Toàn cầu "sốt vó" chạy đua hạt nhân mới Mỹ - Nga?

Quý Hoàng |

Các chuyên gia hạt nhân và cựu quan chức Mỹ cho biết, sự sụp đổ của một hiệp ước ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân diễn ra vào thời điểm đặc biệt nguy hiểm.

Chính quyền Trump đang hướng tới một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với Nga, theo các chuyên gia an ninh và cựu quan chức Mỹ. Những chuyên gia này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều họ cho là ý định của Nhà Trắng trong việc rút khỏi một hiệp ước hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh.

Thời kì đặc biệt nguy hiểm

Thời hạn sáu tháng mà chính quyền Trump đưa ra cho Nga để quay trở lại tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF năm 1987 hết hạn vào ngày 2/8 này. Nhà Trắng không có dấu hiệu nào sẽ rút lại lời đe dọa của mình.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Quốc hội Mỹ có thể ngăn chặn chính quyền bãi bỏ hiệp ước INF hay không.

Quyết định rời khỏi thỏa thuận INF của Tổng thống Donald Trump đặt Mỹ cận kề việc tiến vào một môi trường an ninh không còn bất kỳ thỏa thuận nào hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân mới.

Toàn cầu sốt vó chạy đua hạt nhân mới Mỹ - Nga? - Ảnh 2.

Mỹ đã chỉ trích Nga phát triển một loại tên lửa mới mà Washington cho rằng vi phạm INF. Ảnh minh họa: AFP/Getty.

Hậu quả đó xảy ra vào thời điểm đặc biệt nguy hiểm khi các đối thủ cạnh tranh quyền lực nước lớn, bao gồm Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, chuẩn bị cho các cuộc xung đột mới trên biển, trên mặt đất và trên không, cũng như các chiến trường tiềm năng mới như không gian.

Những chuyên gia theo dõi chặt chẽ sự phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân cho biết quyết định của Nhà Trắng sẽ tăng cường khả năng xung đột.

"Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang cao đến mức không cần thiết và không thể chấp nhận được.

Cái chết của hiệp ước INF, khi không có bất kỳ kế hoạch nào bù đắp cho sự suy giảm kiểm soát vũ khí, sẽ chỉ đẩy nhanh vòng xoáy đưa tới hỗn loạn hạt nhân và thảm họa tiềm tàng", Jon Wolfsthal, cựu cố vấn hàng đầu của chính quyền Obama về các vấn đề phổ biến hạt nhân cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.

Wolfsthal, hiện là giám đốc của tổ chức giải giáp vũ khí hạt nhân, cho biết ông Trump đã không nỗ lực nghiêm túc để khuyến khích Nga quay trở lại các điều khoản của INF, được ký giữa Ronald Reagan và người đồng cấp Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Cùng với cố vấn an ninh quốc gia John Bolton - nổi tiếng là không hài lòng với các thỏa thuận hạn chế sử dụng vũ khí của Mỹ - Nhà Trắng đã "giết chết một công cụ quan trọng để giữ gìn sự ổn định và bảo vệ an ninh toàn cầu", Wolfsthal cho biết trong một tuyên bố.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết hôm thứ Ba Nga không có kế hoạch thực hiện bất kỳ bước đi mới nào liên quan đến hiệp ước INF.

Mỹ "không thành ý" với INF?

Sự sụp đổ của hiệp ước này sẽ có tác động đáng kể đối với cả hai nước này và các đồng minh của họ khi các loại vũ khí bị cấm trong INF là mối quan tâm đặc biệt đối với các quốc gia ở Tây Âu. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nỗ lực trong những tháng gần đây để đưa hai nước tham gia trở lại tuân thủ thỏa thuận.

Nhưng ông đã phải thừa nhận vào tháng 6 rằng, khối an ninh này, ban đầu được thành lập để đối trọng với Liên Xô, đã chuẩn bị cho một kết quả leo thang.

"NATO tiếp tục kêu gọi Nga quay trở lại tuân thủ đầy đủ và có thể kiểm chứng được hiệp ước INF. Nhưng chúng tôi cũng phải chuẩn bị cho một thế giới không có INF và hôm nay [các bộ trưởng quốc phòng] đã đồng ý rằng NATO sẽ đáp trả nếu Nga không trở lại tuân thủ", ông tweet vào thời điểm đó.

Khi đưa ra lời đe dọa hồi đầu năm nay, ông Trump đã trích dẫn nhiều thông tin về sự vi phạm hiệp ước của Nga, nhưng cũng than thở rằng Trung Quốc đã không bị hạn chế trong đó - mặc dù Trung Quốc không được coi là một đối thủ quyền lực lớn tại thời điểm hiệp ước được tạo ra.

Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng không giải quyết các khiếu nại của Nga về việc Mỹ không tuân thủ hiệp ước, điều mà một số chuyên gia cho là hợp lí. Hoa Kỳ đã chọc giận Moscow bằng cách lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Romania có khả năng phóng tên lửa hành trình.

Các quan chức Nga cũng đã trích dẫn thêm việc phát triển và sử dụng máy bay không người lái của Hoa Kỳ, mà họ nói cũng vi phạm hiệp ước này.

"Việc tuyên bố Hoa Kỳ hợp lý trong việc rút khỏi hiệp ước vì các vi phạm từ phía Nga không tính đến bức tranh toàn cảnh", chuyên gia David Wright viết thay mặt cho Liên minh các nhà khoa học quan ngại trong một bức thư ngỏ được đưa ra hôm thứ Tư.

"Điều rõ ràng làm cơ sở cho quyết định này là sự ác cảm của chính quyền đối với các thỏa thuận được đàm phán mà bằng mọi cách hạn chế các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ."

Hiệp ước INF đã dẫn đến việc phá hủy hơn 1.800 tên lửa của Liên Xô và hơn 800 tên lửa của Mỹ.

Cả Wright và Wolfsthal đều nhấn mạnh lo ngại rằng việc rút khỏi Hiệp ước INF sẽ khiến giữa hai nước này chỉ bị ràng buộc bởi một thỏa thuận khác – New START, được ký vào năm 2010 – trong việc quản lý kho dự trữ hạt nhân của họ.

Ông Trump và ông Bolton đã ra tín hiệu rằng họ cũng có kế hoạch rút khỏi hiệp ước đó hoặc để các điều khoản đó mất hiệu lực khi New START sẽ hết hạn vào năm 2021. Kịch bản này sẽ khiến lần đầu tiên kể từ năm 1972, hai cường quốc hạt nhân sẽ không có bất kỳ ràng buộc hạt nhân nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại