiên, quyết định này của ông Abe cũng có thể gây ra tác dụng ngược vì những thay đổi gây tranh cãi diễn ra trong chính sách quốc phòng của Nhật".

Thật vậy, trên cương vị thủ tướng, ông Abe đang cố gắng dở bỏ những hạn chế thời hậu chiến trong hiến pháp hòa bình của Nhật.

Tomomi Inada: Bóng hồng Nhật đối phó Trung Quốc - Ảnh 3.

Ngày 15.9.2016 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đón tiếp người đồng cấp Inada tại Lầu Năm Góc - Ảnh: Kyodo

Song song với gia tăng ngân sách quốc phòng, bà Inada đã đề nghị khoản chi lên đến 51 tỉ USD cho năm tiếp theo nhằm mục đích đối phó với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và cũng để chi cho những động thái đáp trả Triều Tiên.

Nhà phê bình Nakano ghi nhận: "Để bà Inada phụ trách quốc phòng sẽ khiến Trung Quốc có thêm cơ sở cho rằng Nhật đang quân sự hóa đất nước và đang cố gắng trở về thời kỳ trước đây".

Thủ tướng Abe chắc hẳn đã nghĩ đến trường hợp này. Tuy nhiên, có vẻ ông ủng hộ bà Inada vì ông đã nhiều lần so sánh bà với Jeanne d'Arc (nữ anh hùng Pháp) nhờ khả năng áp đảo phái nam trong các tình huống khó khăn.

Song cũng đã một lần ông Abe đề cập đến kết cục bị thiêu sống của bà Jeanne d'Arc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại