Toan tính của các bên sau vụ phá hoại nhà máy hạt nhân Iran

Thùy Dương |

Mỹ và Israel từng phối hợp để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran, nhưng lần này, Mỹ bác bỏ liên quan vụ phá hoại nhà máy hạt nhân Natanz ở nước Cộng hoà Hồi giáo trong bối cảnh đang tìm cách khôi phục đàm phán với Tehran.

Theo tờ New York Times, khi Nhà Trắng khẳng định không liên quan tới vụ tấn công nhà máy Natanz ngày 11/4, dư luận đặt ra câu hỏi liệu Israel có hành động một mình và làm suy yếu con đường ngoại giao của Mỹ khi Tổng thống Joe Biden tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Hoặc Israel có thể phối hợp với các lợi ích Mỹ, thực hiện các công việc phá hoại làm suy yếu vị thế đàm phán của Iran tại Viena sắp tới.

Mỹ cũng không bình luận gì khi được hỏi có được thông báo trước về vụ tấn công nhà máy Natanz hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III vừa đặt chân tới Israel ngày 11/4 vào buổi sáng diễn ra vụ tấn công. Ông đã tổ chức hai họp báo trước khi rời Israel mà không nhắc tới Iran một lần.

Toan tính của các bên sau vụ phá hoại nhà máy hạt nhân Iran - Ảnh 1.

Nhà máy làm giàu urani Nataz năm 2005. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh Iran giận dữ vì vụ tấn công, giới chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao không biết Iran có cử đại diện tới Vienna để đàm phán vào ngày 15/4 hay không.

Tại Tehran, giới nghị sĩ đã đề nghị Ngoại trưởng Javad Zarif ngừng đàm phán, nói rằng Iran không nên tham gia đàm phán khi bị tấn công. Ông Abbas Moghtadaie, Phó chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia của quốc hội Iran, nói ngày 12/4: “Đàm phán dưới áp lực không có ý nghĩa gì cả. Đây là thông điệp chúng tôi muốn đưa ra rất rõ ràng ngày hôm nay”.

Chính quyền của ông Biden đang tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân đã bị ông Donad Trump rút bỏ cách đây 3 năm. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phản đối thỏa thuận hạt nhân ban đầu và công khai phản đối khôi phục thỏa thuận.

Về phần mình, trong một tuyên bố phát trên đài truyền hình nhà nước Iran, Ngoại trưởng Iran Zarif cho rằng Israel muốn trả thù vì Iran tiến triển trên con đường dỡ bỏ trừng phạt. Ông Zarif cũng nhấn mạnh: “Nhưng chúng tôi sẽ trả thù người Israel”.

Bình luận của ông Zarif cho thấy nguy cơ leo thang căng thẳng cuộc chiến ngầm kéo dài nhiều năm giữa Iran và Israel.

Toan tính của các bên sau vụ phá hoại nhà máy hạt nhân Iran - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AP

Với người Iran, vụ tấn công ngày 11/4 là một dấu hiệu nữa cho thấy chương trình hạt nhân Iran đã bị gián điệp và những kẻ phá hoại xâm nhập để thực hiện một loạt vụ tấn công liều lĩnh.

Trong khi Israel im lặng khi các vụ tấn công kiểu này xảy ra, báo chí Israel thường dẫn nguồn tin tình báo nói rằng cơ quan tình báo Israel Mossad là bên đứng đằng sau.

Một quan chức tình báo giấu tên cho biết thiết bị nổ đã được tuồn vào nhà máy Natanz và được kích nổ từ xa để đánh sập hệ thống điện chính và dự phòng của nhà máy. Giới chức tình báo cho rằng Iran sẽ mất vài tháng để khắc phục thiệt hại.

Vụ tấn công mới nhất này đã khiến đơn vị tình báo của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bị chỉ trích. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khu vực hạt nhân vào bảo vệ các nhà khoa học hạt nhân. Một số nhà bình luận bảo thủ đã lên mạng xã hội kêu gọi cải tổ lãnh đạo cơ quan hạt nhân Iran và kêu gọi Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao quản lý hồ sơ hạt nhân thay Bộ Ngoại giao.

Trong khi đó, giới chức Mỹ lo ngại vụ tấn công sẽ khiến Iran đưa chương trình hạt nhân sâu hơn vào lòng đất và khó tiếp cận. Cách đây vài năm, Iran đã xây nhà máy nhỏ sâu trong núi gần thành phố Qum.

Đây không phải là lần đầu kẻ thù của Iran đã tìm cách làm gián đoạn nguồn điện để tác động tới chương trình quân sự, hạt nhân của nước này. Trước đây, Mỹ đã nghiên cứu kỹ thuật này nhưng từ bỏ, thay vào đó dùng mã độc Stuxnet để phá hoại.

Toan tính của các bên sau vụ phá hoại nhà máy hạt nhân Iran - Ảnh 4.

Thủ tướng Israel (giữa) và các quan chức tình báo. Ảnh: GPO

Một số chuyên gia cho rằng Israel có nhiều động cơ để tấn công Natanz. Ông Stephen Slick, người từng quản lý hợp tác giữa tình báo Mỹ và Mossad, nói: Các thông điệp chính sách khác nhau có thể là lời nhắc nhở rằng Mỹ và Liên minh châu Âu không nên bỏ qua lợi ích và quyền tự do hành động của Israel, rằng Iran cần nhớ mình luôn dễ bị tổn thương trước hành động quân sự và tình báo Israel.

Thậm chí, tại Israel, một số người còn cho rằng vụ tấn công Natanz nhằm phục vụ mục đích đối nội của Thủ tướng Israel. Ông Netanyahu đang bị xét xử vì cáo buộc tham nhũng và gặp khó khăn trong thành lập chính phủ liên minh mới sau tổng tuyển cử tháng trước.

Một số nhà phân tích cho rằng đối đầu công khai với Iran có thể giúp ông Netanyahu thuyết phục các đối tác liên minh dao động rằng giờ không phải lúc loại bỏ một thủ tướng giàu kinh nghiệm.

Ông Chuck Freilich, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia ở Israel, nhận định: “Ông ấy có thể vừa muốn xây dựng hình ảnh vừa muốn tạo chút khủng hoảng chính sách đối ngoại để giúp mình giải quyết khủng hoảng liên minh chính phủ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại